Thông điệp của Liên hợp quốc năm nay nhấn mạnh tầm quan trọng của đại dương đối với sự sống con người đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng hành động bảo vệ hệ sinh thái biển, nhất là khi đại dương đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng nghiêm trọng do biến đổi khí hậu và các tác động tiêu cực của con người.
Đây cũng là dịp quan trọng để lan tỏa tinh thần yêu biển, nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của đại dương đối với sự sống nhân loại đồng thời khẳng định quyết tâm bảo vệ môi trường, phát triển bền vững các ngành kinh tế biển gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường và chủ quyền quốc gia trên biển.
![]() |
Chung tay bảo vệ hệ sinh thái biển. |
Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo vệ môi trường biển, từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển theo định hướng khoa học và công nghệ. Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Đảng và Nhà nước ban hành đã xác định rõ định hướng kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ đa dạng sinh học và chuyển đổi mô hình khai thác biển theo hướng xanh, hiệu quả, bền vững.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã siết chặt các quy định về kiểm soát nguồn thải từ đất liền và trên biển, nâng cao trách nhiệm của các bên liên quan. Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đẩy mạnh thiết lập hệ thống quan trắc môi trường biển, giúp giám sát chất lượng nước theo thời gian thực và đưa ra cảnh báo sớm nguy cơ ô nhiễm. Việt Nam cũng tích cực mở rộng mạng lưới khu bảo tồn biển và đẩy mạnh hợp tác quốc tế thông qua việc tham gia các công ước quan trọng như UNCLOS 1982 và MARPOL 73/78.
Tuy nhiên, môi trường biển Việt Nam vẫn đang chịu áp lực ngày càng lớn từ các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội. Tình trạng suy thoái cảnh quan, ô nhiễm môi trường ven biển và các sự cố môi trường biển vẫn tiếp diễn ở nhiều khu vực. Rác thải rắn sinh hoạt và chất thải công nghiệp, nông nghiệp, du lịch… đang gây ô nhiễm diện rộng tại các vùng bờ biển.
Đáng lo ngại hơn, các hệ sinh thái ven bờ như rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển đang bị suy giảm nghiêm trọng. Trong 15 năm qua, từ 15% đến 20% diện tích rạn san hô đã bị mất, làm suy giảm đa dạng sinh học, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế người dân và các ngành kinh tế biển như thủy sản, du lịch.
![]() |
Các sự cố môi trường biển tiếp diễn ở nhiều khu vực. |
Trong bối cảnh đó, thông điệp “Công nghệ xanh để đại dương bền vững” được lựa chọn cho Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam năm 2025 vừa có ý nghĩa thời sự vừa nhấn mạnh vai trò tiên phong của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh trong bảo vệ đại dương, phát triển kinh tế biển giàu mạnh, gìn giữ chủ quyền quốc gia trên biển.
Việc ứng dụng công nghệ xanh vào bảo vệ môi trường biển được xác định là giải pháp then chốt. Các công nghệ như quan trắc thông minh, xử lý rác thải biển, tái tạo hệ sinh thái rạn san hô, phát triển năng lượng tái tạo trên biển… đang mở ra hướng đi mới cho kinh tế biển Việt Nam. Chuyển đổi số cũng tạo điều kiện để xây dựng nền tảng dữ liệu biển hiện đại, hỗ trợ quy hoạch không gian biển hiệu quả, kiểm soát khai thác tài nguyên một cách bền vững.