Trợ giúp pháp lý cho trẻ em và nạn nhân bạo lực gia đình


Theo quy định tại Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, ngoài việc tất cả trẻ em được trợ giúp pháp lý (TGPL) thì nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình được TGPL trước hết phải là người có khó khăn về tài chính hoặc nạn nhân bạo lực gia đình nếu thuộc một trong các diện khác (thuộc hộ nghèo, người có công với cách mạng, là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn,…) sẽ được các tổ chức thực hiện TGPL cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí trong các vụ việc liên quan trực tiếp đến các quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm thực hiện các quy định về quyền con người tại Hiến pháp năm 2013 và phù hợp các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Luật TGPL còn quy định: Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự có khó khăn về tài chính cũng được TGPL miễn phí.

Để nâng cao hiệu quả TGPL cho trẻ em, nạn nhân bạo lực gia đình, tổ chức thực hiện TGPL đã thực hiện nhiều giải pháp khác nhau như: tăng cường thông tin, truyền thông về TGPL; chú trọng tới việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, tập huấn chuyên sâu về kỹ năng tham gia tố tụng dân sự, hình sự, hành chính và kỹ năng TGPL cho trẻ em, phụ nữ, nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân bạo lực giới; phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là các cơ quan tiến hành tố tụng ở T.Ư và địa phương, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Bảo vệ quyền trẻ em… trong việc thông tin, chuyển gửi vụ việc và phối hợp thực hiện TGPL; cử Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư có nhiều kinh nghiệm thực tế, am hiểu tâm lý phụ nữ, trẻ em để thực hiện việc TGPL cho các đối tượng này…

Tuy nhiên, công tác TGPL giúp trẻ em, nạn nhân bạo lực gia đình hiện còn gặp phải một số thách thức: Đó là do tâm lý nên nhiều người được TGPL nhất là phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân bị xâm hại tình dục… thường muốn giấu kín vụ việc hoặc cam chịu, không chia sẻ thông tin khi có vụ việc xảy ra. Nội dung truyền thông chưa thật sự phong phú và hấp dẫn, chưa phù hợp các đối tượng đặc thù, chưa chú ý yếu tố giới, tuổi tác, tâm lý, hoàn cảnh và địa bàn sinh sống của người dân. Việc chuyển, gửi vụ việc từ các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức thực hiện TGPL và ngược lại đôi khi chưa được thường xuyên, đầy đủ và kịp thời;…

Để nâng cao hiệu quả thực hiện TGPL cho trẻ em và nạn nhân bạo lực gia đình, thiết nghĩ cần thực hiện một số giải pháp: Tăng cường công tác thông tin và truyền thông về TGPL để các đối tượng có thể chủ động yêu cầu giúp đỡ khi cần thiết, đặc biệt khi nạn nhân là phụ nữ, trẻ em. Đổi mới cách thức truyền thông, đa dạng hóa các phương thức truyền thông phù hợp từng đặc thù địa bàn, trình độ dân trí của người dân, đặc biệt là phù hợp trẻ em, nạn nhân bạo lực gia đình.

Nội dung quan trọng khác là tăng cường phối hợp giữa các cơ quan “Phản ứng nhanh” về các vụ việc xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình. Sự phối hợp giữa các tổ chức TGPL với các cơ quan liên quan (cơ quan tố tụng, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là các cơ quan, tổ chức có chức năng đại diện và bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em như Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp,...) để phát hiện và TGPL kịp thời nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình và trẻ em bị bạo lực giới, phân biệt đối xử… là rất quan trọng trong việc bảo đảm quyền TGPL. Do vậy giữa tổ chức TGPL và các cơ quan này nên lập cơ chế phản ứng nhanh thông qua đường dây nóng hoặc kênh thông tin khác kết nối giữa tổ chức TGPL với các cơ quan hữu quan có liên quan, đặc biệt là những cơ quan bảo vệ trẻ em, các cơ quan tố tụng và tổ chức TGPL nhằm có những giải pháp hỗ trợ kịp thời. Các tổ chức thực hiện TGPL cần tận dụng lợi thế của của in-tơ-nét như Facebook, Twitter, YouTube, Titok, Zalo, Viber… để chủ động tiếp cận, xử lý các thông tin liên quan người được TGPL là phụ nữ, trẻ em gái trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ.

Có thể thành lập các đội, nhóm, tổ phản ứng nhanh tại cơ sở với sự tham gia của cán bộ tư pháp xã, công an xã, phụ nữ, thanh niên, những nhà hoạt động xã hội… kết nối với người thực hiện TGPL để có thể sớm phát hiện vụ việc bạo lực gia đình, bạo lực tình dục, bạo lực trên cơ sở giới, những vụ việc liên quan trẻ em… và kịp thời cung cấp những dịch vụ thiết yếu bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân; kịp thời cung cấp dịch vụ TGPL cho đối tượng yếu thế này. Nâng cao năng lực đội ngũ người thực hiện TGPL và chất lượng dịch vụ TGPL. Đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý theo hướng kết hợp giữa tự học, tự nghiên cứu hoàn thiện mình với đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn lại, trong đó đặc biệt chú trọng việc tự học tập nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức mới và kỹ năng làm việc với các đối tượng đặc thù và thực hiện TGPL trên từng lĩnh vực cụ thể. Nâng cao trách nhiệm của luật sư với tư cách là người bảo vệ công lý khi tham gia TGPL cần nhiệt tình, có trách nhiệm, bảo đảm cung cấp dịch vụ pháp lý có chất lượng khi thực hiện TGPL cho các đối tượng dễ bị tổn thương.

TRẦN NGUYÊN TÚ
(Bộ Tư pháp)