Hiện tại, xu hướng tiêu dùng bền vững tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung với các sản phẩm thân thiện môi trường ngày càng được người tiêu dùng lựa chọn. Theo khảo sát của Tổ chức Nielsen IQ (NIQ), một công ty nghiên cứu tiếp thị toàn cầu có trụ sở chính tại Mỹ, 38% số người tiêu dùng Việt Nam đánh giá cao các sáng kiến và hành động thiết thực của doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường là hết sức quan trọng và có tầm ảnh hưởng đến hệ thống sản xuất, phân phối.
Ngoài ra, người tiêu dùng cũng đang dần hướng đến tiếp cận những sản phẩm sử dụng bao bì xanh, dễ phân hủy, thân thiện với môi trường và tính hữu ích của sản phẩm, nhất là liên quan đến sức khỏe. Điều này đã thúc đẩy các nhà bán lẻ, nhà phân phối tìm kiếm nhiều doanh nghiệp cung cấp sản phẩm xanh, sản phẩm gắn với bao bì, thương hiệu xanh để tăng lượng hàng hóa xanh đáp ứng nhu cầu của khách hàng, cũng như chia sẻ trách nhiệm về bảo vệ môi trường, chung tay vì mục tiêu phát triển bền vững.
Bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Trong bối cảnh thế giới tác động bởi thuế quan thời gian gần đây, việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đang thực thi, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thông qua nắm bắt các quy định, tiêu chuẩn xuất khẩu, nhất là các quy định về bền vững sẽ giúp cho doanh nghiệp giảm đến mức thấp nhất những rủi ro trong kinh doanh và mang lại nhiều lợi thế trong xuất khẩu.
Cả nước hiện có khoảng 14.000 doanh nghiệp sản xuất bao bì. Không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, ngành bao bì Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức phát triển bền vững khi lượng tiêu thụ nhựa vẫn đang gia tăng, dự báo vượt 11 triệu tấn vào năm 2025. Điều này đặt ra cho các doanh nghiệp cần tích cực chuyển mình, áp dụng giải pháp xanh, bao bì xanh để giảm phát thải, hướng đến sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Số liệu thống kê cho thấy, năm 1990, Việt Nam tiêu thụ khoảng 200 nghìn tấn nhựa; dự báo đến hết năm 2025, con số này có thể tăng lên khoảng 11,6 triệu tấn, đến năm 2030 tăng lên đến 16,3 triệu tấn. Đối với mức tiêu thụ bình quân đầu người, năm 1990 mỗi người Việt Nam sử dụng gần 4 kg nhựa/năm, đến nay con số này đã tăng lên hơn 80 kg.
Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về nguồn nguyên liệu sinh học phong phú và chi phí sản xuất cạnh tranh, nhưng còn hạn chế về nhân lực chuyên môn, đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D), cơ sở hạ tầng. Để nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh, doanh nghiệp cần nắm vững quy định quốc tế, đầu tư công nghệ, cũng như đẩy mạnh đổi mới sáng tạo. Theo Tiến sĩ Ngô Đắc Thuần, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty IP Group, giai đoạn 2019-2025, bức tranh toàn cảnh về công nghệ sản xuất bao bì sinh học trên thế giới có xu hướng xoay quanh việc phát triển, tối ưu hóa và thương mại hóa các vật liệu bao bì phân hủy sinh học, nhất là màng tan trong nước và bột giấy ép.
Mục tiêu chung là giảm đến mức thấp nhất việc sử dụng nhựa, đáp ứng chính sách môi trường và nhu cầu tiêu dùng bền vững. Hướng đến sản xuất xanh, doanh nghiệp cần đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm bao bì sinh học; kết nối với các viện nghiên cứu và doanh nghiệp quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, tạo mạng lưới nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho lĩnh vực công nghệ sản xuất bao bì xanh, cũng như đầu tư vào cơ sở vật chất và thiết bị tiên tiến như công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, vật liệu nano...
Đề cập đến lợi thế của ngành bao bì, các chuyên gia nhận định: Tuy Việt Nam có lợi thế về nguyên liệu nhưng cần đầu tư mạnh hơn vào nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, xây dựng hạ tầng, thúc đẩy văn hóa đổi mới sáng tạo để sản xuất bao bì gắn với thân thiện môi trường. Trong bối cảnh hòa nhập với nền kinh tế sâu rộng, việc thúc đẩy sản xuất bền vững, áp dụng công nghệ tái chế, công nghệ xanh là xu hướng tất yếu. Trong đó, phát triển ngành bao bì xanh không chỉ giúp doanh nghiệp đáp ứng quy định môi trường, mà còn mang lại lợi thế cạnh tranh dài hạn.
Cho nên, doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ, cải thiện năng lực sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường ngày càng khắt khe của thị trường, nhất là những thị trường khó tính như Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ... Ông Paul Le, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail Việt Nam nhấn mạnh: Doanh nghiệp muốn xuất khẩu đi các nước thì bản thân sản phẩm của doanh nghiệp phải phát triển mạnh ở trong nước, đưa vào được các hệ thống siêu thị và cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại. Tiếp đó, khi muốn xuất khẩu đi bất kỳ thị trường nào, doanh nghiệp phải có đầy đủ thông tin của thị trường đó, đọc các tài liệu và nắm vững các quy định và sự khác biệt giữa các thị trường, cần có năng lực thích ứng với từng thị trường, nhất là vấn đề an toàn sức khỏe và bảo vệ môi trường; đây là cách mà các doanh nghiệp mạnh đang làm để mở rộng thị trường, xuất khẩu hiệu quả.