Chúng tôi đến Trường tiểu học Bản Xen (huyện Mường Khương), đúng giờ ra chơi, thấy các em học sinh hồ hởi vây quanh vườn rau xanh, chăm chú nghe cô Mờ Thị Nhung là khuyến nông viên của xã Bản Xen giới thiệu, hướng dẫn cách trồng và chăm sóc các loại cây. Các em học sinh được “mắt thấy, tai nghe, tay làm” cho nên hiểu biết và thực hành lao động ngay tại chỗ rất nhanh trong không khí phấn khởi, vui vẻ. Cô giáo Trần Thị Bình, Hiệu trưởng Trường tiểu học Bản Xen cho biết, mô hình “lớp học nông trại” được nhà trường triển khai thực hiện từ năm học 2013 - 2014, với mục tiêu kết hợp giữa học tập kiến thức và thực hành, nhằm nâng cao kỹ năng lao động, mở rộng kiến thức xã hội, rèn luyện đạo đức lối sống cho học sinh. Khi bắt đầu triển khai mô hình, nhà trường gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, chuồng trại, đào ao, vườn trồng trọt, cây con giống, thức ăn… Vì vậy, nhà trường đã phát động “bốn cùng”, đó là: Nhà trường, học sinh, phụ huynh và chính quyền địa phương, để đưa mô hình nông trại vào trường học. Ban giám hiệu nhà trường mở hội nghị học sinh và phụ huynh, có sự tham gia của đại diện chính quyền địa phương, đề xuất, thảo luận, bàn bạc, quyết định kế hoạch về xây dựng cơ sở vật chất, nuôi con gì, trồng cây gì, phương thức đóng góp kinh phí phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và sở nguyện của học sinh và phụ huynh học sinh. Chính quyền tạo điều kiện cấp đất làm ao; phụ huynh học sinh đóng góp công lao động, cây con giống; giáo viên nhà trường tự nguyện đóng góp tiền để thuê máy xúc đào ao. Vì vậy, Trường tiểu học Bản Xen đã xây dựng được hệ thống nông trại ngay trong khuôn viên trường học, bảo đảm an toàn và vệ sinh môi trường. Đến nay, hệ thống nông trại của nhà trường có khu vườn rau 400 m2, ao thả cá 600 m2, đàn dê bảy con, đàn gia cầm và chim bồ câu hơn 20 con.
Về cách thức dạy, giáo viên tiến hành dạy kiến thức nông trại lồng ghép trong các tiết học chính khóa, tổ chức cho học sinh thực hành, trải nghiệm thực hành vào giờ nghỉ và các giờ học ngoại khóa theo kế hoạch và lịch học chung (bốn tiết/tháng). Nhà trường sắp xếp lịch học từng lớp, theo ngày và theo tuần. Mỗi lớp lại phân công học theo từng nhóm, như: Trồng trọt, chăn nuôi lợn, nuôi gia cầm và chim bồ câu, nuôi cá và thủy sản, nuôi dê… Các gia đình chăn nuôi, trồng trọt giỏi ở địa phương được nhà trường mời đến để hướng dẫn các em học sinh cách chăm sóc vật nuôi, trồng trọt và thu hoạch rau xanh. Nhà trường còn phối hợp cán bộ khuyến nông và thú y của xã để tham gia giảng dạy, hướng dẫn kỹ thuật về nông trại.
Hiện tại, Trường tiểu học Bản Xen có mô hình nông trại thực hiện ở điểm trường chính, phục vụ 220 học sinh. Còn tại ba điểm trường lẻ chưa thực hiện được cho nên hằng tháng, nhà trường tổ chức “luân chuyển” học sinh về trường chính để học tập và thực hành nông trại, bảo đảm cho tất cả học sinh đều được tiếp thu kiến thức và thực hành các kỹ năng trồng trọt, chăn nuôi. Các sản phẩm của các em làm ra như thịt lợn, gà, cá, rau xanh… được đưa vào liên hoan dịp Tết và tổng kết năm học, có sự tham gia của phụ huynh học sinh, tạo không khí vui tươi, gắn kết giữa nhà trường, học sinh, phụ huynh và chính quyền, đoàn thể ở địa phương.
Mô hình “Trường học nông trại” ở Trường tiểu học Bản Xen chỉ là một trong những điểm sáng về gắn học tập kiến thức với lao động thực hành ngay tại trường học. Sau gần ba năm triển khai, đến nay tỉnh Lào Cai có hơn 100 trường học nông trại ở các cấp học, thuộc chín huyện, thành phố. Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai Nguyễn Anh Ninh, mô hình “Trường học nông trại” đa lợi ích “bốn trong một”: Gắn kết học tập kiến thức với lao động thực hành; hình thành kỹ năng sống; xây dựng và bồi đắp đạo đức, nhân cách; có sản phẩm cải thiện đời sống học sinh.
Qua khảo sát thực tế ở những cơ sở giáo dục có thực hiện mô hình trường học nông trại, học sinh tự tin, bạo dạn, giao tiếp và tiếp thu kiến thức bài giảng tốt hơn. Trong thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Lào Cai sẽ phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương tích cực khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất trường học (nhất là mặt bằng đất); tuyên truyền vận động phụ huynh học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và củng cố và hoàn thiện nội dung, phương pháp dạy và học nông trại để nâng cao chất lượng và mở rộng thêm mô hình “trường học nông trại” đạt kết quả cao ở địa phương.