Ổn định mức sinh và nâng cao chất lượng dân số

Hôm nay, cùng với các hoạt động kỷ niệm Ngày dân số Việt Nam 26-12, chúng ta chúc mừng  những cán bộ làm công tác dân số và cộng tác viên dân số tại thôn xóm, bản làng trong cả nước đang ngày đêm nhiệt tình và tâm huyết với công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGÐ).

Trong những năm qua, công tác DS-KHHGÐ nước ta đạt nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong việc kiểm soát mức sinh. Sau nhiều năm, tốc độ gia tăng dân số chậm, đáng kể là từ năm 1993, năm bắt đầu thực hiện

Nghị quyết Trung ương IV của Ðảng về chính sách Dân số và Chiến lược DS-KHHGÐ đến năm 2000. Tỷ lệ sinh liên tục giảm, từ 30 phần nghìn năm 1993 xuống còn 22,8 phần nghìn năm 1996. Tổng tỷ suất sinh (số con bình quân của một cặp vợ chồng) giảm từ 3,8 con (năm 1989) xuống 2,7 con (năm 1996). Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai tăng từ  53,2% (năm 1988)  lên 71,9% (năm 1998). Theo kết quả tổng điều tra dân số 1999, dân số Việt Nam  76,3 triệu người, tổng tỷ suất sinh là 2,3 con. Tỷ lệ phát triển dân số giảm  rõ  rệt, từ 2,1% trong giai đoạn 1979-1989 xuống còn 1,7% giai đoạn 1989-1999. Nhờ kết quả này, nước ta được LHQ trao tặng giải thưởng Dân số quốc tế năm 1999.

Tuy nhiên, trong năm 2003, tỷ lệ phát triển dân số của cả nước tăng lên rõ rệt, từ 1,32% năm 2002 lên 1,47%, tương đương mức tăng của năm 1999. Ðến năm 2004-2005, xu hướng tăng dân số tuy bước đầu được kiểm soát nhưng không có khả năng đạt tỷ lệ phát triển dân số là 1,22% vào năm 2005 như Nghị quyết Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ IX đề ra. Tình trạng nói trên ảnh hưởng  trực tiếp đến tình hình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như  cải thiện nâng cao đời sống nhân dân. 

Nguyên nhân chủ yếu của tình hình nói trên trước hết do tư tưởng chủ quan, thỏa mãn trước kết quả bước đầu đã đạt được, dẫn đến buông lỏng sự  lãnh đạo, chỉ đạo về công tác DS-KHHGÐ. Bên cạnh đó, hệ thống tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác này không ổn định và chưa đủ mạnh. Nội dung của cơ chế quản lý chương trình mục tiêu quốc gia  KHHGÐ chưa phù hợp. Việc thực hiện cung cấp dịch vụ KHHGÐ và chính sách, chế độ còn nhiều bất cập. Công tác truyền thông giáo dục chậm đổi mới. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh Dân số triển khai chậm, chưa sâu rộng.

Ðể khắc phục tình trạng trên và tiếp tục thực hiện tốt chính sách DS-KHHGÐ, đẩy nhanh việc thực hiện mục tiêu giảm sinh của Chiến lược dân số Việt Nam 2001-2010, góp phần thực hiện kinh tế - xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước, ngày 22-3-2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 47-NQ/TW tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGÐ. Sau hơn bảy tháng thực hiện cùng với hàng loạt các văn bản, quy định hướng dẫn công tác DS-KHHGÐ thu được những kết quả nhất định làm tiền đề, cơ sở để cho việc đạt mức sinh thay thế vào năm 2005, sớm hơn 10 năm so với mục tiêu mà Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư BCH T.Ư Ðảng khóa VII đề ra. Tuy nhiên, để duy trì vững chắc xu thế giảm sinh, tiến tới ổn định quy mô dân số ở mức hợp lý, cần phải sớm giải quyết đồng bộ các vấn đề về cơ cấu dân số, phân bổ dân cư và chất lượng dân số. Nghĩa là không chỉ kiểm soát quy mô dân số, mà còn phải triển khai các hoạt động để nâng cao chất lượng dân số, tạo cơ sở cho việc phân bổ dân cư hợp lý. Trong thời gian tới, thực hiện tốt Pháp lệnh Dân số và các nghị định hướng dẫn thi hành với các nội dung của KHHGÐ, nâng cao tuổi kết hôn, tuổi sinh con đầu lòng. Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục và truyền thông dân số, trọng tâm là tạo sự chuyển đổi hành vi tự nguyện và bền vững. Nâng cao chất lượng dịch vụ bảo đảm cho công tác dân số, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về dân cư để từng bước quản lý có hiệu quả các biến động dân số. Kiện toàn, củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác dân số ở các cấp. Ðồng thời, bổ sung chính sách hỗ trợ nhằm ổn định và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số, nhất là cấp xã, phường, mặt khác đẩy mạnh xã hội hóa công tác dân số, từng bước tạo ra sự phát triển ổn định và vững chắc, với mục tiêu chất lượng thay dần cho mục tiêu số lượng.   

Kỷ niệm Ngày dân số Việt Nam, các cấp, các ngành có liên quan cũng như toàn xã hội tập trung sức làm tốt các nhiệm vụ trên đây, góp phần quan trọng vào việc giảm tỷ lệ phát triển dân số, từng bước thúc đẩy kinh tế - xã hội nước nhà phát triển, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

N.D