Về miền cực nam Tổ quốc

Không phải ngẫu nhiên mà vùng đất địa đầu cực nam Tổ quốc lại cuốn hút mãnh liệt với du khách đến thế! Đã đến rồi, ai cũng mong ngày trở lại…

Một góc công viên văn hóa Mũi Cà Mau.
Một góc công viên văn hóa Mũi Cà Mau.

Đất Mũi - bình minh và hoàng hôn

Hiếm có nơi nào trên dải đất hình chữ S, du khách có thể chiêm ngưỡng rõ hình ảnh mặt trời mọc lúc bình minh và lặn lúc chiều tà. Sức hấp dẫn của miền đất này còn ở cái chất “đặc sệt” về văn hóa sông nước Nam Bộ. Được xem là một trong những vùng nôi cách mạng trong kháng chiến, Cà Mau tự hào với nhiều chiến công vang dội được lưu truyền đến tận ngày nay. Đó là những công trình di tích lịch sử - văn hóa, công trình kiến trúc tâm linh, là khu tưởng niệm, phủ thờ về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở cả chốn thị thành và ở nhiều vùng quê hẻo lánh.

Trên vùng đất ấy, du khách còn được trải nghiệm các lễ hội dân gian đặc sắc, được hòa mình vào không gian thực tế của nhiều làng nghề truyền thống, để cùng ăn, cùng làm, cùng vui vầy với nếp sống mộc mạc, thanh bình, giản dị của người dân quê. Ở đó, sẽ thiếu sót lớn nếu du khách bỏ qua việc khám phá văn hóa ẩm thực. Sự độc đáo, đa dạng từ đặc sản hệ sinh thái mặn - ngọt ở vùng đất cuối trời phương nam hòa quyện cùng giai điệu ngọt lịm của loại hình đờn ca tài tử Nam Bộ, hay những câu chuyện hài hước của bác Ba Phi… sẽ giúp du khách tạm quên đi những xô bồ trong cuộc sống. Nguồn tài nguyên tạo nên nét riêng biệt, hấp dẫn cho du lịch Cà Mau còn phải kể đến các vườn chim tự nhiên, các điểm du lịch cộng đồng, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và U Minh Hạ - nơi đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển và là khu Ramsar của thế giới…

Tầm nhìn dài hạn

Chia sẻ với chúng tôi về tầm nhìn dài hạn trong phát triển “ngành công nghiệp không khói”, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, Trần Hiếu Hùng thừa nhận: Đan xen với những tiềm năng, lợi thế vốn có, du lịch Cà Mau đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức.

Trên cơ sở nhận diện rõ những lợi thế, tiềm năng, cũng như các thách thức đang tồn tại, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau xác định tập trung thực hiện đồng bộ phương châm “4C”: Con người - Chiến lược - Cơ sở hạ tầng - Chuỗi kết nối du lịch.

Phải làm sao để “biến” mỗi người dân Cà Mau trở thành một đại sứ du lịch bản địa. Làm sao để du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng gắn với phát huy giá trị hai Vườn Quốc gia U Minh Hạ và Mũi Cà Mau, tạo sự đột phá cho du lịch phát triển trong tương lai. Để có bước chuẩn bị tốt nhất cho chiến lược phát triển ngành du lịch, Cà Mau thực hiện đồng bộ các giải pháp về xây dựng và hoàn thiện hạ tầng giao thông, hạ tầng dịch vụ du lịch, hạ tầng mạng thông tin quảng bá du lịch, tạo cơ chế hấp dẫn thu hút đầu tư của doanh nghiệp…

Riêng về “Chuỗi kết nối du lịch”, Cà Mau chủ trương thực hiện song hành chính sách đối nội và đối ngoại trong chuỗi kết nối. Cụ thể hơn, về đối nội, ngành du lịch phối hợp các huyện, thành phố trong tỉnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, khôi phục các làng nghề truyền thống gắn với xây dựng “mỗi xã một sản phẩm”. Còn đối ngoại, Cà Mau liên kết với các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long thực hiện các tua, tuyến tham quan, trải nghiệm du lịch đặc thù của từng địa phương. Đồng thời, tăng cường giao lưu, hợp tác, kết nối hội nhập phát triển kinh tế - du lịch với các nước Đông - Nam Á…

Người Cà Mau đang nỗ lực từng ngày để giới thiệu những tiềm năng du lịch hấp dẫn đến du khách qua bức tranh hài hòa, sinh động của thiên nhiên, để nét độc đáo của rừng và biển, để nụ cười thân thiện, ấm áp tình đất, tình người của người dân miền biển ngày càng ngát thơm, lan tỏa.