Xây dựng hệ sinh thái giáo dục đại học thông minh

Trong quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ nói riêng và khu vực phía nam nói chung rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên môn hóa sâu. Các trường đại học, nhất là các trường ở Thành phố Hồ Chí Minh giữ vai trò nòng cốt trong đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động nghiên cứu khoa học tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Hoạt động nghiên cứu khoa học tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Trước bối cảnh khoa học, công nghệ không ngừng thay đổi và đòi hỏi từ thực tiễn, các cơ sở giáo dục đại học đã tăng cường đổi mới phương pháp giảng dạy, cũng như trang bị cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận, chất lượng đào tạo giáo dục đại học hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, cần được khắc phục, tháo gỡ. Cụ thể, hoạt động đào tạo còn mang nặng tính lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa chú trọng đến việc rèn luyện kỹ năng, tư duy đổi mới sáng tạo; các ngành nghề đào tạo chưa theo kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0… Những hạn chế này là một trong những nguyên nhân khiến thị trường lao động rơi vào tình trạng thiếu nguồn lao động có trình độ, chuyên môn cao, nhưng lại dư thừa lao động ở các ngành nghề truyền thống. Để khắc phục những “điểm nghẽn” trong giáo dục đại học hiện nay, việc chuyển đổi mô hình giáo dục đại học từ truyền thống sang mô hình giáo dục đại học thông minh càng trở nên cấp thiết.

Đại học thông minh là mô hình tập hợp các dịch vụ thông minh, cùng với ứng dụng công nghệ tiên tiến để xây dựng thành một hệ sinh thái học tập mang tính tương tác cao, đáp ứng những nhu cầu mới và mới nổi của xã hội hiện đại. Hiện, đại học thông minh nổi lên như một mô hình tiên phong, định hình tương lai của giáo dục đại học và là hướng đi tất yếu trong thời gian tới. Với sự kết hợp của công nghệ tiên tiến và tư duy đổi mới, mô hình này không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo, mà còn tối ưu hóa hoạt động quản lý, đào tạo và quá trình nghiên cứu. Đồng thời, công tác đào tạo sẽ tập trung hơn vào định hướng lấy người học làm trung tâm, thông qua những giải pháp mới như cá nhân hóa học tập bằng AI (trí tuệ nhân tạo), kho học liệu số, E-Learning (đào tạo trực tuyến)…

Một trường đại học thông minh thường dựa trên năm yếu tố cơ bản: Khuôn viên thông minh; con người thông minh; nghiên cứu thông minh; quản trị thông minh; công nghệ thông minh. Trong yếu tố con người thông minh phải bảo đảm hai thành tố: Giáo dục thông minh và tập huấn thông minh. Giáo dục thông minh cần được xem xét về các phương pháp giảng dạy, nội dung khóa học, phương pháp đánh giá, sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên, chất lượng giáo dục. Tài liệu đào tạo cần được cập nhật liên tục, liên quan đến chuyên ngành và cung cấp ứng dụng thực tế phù hợp với lý thuyết. Xây dựng chương trình giảng dạy bao gồm các kỹ năng để đào tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ sinh viên sắp tốt nghiệp chuẩn bị tốt để tham gia vào lực lượng lao động, là chìa khóa cho sự phát triển của giáo dục thông minh hơn. Đối với tập huấn thông minh cần tận dụng mối quan hệ của nhà trường với các doanh nghiệp để cung cấp cho sinh viên cơ hội có được kinh nghiệm làm việc thực tế qua các kỳ thực tập, cũng như các buổi phân tích tình huống trong kỹ năng nghề nghiệp. Điều này sẽ cung cấp cho sinh viên sự tự tin, cũng như những kỹ năng để thành công khi tham gia vào thị trường lao động sau khi tốt nghiệp.

Trong kỷ nguyên mới, một trong những ưu tiên hàng đầu vùng Đông Nam Bộ là thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra để vùng có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, mang tính “dẫn dắt”. Để đạt được mục tiêu này, cần có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên cơ sở của mô hình giáo dục đại học thông minh. Cho nên, trong thời gian tới, sự chuyển đổi từ mô hình giáo dục đại học “truyền thống” sang mô hình giáo dục đại học thông minh cần được các trường đại học xem là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển của mình .