Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của các địa phương, đặc biệt sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu quốc gia các cấp trong việc triển khai thực hiện Chương trình, tạo nên sự đột phá trong xây dựng nông thôn mới, đồng thời góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025.
Việc triển khai xây dựng nông thôn mới đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong đời sống của người dân; xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào có sức lan toả tới mọi mặt của đời sống nhân dân. Nông thôn được quy hoạch theo hướng phát triển toàn diện và là định hướng quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định và được giữ vững. Tỷ lệ nghèo đa chiều giảm, các điều kiện về y tế, giáo dục, văn hóa và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên; cảnh quan môi trường nông thôn được cải thiện, dân chủ ở cơ sở được phát huy. Nhận thức, trách nhiệm của nhân dân được nâng lên.
Nhân dân đã dần xác định được mình là chủ thể chính trong xây dựng nông thôn mới nên đã chủ động tự giác đóng góp nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ tài sản chung, giữ gìn môi trường xanh-sạch-đẹp. Trình độ, năng lực quản lý cán bộ, công chức các cấp của địa phương trong việc triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới được nâng lên, trách nhiệm ngày càng cao và gắn bó hơn với công việc. Tinh thần tự lực của một số địa phương được nâng lên rõ rệt, khơi dậy tiềm năng, lợi thế sẵn có. Một số địa phương có số xã đạt chuẩn nông thôn mới cao đã tạo động lực phấn đấu cho các địa phương khác, lan tỏa ra toàn tỉnh. Điều này thể hiện xây dựng nông thôn mới có thể thành công trên diện rộng ở vùng khó khăn, không chỉ tập trung ở một vài xã có điều kiện thuận lợi.
Đến nay, tỉnh Điện Biên có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 25/115 xã đạt chuẩn nông thôn mới, số tiêu chí bình quân đạt 14,68 tiêu chí/xã, 200 thôn bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu.
![]() |
Mô hình trồng cây mít Thái. |
Tuy nhiên, quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Điện Biên cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Là tỉnh miền núi thuần nông, địa hình chia cắt phức tạp; xuất phát điểm kinh tế thấp, tỷ lệ nghèo đa chiều khu vực nông thôn cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn thấp, chủ yếu từ hoạt động nông nghiệp; đất đai manh mún, độ dốc cao; dân cư sống phân tán, nhận thức của người dân không đồng đều,.. là trở ngại lớn trong sản xuất nông, lâm nghiệp. Đa phần người nông dân thiếu vốn đầu tư, trình độ canh tác còn hạn chế; việc tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp còn ít; thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản khó khăn, bấp bênh. Huy động đóng góp của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.
Hạ tầng kinh tế-xã hội khu vực nông thôn chưa đồng bộ, còn yếu kém, môi trường ngày càng ô nhiễm; năng lực thích ứng, đối phó với thiên tai còn nhiều hạn chế; chưa phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, chưa khai thác hết tài nguyên hiện có trong khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Công tác quản lý, khai thác các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt nông thôn tại một số nơi còn kém hiệu quả, gây lãng phí nguồn nước và nguồn vốn đầu tư.
Đào tạo nghề chưa gắn với giải quyết việc làm và nhu cầu thị trường, chất lượng lao động qua đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu, số lượng lao động nông nghiệp được chuyển dịch các ngành nghề khác còn thấp.
Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở cơ sở được triển khai rộng khắp nhưng chất lượng chưa cao. Đời sống văn hóa của nhân dân, nhất là nhân dân vùng sâu, vùng xa còn hạn chế so với khu vực trung tâm huyện, thị xã, thành phố. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa còn gặp nhiều khó khăn, một số giá trị văn hóa, nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một.
Việc thực hiện một số tiêu chí, chỉ tiêu trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 khó thực hiện. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã chưa sâu sát, thiếu quyết liệt trong tổ chức triển khai thực hiện. Ở một số địa phương có tư tưởng tự thỏa mãn khi có xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới nên phong trào có xu hướng chững lại.
Công tác vệ sinh môi trường nông thôn đã được chú trọng tuy nhiên hiệu quả thực hiện còn hạn chế; một số xã tình trạng rác thải, nước thải chưa được thu gom, xử lý theo quy định gây ảnh hưởng đến cảnh quan và đời sống của người dân nông thôn...
![]() |
Dự án khuyến nông hỗ trợ nông dân. |
Thực tiễn triển khai cho thấy, cần xác định rõ Chương trình xây dựng nông thôn mới là chương trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc; đòi hỏi tập trung thực hiện kiên trì, bền bỉ của cả hệ thống chính trị; sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của các cấp ủy, chính quyền và tham gia tích cực của các sở, ban ngành, đoàn thể. Trong đó, đề cao vai trò của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền cơ sở mới tạo được chuyển biến rõ nét.
Phát huy tính tự lực, tự cường của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong phát động, tham gia hưởng ứng các phong trào xây dựng nông thôn mới ở cơ sở. Ban chỉ đạo các cấp phải chủ động, sáng tạo trong quá trình triển khai thực hiện, vận dụng linh hoạt các cơ chế chính sách của Nhà nước vào thực tiễn. Chú trọng xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ nòng cốt xây dựng nông thôn mới các cấp, nhất là ở cơ sở để việc triển khai chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới người dân thuận lợi hơn.
Công tác tuyên truyền, vận động phải để cán bộ và nhân dân nhận thức rõ vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới; trong đó, nhân dân phải tự làm là chính và là người được hưởng thụ, Nhà nước chỉ có vai trò hỗ trợ; lấy lợi ích của người dân là động lực và sự tham gia của cộng đồng dân cư là bí quyết thành công. Từ đó tạo sự thống nhất về nhận thức, quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo, có sự tham gia của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân, huy động cao mọi nguồn lực của xã hội để xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, chú trọng phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát huy tốt quy chế dân chủ công khai, minh bạch, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình; kịp thời chấn chỉnh, điều chỉnh, xử lý các vi phạm; đề cao vai trò của giám sát cộng đồng đối với thực hiện Chương trình và biểu dương khen thưởng kịp thời những điển hình tiên tiến trong xây dựng nông thôn mới.