Việt Nam và châu Phi đẩy mạnh hợp tác cùng phát triển bền vững

Diễn ra vào thời điểm kết thúc "Chương trình hành động quốc gia thúc đẩy hợp tác Việt Nam - châu Phi giai đoạn 2004-2010", Hội thảo là cơ hội tốt để các bên đánh giá lại hiện trạng hợp tác kinh tế thời gian qua và bàn các biện pháp tạo đột phá trong hợp tác Việt Nam - châu Phi trên các lĩnh vực trọng điểm như nông nghiệp, thương mại, năng lượng và lao động... nhằm xác định mô hình hợp tác thiết thực, hiệu quả trong thời gian tới.

Trong những năm qua, củng cố và phát huy mối quan hệ hợp tác truyền thống với các nước châu Phi đang từng bước trở thành một nội dung quan trọng trong chính sách đối ngoại của Ðảng và Nhà nước ta. Với diện tích hơn 30,2 triệu km2, dân số khoảng một tỷ người, giàu tài nguyên thiên nhiên (90% cô-ban, 90% pla-tin, 50% vàng, 98% crôm, 9,5% dầu mỏ của thế giới) và  nhiều tiềm năng phát triển, châu Phi hứa hẹn là thị trường tiêu thụ hàng hóa và cung ứng nguyên liệu chủ lực của Việt Nam cho những năm tới. Sau thành công của Hội thảo Việt Nam - châu Phi lần thứ nhất với chủ đề "Việt Nam - châu Phi: Những cơ hội hợp tác và phát triển trong thế kỷ XXI" tổ chức tại Hà Nội  tháng 5-2003 và thực hiện "Chương trình hành động quốc gia thúc đẩy hợp tác Việt Nam - châu Phi giai đoạn 2004 - 2010", quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và châu Phi đã chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ thể hiện trên nhiều lĩnh vực.

Quan hệ đối ngoại của nước ta với châu Phi đang được tăng cường và mở rộng. Ðến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 51/54 quốc gia châu lục và đang thúc đẩy lập quan hệ ngoại giao với ba nước còn lại là Cô-mo, Ma-la-uy và Li-bê-ri-a. Hiện ta có chín cơ quan đại diện tại An-giê-ri, Li-bi, Ai Cập, Ta-da-ni-a, Ăng-gô-la, Nam Phi, Ma-rốc, Ni-giê-ri-a và Mô-dăm-bích. Tám nước châu Phi là Ma-rốc, An-giê-ri, Ai Cập, Ni-giê-ri-a, Nam Phi, Li-bi, Xu-đăng và Mô-dăm-bích cũng đã mở cơ quan đại diện tại Việt Nam. Hai bên cũng đẩy mạnh các hoạt động trao đổi đoàn, đặc biệt gần đây nước ta có các đoàn của Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết,  Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang thăm các nước châu Phi, và nhiều nhà lãnh đạo châu Phi, như Thủ tướng Ma-rốc, Tổng thống Ni-giê-ri-a, Tổng thống CH Trung Phi, Thủ tướng Tan-da-ni-a, Chủ tịch QH An-giê-ri... đã thăm Việt Nam. Các chuyến thăm cấp cao này đã góp phần củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống và thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với các nước châu Phi. 

Trong chuyến thăm chính thức An-giê-ri và Tuy-ni-di gần đây (4-2010), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tận mắt chứng kiến sự phát triển, tiềm năng của các nước bạn cũng như cảm nhận sâu sắc sự quý trọng, ngưỡng mộ mà lãnh đạo và nhân dân các nước này dành cho đất nước, con người Việt Nam và tình cảm thật đặc biệt dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta. Trong các buổi tiếp xúc với Chủ tịch nước, lãnh đạo hai nước trên đều nhắc đến chiến thắng Ðiện Biên Phủ tạo động lực thôi thúc nhân dân các nước châu Phi đứng lên giành độc lập dân tộc. Tổng thống An-giê-ri, với tình cảm cá nhân vô cùng thân thiết với Việt Nam, nhiều lần khẳng định mối quan hệ giữa hai nước là "truyền thống, thủy chung, chân thành, mẫu mực" và đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng quan hệ Việt Nam - An-giê-ri nói riêng, Việt Nam - châu Phi nói chung hướng tới quan hệ đối tác thật sự bền vững, hiệu quả, thiết thực trên từng lĩnh vực cụ thể. Các hoạt động giao lưu Ðảng, đoàn thể, diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - châu Phi, Hội Hữu nghị Việt Nam - châu Phi và trao đổi văn hóa - thể thao, giáo dục đào tạo... cũng diễn ra sôi động, góp phần tích cực thúc đẩy hợp tác Việt Nam - châu Phi đạt được những bước phát triển mạnh mẽ, tạo cơ sở cho việc tăng cường quan hệ ở những giai đoạn tiếp theo.

Mặc dù còn những khó khăn, hợp tác về kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và châu Phi đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Việt Nam hiện có quan hệ thương mại với tất cả 54 quốc gia châu Phi. Kim ngạch thương mại tăng nhanh qua từng năm, từ 360 triệu USD năm 2003 lên hai tỷ USD năm 2008, gấp đôi mục tiêu đặt ra trong Chương trình hành động 2004-2010. Ðặc biệt, trong năm 2009, dù gặp nhiều khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, kim ngạch thương mại Việt Nam - châu Phi vẫn đạt 2,07 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất sang châu Phi 1,56 tỷ USD giá trị hàng hóa và nhập khẩu 510 triệu USD.

Cùng với các dự án hợp tác ba, bốn bên truyền thống (Việt Nam - FAO - Pháp - Ma-li; Việt Nam - Nam Phi - Ghi-nê Cô-na-cri, Việt Nam - Nhật Bản - Mô-dăm-bích...) đang triển khai hiệu quả và được đánh giá cao. Việt Nam đã chủ động từng bước xây dựng và hình thành các trọng điểm hợp tác và đối tác ưu tiên tại châu Phi, trong đó chú trọng đẩy mạnh các hình thức hợp tác song phương, như triển khai liên doanh dầu khí với An-giê-ri, Tuy-ni-di, Ma-đa-ga-xca, Ai Cập, Ăng-gô-la, Li-bi...; hợp tác nông nghiệp, bưu chính-viễn thông, chuyên gia, năng lượng với Ăng-gô-la, Mô-dăm-bích; hợp tác lao động với Li-bi, thăm dò khả năng hợp tác nông nghiệp, chăn nuôi, dầu khí với Xu-đăng. Những triển khai này sẽ là cơ sở thực tế để ta xây dựng định hướng chiến lược hợp tác với châu Phi trong giai đoạn tiếp theo, từ năm 2011 đến 2020.

Tuy nhiên, hợp tác Việt Nam - châu Phi hiện nay nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của cả hai bên. Hợp tác chính trị, ngoại giao có tăng lên nhưng so với các khu vực khác và so với chính yêu cầu mở rộng tiếp xúc ở khu vực để tăng cường thông tin, cơ hội và hiểu biết lẫn nhau còn thấp, số lượng trao đổi đoàn chưa nhiều, mạng lưới các cơ quan đại diện còn mỏng. Bên cạnh đó, hệ thống văn kiện hợp tác tạo khung pháp lý còn thiếu vắng nhiều thỏa thuận thiết yếu cho hợp tác kinh doanh, cơ chế Ủy ban liên Chính phủ chưa phát huy hết hiệu quả trong điều phối và thúc đẩy hợp tác. Tỷ trọng, hình thức, lĩnh vực trao đổi thương mại còn nghèo nàn; tốc độ, quy mô hợp tác, ký kết triển khai các dự án còn manh mún và khá chậm, kể cả trong các dự án được hai bên đánh giá là có nhiều tiềm năng hợp tác.

Những hạn chế nói trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, là do cả Việt Nam và các nước châu Phi đều là những nước đang phát triển, cơ sở hạ tầng về kinh tế, kỹ thuật và pháp lý còn thấp, khả năng và thủ tục thanh toán trong giao dịch thương mại trực tiếp còn nhiều khó khăn. Ðây có thể coi là trở ngại lớn nhất trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước châu Phi, nhất là về kinh tế - thương mại. Ngoài ra, khoảng cách xa xôi về địa lý, khác biệt về văn hóa, tập quán.. cũng là yếu tố bất lợi cho quan hệ hợp tác hai bên. Hơn  nữa, việc thiếu thông tin về kinh tế, thị trường của nhau, tình hình an ninh - chính trị, tham nhũng, dịch bệnh tại các quốc gia châu Phi còn phức tạp cũng hạn chế các cơ hội hợp tác. Trong khi đó nhiều cơ quan, doanh nghiệp của ta còn chưa dành sự quan tâm đúng mức đến châu Phi, chưa có quyết tâm và chiến lược dài hạn để khai thác thị trường này.

Trong những năm tới, thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác nhiều mặt, hiệu quả với châu Phi sẽ là hướng triển khai quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Xác định việc củng cố quan hệ chính trị tốt đẹp với các nước trong khu vực là cơ sở quan trọng giúp nước ta đẩy mạnh hợp tác kinh tế với châu Phi. Với định hướng đó, các hoạt động trao đổi đoàn các cấp sẽ tiếp tục được tăng cường nhằm thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau, tạo điều kiện để ký kết các văn kiện hợp tác làm khuôn khổ pháp lý cho việc thúc đẩy hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với châu Phi. Mạng lưới cơ quan đại diện ngoại giao tại khu vực sẽ được rà soát, củng cố và mở rộng song song với việc kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế - văn hóa - khoa học kỹ thuật, nhất là tại các nước châu Phi có nhiều tiềm năng hợp tác với nước ta. Bên cạnh đó, các hoạt động ngoại giao văn hóa - du lịch - thể thao sẽ được tăng cường để thúc đẩy tình hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau, tạo dựng quan hệ hữu nghị lâu bền với các quốc gia khu vực.

Các tập đoàn dầu khí, công nghiệp, cơ khí... của nước ta cần chủ động tìm kiếm, tham gia đầu tư hợp tác, liên doanh, liên kết với các đối tác châu Phi, nhất là trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí, khoáng sản, những lĩnh vực mà nhiều nước châu Phi có tiềm năng.  Trong khi việc tăng cường xuất khẩu sang các thị trường truyền thống ngày càng khó khăn do cạnh tranh gay gắt và đòi hỏi cao thì thị trường châu Phi rộng lớn với dân số hơn một tỷ người, yêu cầu chất lượng hàng hóa không quá cao là một hướng đi khả thi mà các doanh nghiệp xuất khẩu nước ta cần quan tâm. Ðể nâng cao chất lượng xúc tiến thương mại, nước ta cần tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh và các nước châu Phi có nhu cầu cao như gạo, nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng, sản phẩm cơ khí nông nghiệp, dược phẩm, đồ mỹ nghệ... và chú trọng nhập khẩu nguyên liệu từ châu Phi, nhất là dầu khí, gỗ và khoáng sản. Doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể tận dụng chế độ ưu đãi trong quan hệ thương mại giữa châu Phi với Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU) để liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp châu Phi, sản xuất hàng hóa xuất khẩu vào hai thị trường này. Công tác xúc tiến thương mại, thông tin thị trường cần được quan tâm nhiều hơn, tạo cơ hội cho doanh nghiệp hai bên đẩy mạnh hợp tác.

Trong bối cảnh bảo đảm an ninh lương thực đang là đòi hỏi cấp bách của nhiều nước châu Phi, việc đẩy mạnh các mô hình hợp tác hai, ba, bốn bên trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ tiếp tục là hướng triển khai lớn trong thời gian tới. Hình ảnh một đất nước Việt Nam chủ động về an ninh lương thực và còn là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là một mô hình mà nhiều nước châu Phi, vốn rất giàu tài nguyên đất canh tác, mong muốn được học tập. Ngoài ra, các doanh nghiệp của nước ta cần chủ động tìm kiếm và tham gia tích cực  các dự án phát triển, tái thiết châu Phi, nhất là trên các lĩnh vực nước bạn có nhu cầu cấp thiết như giao thông vận tải, bưu chính - viễn thông, nhà ở, cầu đường, trường học, bệnh viện... qua đó đẩy mạnh trao đổi chuyên gia, cung cấp lao động Việt Nam, hỗ trợ đào tạo nhân lực cho bạn trong các dự án phát triển tại châu Phi.

Mặc dù còn không ít khó khăn, thách thức, nhưng với những tiềm năng và lợi thế to lớn cùng với quyết tâm và bước đi đúng đắn, quan hệ hợp tác chính trị, kinh tế, văn hóa Việt Nam - châu Phi trong những năm tới chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển, vì lợi ích chung của cả hai bên.

ÐOÀN XUÂN  HƯNG
Thứ trưởng Ngoại giao