Ứng dụng chuyển đổi số nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ động lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, làm nền tảng cho quá trình chuyển đổi số, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động quản lý điều hành, tác nghiệp, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học trên toàn hệ thống.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và đơn vị đối tác tham quan mô hình quản trị thông minh tại Học viện. (Ảnh: PHẠM CƯỜNG)
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và đơn vị đối tác tham quan mô hình quản trị thông minh tại Học viện. (Ảnh: PHẠM CƯỜNG)

Trong bài viết Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế-xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - phương thức sản xuất số…

Người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp và người dân phải nhận thức đầy đủ, thống nhất, có trách nhiệm và quyết tâm thực hiện quá trình chuyển đổi số…

Sớm bắt nhịp xu thế tất yếu của cuộc cách mạng 4.0, kịp thời thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số quốc gia, và chỉ đạo của Tổng Bí thư, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/ĐU ngày 11/7/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ Học viện xác định: Chuyển đổi số là trách nhiệm của lãnh đạo và các cấp ủy, tổ chức đảng, trước hết là người đứng đầu cơ quan, đơn vị và bí thư cấp ủy.

Chuyển đổi số vừa là phương thức, vừa là động lực để thực hiện đổi mới các mặt công tác; thay đổi về nhận thức, tư duy, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Học viện.

Với phương châm “dân chủ-kỷ cương-sáng tạo-nêu gương-chất lượng-hiệu quả”, lấy người học là đối tượng trung tâm để phục vụ, bắt đầu ngay từ những việc nhỏ nhất, thiết thực nhất, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp ở Học viện chủ động lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, làm nền tảng cho quá trình chuyển đổi số.

Các hoạt động chuyển đổi số được thực hiện đồng bộ, toàn diện trong tất cả các mặt hoạt động của Học viện, trọng tâm phục vụ người học, nhà khoa học, cán bộ, công chức, giảng viên của hệ thống Học viện, các trường chính trị, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động quản lý điều hành, tác nghiệp, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học trên toàn hệ thống Học viện.

Các đơn vị trong Học viện đã khẩn trương cụ thể hóa nghị quyết, xây dựng kế hoạch triển khai, xác định rõ nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Trọng tâm là hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hệ thống thông tin phục vụ điều hành, đào tạo, nghiên cứu; xây dựng cơ sở dữ liệu về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Chuyển đổi số trở thành khâu đột phá, góp phần nâng cao chất lượng quản lý, đào tạo, nghiên cứu, khẳng định vai trò và vị thế của Học viện trên môi trường số.

Từ năm 2024, Học viện vận hành mô hình quản trị thông minh với 13 phần mềm nội bộ đạt chuẩn quốc tế, hỗ trợ toàn diện các hoạt động và đơn vị trực thuộc.

Học viện tổ chức nhiều khóa đào tạo kỹ năng chuyển đổi số cho cán bộ, giảng viên như lớp học đảo ngược, phương pháp giảng dạy hiện đại, ứng dụng công nghệ trong giảng dạy.

Nhờ đó, môi trường dạy và học trở nên hiện đại, với giáo án điện tử thay thế giáo án giấy, tài liệu số hóa, nền tảng giảng dạy trực tuyến và nghiên cứu khoa học số.

Các đơn vị chú trọng phát triển thư viện số, học liệu số, đầu tư hệ thống cầu truyền hình, mạng không dây, phần mềm quản lý học tập, điểm danh bằng AI, phòng học thông minh.

Các phần mềm như Voffice, Microsoft Teams giúp giảm chi phí và đổi mới phương thức điều hành, đào tạo.

Chuyển đổi số đã góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu, quản lý của Học viện; trong đó, việc áp dụng phần mềm kiểm định chống đạo văn, sao chép, chống trùng lặp trong nghiên cứu khoa học, luận văn, luận án, công trình nghiên cứu khoa học, bài báo của các tạp chí, các bài viết tham gia cuộc thi bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bước tiến quan trọng nâng cao chất lượng và chuẩn mực khoa học trong toàn hệ thống.

Có thể bạn quan tâm

back to top