Kỳ 2: Những vấn đề đặt ra

[Video] Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp - tạo đà cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới

NDO - Giảm tầng nấc trung gian, tinh gọn bộ máy, mục tiêu là chuyển từ trạng trái bị động phục vụ nhân dân sang chủ động phục vụ - mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đang được kỳ vọng sẽ là cú hích mạnh mẽ, mở đường cho một giai đoạn phát triển mới của đất nước. Tuy nhiên, mọi cuộc cải cách đều đi cùng với những khó khăn, thách thức không nhỏ. Khi cấp huyện - vốn được ví như “trục xoay” giữa quản lý nhà nước và đời sống người dân không còn tồn tại, rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết: phải thiết kế lại chức năng, nhiệm vụ của 2 cấp chính quyền như thế nào? phải làm như thế nào để giải quyết 1 số lượng rất lớn cán bộ dôi dư, bài toán phát triển rồi sẽ được giải quyết ra sao?
0:00 / 0:00
0:00

Vấn đề đặt ra đầu tiên và cũng là cốt lõi chính là việc thiết kế lại chức năng, nhiệm vụ cho hai cấp chính quyền địa phương. Khi cấp huyện bị xoá bỏ khỏi hệ thống, hàng loạt đầu việc từng do cấp này đảm nhiệm sẽ phải tái phân bổ: hoặc đẩy lên tỉnh, hoặc dồn xuống xã.

Nhưng nếu thiếu một thiết kế tổng thể, rõ ràng, khoa học và phù hợp với điều kiện từng vùng miền, thì bộ máy mới không những không vận hành trơn tru, mà còn dễ rơi vào tình trạng lúng túng, chồng chéo, thậm chí là “đứt gãy” trong chuỗi điều hành.

Tái thiết không thể chỉ là cắt bỏ, mà phải đồng thời là tái cấu trúc, tái lập vai trò và trách nhiệm của từng cấp một cách chặt chẽ và hiệu quả.

Việc bỏ cấp huyện, giảm đến 60 - 70% đơn vị hành chính cấp xã sẽ tạo ra 1 số lượng cán bộ dôi dư rất lớn.

Như ở Đồng Nai, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết dự kiến phải xử lý dôi dư với cán bộ cấp xã là 2.117 người.

Ở Bắc Giang, trong tổng số 706 cán bộ, công chức cấp huyện dôi dư sau sáp nhập, đến nay đã giải quyết được 361 người; 9.705 cán bộ, công chức cấp xã dôi dư đã giải quyết được 6.657 người. Vẫn còn hơn 3000 cán bộ dôi dư chưa được giải quyết là một con số quá lớn.

Đây cũng là thực trạng chung của tất cả các địa phương trên cả nước.

Bởi vậy việc giải quyết chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp, sáp nhập trở thành vấn đề "đau đầu" của các cơ quan chức năng.

Thực tiễn cho thấy, nhiều địa phương sau khi sáp nhập, diện tích xã tăng gấp 2 đến 3 lần, dân số lên đến hàng chục nghìn người.

Với khối lượng công việc lớn, quản lý nhiều lĩnh vực như đất đai, xây dựng, hộ tịch, an sinh xã hội, giáo dục, y tế cơ sở…, thì 32 người như số lượng biên chế mà Chính phủ giao, bao gồm cả cán bộ lãnh đạo, công chức chuyên môn và người hoạt động không chuyên trách là con số rất “khiêm tốn".