Độc đáo tục nhuộm răng đen của phụ nữ dân tộc Lào ở Lai Châu.
Độc đáo tục nhuộm răng đen của phụ nữ dân tộc Lào ở Lai Châu.

Tục nhuộm răng đen - Điểm nhấn văn hóa du lịch của người Lào ở Lai Châu

NDO - Tục nhuộm răng đen của đồng bào dân tộc Lào ở bản Nà Hiềng, xã Nà Tăm, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu là biểu hiện đặc sắc về thẩm mỹ truyền thống. Không chỉ vậy, phong tục này còn phản ánh tín ngưỡng và nhân sinh quan của cộng đồng cư dân nơi vùng cao biên giới.

Nguyên liệu chính để nhuộm răng là một loại cây rừng mọc ở những vùng núi cao, thân chắc và nhiều nhựa. Sau khi thu hái, người dân đem phơi khô để dùng dần.

Tục nhuộm răng đen - Điểm nhấn văn hóa du lịch của người Lào ở Lai Châu ảnh 1

Đốt cháy thanh gỗ để lấy nguyên liệu nhuộm răng.

Để chuẩn bị nhuộm răng, người phụ nữ sẽ đốt cháy thanh gỗ, dùng miếng gang hoặc con dao hứng lấy lớp khói đen, dùng ngón tay trỏ miết lớp muội bám trên bề mặt gang rồi chà lên răng.

Tục nhuộm răng đen - Điểm nhấn văn hóa du lịch của người Lào ở Lai Châu ảnh 2

Quá trình chuẩn bị nguyên liệu nhuộm răng.

Theo quan niệm của phụ nữ dân tộc Lào, hàm răng đen không chỉ được xem là chuẩn mực vẻ đẹp ngoại hình mà còn mang ý nghĩa về sự may mắn. Theo những phụ nữ trung niên trong bản, trước đây, tục nhuộm răng đen thường được thực hiện khi phụ nữ khoảng hơn 30 tuổi.

Xa xưa nữa, một số người cao tuổi nhuộm từ năm 13 tuổi. Trong thời gian này, người nhuộm răng phải kiêng ăn đồ nóng, đồ cứng để hàm răng giữ được màu đen bóng và bền.

Tục nhuộm răng đen - Điểm nhấn văn hóa du lịch của người Lào ở Lai Châu ảnh 3

Nguyên liệu chính để nhuộm răng là thân cây rừng được đốt cháy thành than.

Trước sự thay đổi của xu hướng thẩm mỹ hiện đại, tục nhuộm răng đen không còn phổ biến trong đời sống của lớp trẻ. Tuy nhiên, tại các bản làng người Lào ở Tam Đường, không ít phụ nữ trung niên và cao tuổi vẫn giữ gìn và tự hào với hàm răng đen truyền thống. Không những thế, những người bà, người mẹ còn là cầu nối giúp thế hệ tiếp nối hiểu và trân trọng phong tục truyền thống của dân tộc mình.

Tục nhuộm răng đen - Điểm nhấn văn hóa du lịch của người Lào ở Lai Châu ảnh 4

Phụ nữ dân tộc Lào tự nhuộm răng để làm đẹp.

Ý thức được giá trị văn hóa sâu sắc và đặc trưng của tục nhuộm răng đen, chính quyền địa phương và các ngành chức năng ở Lai Châu đã triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo tồn, giới thiệu nét văn hóa đặc sắc này đến du khách và cộng đồng.

Trong khuôn khổ các lễ hội văn hóa dân tộc, các hoạt động trình diễn nhuộm răng đen gắn kết các trải nghiệm về nghề thủ công, ẩm thực truyền thống được tổ chức thường niên nhằm đưa sắc màu văn hóa đến gần nhân dân địa phương và công chúng.

Tục nhuộm răng đen - Điểm nhấn văn hóa du lịch của người Lào ở Lai Châu ảnh 5

Do thị hiếu thẩm mỹ hiện đại, chỉ còn phụ nữ trung niên duy trì tục nhuộm răng.

Từ góc nhìn phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa, tục nhuộm răng đen hoàn toàn có thể trở thành điểm nhấn độc đáo trong sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của Lai Châu.

Những bản làng người Lào với phong tục tốt đẹp, kiến trúc truyền thống, nếp sống nguyên sơ là nguồn tài nguyên quý giá để phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn di sản. Việc kết hợp các sinh hoạt văn hóa nguyên bản trong mô hình du lịch trải nghiệm sẽ góp phần tạo sinh kế cho đồng bào và quảng bá màu sắc văn hóa Lào.

Tục nhuộm răng đen - Điểm nhấn văn hóa du lịch của người Lào ở Lai Châu ảnh 6

Tục nhuộm răng xuất phát từ quan niệm thẩm mỹ của bà con dân tộc Lào ở Lai Châu.

Tục nhuộm răng đen của dân tộc Lào ở Tam Đường không chỉ là một phong tục truyền thống mà còn là biểu tượng của bản sắc văn hóa.

Trong thời đại hội nhập, việc gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống như tục nhuộm răng là cách để khẳng định bản sắc, tiếp nối dòng chảy văn hóa dân tộc qua các thế hệ.

Tục nhuộm răng đen - Điểm nhấn văn hóa du lịch của người Lào ở Lai Châu ảnh 7

Phụ nữ dân tộc Lào trong trang phục truyền thống.

Việc bảo tồn tục nhuộm răng đen không đơn thuần là giữ lại một phong tục xưa mà còn lưu giữ vẻ đẹp riêng của người Lào nơi miền núi Tây Bắc, là minh chứng sống động cho sự đa dạng văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

back to top