Theo phòng Quản lý đô thị thành phố Trà Vinh, thành phố hiện có hơn 14.500 cây xanh, chủ yếu là các giống cây: Dầu, sao, giáng hương, me và một số loại cây khác. Theo quy hoạch, đô thị có các đường nội thị nhỏ, giao cắt nhau tạo thành các ô phố “bàn cờ”, hài hòa với những hàng cây cổ thụ quý hiếm. Thực hiện Quyết định số 12/2021/QĐ- UBND ngày 27/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn, Sở Xây dựng đã phối hợp các sở, ngành, đơn vị triển khai dự án phục hồi cây cổ thụ suy giảm phát triển.
Đến nay, có gần 400 cây cổ thụ được chăm sóc đã phục hồi mạnh mẽ; trong đó có các cây dầu, sao, me già cỗi đã trổ bông, ra trái trở lại. Ông Nguyễn Tri Hiệp ở khóm 4, phường 1, thành phố Trà Vinh cho biết: "Là công dân thành phố, tôi tự hào với những tuyến đường nội ô rợp bóng cây xanh. Mỗi cây cổ thụ đều được đánh số, có lý lịch để thuận tiện việc theo dõi, quản lý. Người dân nơi đây quen gọi các tuyến đường bằng những cái tên rất mộc mạc và dễ nhớ: Hàng Me, Hàng Sao, Cây Dầu…".
Là một trong những danh thắng nổi tiếng vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ao Bà Om (phường 8, thành phố Trà Vinh) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp Quốc gia, loại hình di tích Danh thắng, vào năm 1994. Đây còn là khu rừng nguyên sinh với hơn 500 cây dầu, sao và hàng nghìn cá thể thực vật đặc hữu của đất giồng cát, đã được Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh đề xuất đưa vào quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Kế cạnh ao Bà Om là chùa Âng, một ngôi chùa Khmer có lịch sử lâu đời, rợp bóng cây cổ thụ. Bà Trần Thị Tơ, cựu giáo chức đến từ thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương chia sẻ: "Tôi rất thích thú khi đến thành phố Trà Vinh, tham quan ao Bà Om, chùa Âng và tham gia các hoạt động tại Làng Văn hóa-Du lịch Khmer; được hít thở không khí trong lành và đắm mình trong một không gian xanh mát, yên tĩnh, gần gũi với thiên nhiên".
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh Nguyễn Trung Hoàng, trong quá trình đô thị hóa, thành phố Trà Vinh luôn coi trọng công tác bảo tồn, gìn giữ các giá trị di sản lịch sử, văn hóa dân tộc. Khi triển khai xây dựng các công trình phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh đều có giải pháp bảo vệ hoặc tránh các cây cổ thụ để giữ “lá phổi xanh” cho thành phố. Hành động thiết thực đó tạo sự lan tỏa đến cộng đồng trong việc chung tay chăm sóc, bảo vệ cây xanh đô thị.
Nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua “Đô thị xanh, thông minh, bền vững”, các sở, ngành, địa phương tiếp tục tuyên truyền phổ biến, giáo dục nâng cao ý thức, hướng dẫn cộng đồng dân cư tham gia trồng, chăm sóc và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ cây xanh đô thị. Đồng thời rà soát, lập kế hoạch chăm sóc đặc biệt đối với cây cổ thụ cần bảo tồn; kiểm tra, đề xuất phương án xử lý đối với cây có nguy cơ ngã đổ, hạn chế tối đa việc gây nguy hiểm cho người dân sinh sống chung quanh và người đi đường.