TĂNG LỢI NHUẬN
Hợp tác xã nông nghiệp Vinacam, xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang thực hiện thí điểm Đề án một triệu héc-ta diện tích ban đầu là 50 ha, với 10 thành viên tham gia, từ vụ sản xuất đông xuân 2024-2025 (tháng 10/2024- 3/2025). Ông Lê Tấn Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp Vinacam cho biết: Người nông dân tiết kiệm giống gieo sạ từ 120 kg lúa/ha xuống còn 70 kg lúa/ha; năng suất đạt khoảng hơn 1 tấn/ha, giá lúa bán ra cao hơn giá thị trường khoảng 300 đồng/kg. Ngoài ra, mô hình còn giảm được 1,8 lần phun thuốc bảo vệ thực vật, tương đương giảm 22% chi phí, giúp giảm rủi ro ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe nông dân.
Bên cạnh đó, thực hiện mô hình áp dụng quy trình quản lý nước theo kỹ thuật ướt khô xen kẽ, rút nước từ 2-4 lần trong vụ lúa, không chỉ giúp tiết kiệm lượng nước tưới, nông dân giảm được chi phí đầu vào, mà còn góp phần giảm phát thải khí N2O - loại khí nhà kính mạnh gấp 298 lần CO2 ra môi trường bên ngoài. Tổng hợp các kỹ thuật trên tạo nên hiệu quả kinh tế vượt trội, giúp lợi nhuận tăng thêm 6,6 triệu đồng/ha. Riêng giống lúa DS1 của Hợp tác xã Nông nghiệp Vinacam cho lợi nhuận trên 55 triệu đồng/ha và giảm phát thải trên 13 tấn/ha CO2 quy đổi so với canh tác truyền thống.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tân Thuận, xã Mỹ Thuận, huyện Hòn Đất, ngoài lợi nhuận từ sản xuất lúa, 70 ha lúa của hợp tác xã được trả tiền tín chỉ các-bon từ Công ty Net Zero Carbon phối hợp với Công ty BSB Nanotech thực hiện; dự kiến thu về thêm khoảng 2,5 triệu đồng/ha. Ngoài ra, tham gia mô hình trồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp, rơm rạ sau thu hoạch được người nông dân dùng để chế biến thành thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm, trồng nấm rơm… mang lại lợi nhuận đáng kể.
Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Hòn Đất, ông Dương Huy Bình cho biết, đến nay địa phương đã triển khai cho 24 hợp tác xã thực hiện trồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp theo Đề án 1 triệu héc-ta, với tổng diện tích 8.000 ha. Kết quả bước đầu cho thấy, quy trình canh tác này đã giúp nông dân tiết kiệm tối đa chi phí và tăng lợi nhuận. Ước tính chi phí sản xuất giảm khoảng 3,5 triệu đồng/ha, năng suất bình quân 11,2 tấn/ha.
XU HƯỚNG TẤT YẾU
Thực hiện Đề án một triệu héc-ta, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã chỉ đạo triển khai các mô hình thí điểm tại 12 tỉnh, thành phố ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tiến sĩ Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang cho biết: Tại tỉnh Kiên Giang, mô hình trồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp cho hiệu quả rõ rệt. Thí dụ, tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thanh Niên Phú Hòa, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp có 18 ha ứng dụng hệ thống đo lường phát thải để ghi nhận mức giảm phát thải khí nhà kính, tạo cơ sở cho việc cấp tín chỉ các-bon.
Tại diễn đàn “Giải pháp thúc đẩy canh tác lúa phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại Đồng bằng sông Cửu Long”, mới đây, nhiều nông dân bày tỏ mong muốn tham gia vào mô hình trồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại các hợp tác xã.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết: Sau giai đoạn thí điểm, các địa phương đang từng bước mở rộng mô hình canh tác lúa phát thải thấp, hướng tới mục tiêu đạt 200.000 ha vào năm 2025 và một triệu héc-ta vào năm 2030. Theo đó, mở rộng diện tích tại các tỉnh đã triển khai mô hình thí điểm, là Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh và Đồng Tháp. Từ vụ hè thu 2025 phát triển mô hình tại các tỉnh An Giang, Long An, Hậu Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu và Cà Mau, mở rộng diện tích canh tác theo hướng giảm phát thải.
Cũng theo ông Thanh, các hợp tác xã và doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang được khuyến khích ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm lúa gạo giảm phát thải. Nếu mô hình thành công sẽ được cấp chứng nhận và truy xuất nguồn gốc để nâng cao giá trị thương mại. Hiện các địa phương đang đề xuất đầu tư hệ thống kênh mương và công nghệ tưới hiện đại, hỗ trợ sản xuất lúa giảm phát thải trên quy mô lớn .