Kế hoạch nêu trên dự kiến được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 4 của Diễn đàn Trung Quốc-Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribe (Trung Quốc- CELAC) khai mạc hôm nay 13/5 tại Bắc Kinh.
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, kế hoạch mới đề ra các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực như đổi mới khoa học-công nghệ, đầu tư kinh tế và thương mại, tài chính, hạ tầng cơ sở, nông nghiệp-thực phẩm, công nghiệp số hóa và phát triển năng lượng. Hai bên thể hiện quyết tâm chung vì hòa bình, phát triển và hợp tác toàn diện giữa Trung Quốc và khu vực Mỹ Latin-Caribe.
Với sự hiện diện của gần 20 bộ trưởng ngoại giao cùng các nhà lãnh đạo cấp cao đến từ khu vực Mỹ Latin-Caribe, sự kiện nêu trên đánh dấu 10 năm kể từ khi Diễn đàn Trung Quốc-CELAC chính thức ra mắt năm 2015 tại Bắc Kinh. Diễn đàn này đã trở thành nền tảng đa phương đầu tiên bao gồm Trung Quốc và 33 quốc gia trong khu vực.
Đây là một cột mốc quan trọng trong hợp tác Trung Quốc với khu vực Mỹ Latin-Caribe, đưa quan hệ hai bên lên một giai đoạn phát triển mới bình đẳng, cùng có lợi, đổi mới, cởi mở và mang lại lợi ích cho người dân.
Trung Quốc coi Mỹ Latin-Caribe là khu vực quan trọng thúc đẩy hợp tác của các nước ở Nam bán cầu và là lực lượng quan trọng để duy trì hòa bình và phát triển trên thế giới. Bất chấp khoảng cách địa lý, hai bên mong muốn tăng cường hợp tác và tiếp cận mối quan hệ này theo góc nhìn chiến lược và dài hạn.

Bế mạc Hội nghị cấp cao CELAC
Trong 10 năm qua, quan hệ giữa Trung Quốc với khu vực Mỹ Latin và Caribe đã đạt được bước tiến đáng kể. Trung Quốc trở thành một đối tác then chốt trong lĩnh vực tài chính và đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển và thịnh vượng cho nhiều nước trong khu vực này.
Hiện nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Mỹ Latin-Caribe, đồng thời là đối tác số một của các quốc gia như Chile, Brazil và Peru. Trong số các quốc gia trong khu vực, năm nước gồm Chile, Peru, Costa Rica, Ecuador và Nicaragua đã ký kết các hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc.
Ngay từ năm 2015, Bắc Kinh đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương với khu vực lên 500 tỷ USD mỗi năm và tổng vốn đầu tư tích lũy đạt 250 tỷ USD trong vòng 10 năm.
Vào năm 2024, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và các nước Mỹ Latin-Caribe vượt 500 tỷ USD. Đến nay, Trung Quốc đã ký các thỏa thuận miễn thị thực lẫn nhau với bảy quốc gia trong khu vực này, trong khi công dân của Brazil, Argentina và Chile nằm trong số những người được hưởng lợi từ chính sách quá cảnh miễn thị thực 240 giờ của Trung Quốc.
Đáng chú ý, năm 2023, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Mỹ Latin-Caribe đạt 600,8 tỷ USD; đưa khu vực này trở thành điểm đến đầu tư lớn thứ hai của Bắc Kinh trên toàn cầu.
Trung Quốc và các nước Mỹ Latin-Caribe chiếm một phần năm diện tích đất liền của thế giới, một phần tư dân số toàn cầu và một phần tư GDP toàn cầu cho nên sự hợp tác giữa hai bên sẽ tạo nên một trong những khu vực năng động và đầy hứa hẹn nhất trên thế giới. Với tổng số dân khoảng 2 tỷ người, Trung Quốc và các nước Mỹ Latin-Caribe cùng nhau tạo nên một thị trường siêu lớn xuyên Thái Bình Dương đầy tiềm năng, trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển.

Cuba thúc đẩy hợp tác EU-CELAC
Hai bên có thể bổ sung thế mạnh về kinh tế và thương mại cho nhau, đồng thời khai thác tiềm năng hợp tác to lớn trong các lĩnh vực khoáng sản quan trọng, cơ sở hạ tầng, chuỗi công nghiệp và cung ứng, năng lượng tái tạo và công nghệ cao.
Diễn ra trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, hội nghị Bộ trưởng lần thứ 4 của Diễn đàn Trung Quốc-CELAC không chỉ là dịp để Trung Quốc và khu vực Mỹ Latin-Caribe củng cố lòng tin chính trị, mà còn thảo luận các chiến lược phát triển vì sự thịnh vượng chung. Đây cũng là cơ hội thúc đẩy đoàn kết trong khối các nước đang phát triển và thể hiện một tiếng nói chung vững mạnh của Nam bán cầu trên trường quốc tế.