Xây dựng thương hiệu từ thế mạnh truyền thống

Ngành thời trang Việt Nam đang ghi nhận một làn sóng người thiết kế trẻ chọn lối đi khác: Tiếp cận sâu về nguồn gốc nguyên liệu và bảo tồn nghề truyền thống; đề cao bản sắc và gắn kết cộng đồng.

Bộ sưu tập của nhà thiết kế Cao Minh Tiến với chất liệu văn hóa dân gian vùng Kinh Bắc. (Ảnh: VIFW 2025)
Bộ sưu tập của nhà thiết kế Cao Minh Tiến với chất liệu văn hóa dân gian vùng Kinh Bắc. (Ảnh: VIFW 2025)

Trong bức tranh toàn cảnh công nghiệp văn hóa đang định hình tại Việt Nam, thời trang đã được xác định là một trong 12 lĩnh vực giàu tiềm năng và được tập trung đầu tư phát triển.

Vươn ra sân chơi quốc tế

Thời trang đương đại Việt Nam đã vượt qua vai trò gia công thuần túy để từng bước xác lập vị thế của một ngành công nghiệp sáng tạo, hội tụ kỹ nghệ truyền thống và tư duy thiết kế hiện đại để truyền tải các giá trị văn hóa, lịch sử, chinh phục người tiêu dùng trong nước và nước ngoài.

Những thập niên trước, thời trang Việt đến với sàn diễn thời trang quốc tế chủ yếu qua con đường giao lưu văn hóa và hầu như chỉ có áo dài, áo tứ thân, bà ba cổ điển, thì hiện nay nhiều thương hiệu Việt Nam đã góp mặt tại các sự kiện văn hóa, giải trí lớn của thế giới.

Thay vì chạy theo xu hướng, nhiều nhà thiết kế Việt Nam thành công đều chọn khai thác cảm hứng từ văn hóa truyền thống, sử dụng nguyên liệu bản địa, “kể” cho công chúng những câu chuyện văn hóa Việt thông qua ngôn ngữ tạo hình.

Khoảng ba năm gần đây, nhiều ngôi sao quốc tế đã chọn mặc thiết kế Việt trong các liên hoan phim, thi hoa hậu, MV ca nhạc, tour lưu diễn toàn cầu. Các nhà thiết kế như Công Trí, Đỗ Mạnh Cường, Thủy Nguyễn, Lê Thanh Hòa, Chung Thanh Phong, Nguyễn Minh Tuấn, Trần Hùng và nhiều tài năng trẻ khác, cùng các thương hiệu như Fancì Club, L Soul, La Lune, Bupbes, TimTay, CoolMate... được ưa chuộng trong và ngoài nước, phân phối rộng khắp qua các trung tâm thương mại và nền tảng trực tuyến. Sự vươn lên của các thương hiệu trong nước chứng minh Việt Nam không chỉ là điểm đến gia công mà còn có thể là nơi khởi nguồn sáng tạo thời trang.

Đáng mừng, thay vì chạy theo xu hướng, nhiều nhà thiết kế Việt Nam thành công đều chọn khai thác cảm hứng từ văn hóa truyền thống, sử dụng nguyên liệu bản địa, “kể” cho công chúng những câu chuyện văn hóa Việt thông qua ngôn ngữ tạo hình.

Mới đây, nhà thiết kế Công Trí đã giới thiệu bộ sưu tập Thu Đông năm 2025 trên tạp chí thời trang Vogue với các thiết kế làm từ “báu vật” của ngành dệt may Việt Nam là lụa Lãnh Mỹ A (làng nghề Tân Châu, An Giang). Các thương hiệu La Phạm, Kilomet109 biến thổ cẩm dệt tay của người H’Mông ở các tỉnh miền núi phía bắc trở thành thời trang cao cấp trên sàn diễn ở London (Anh).

Một gương mặt đáng chú ý là nhà thiết kế Phan Đăng Hoàng (sinh năm 2000) lần lượt đưa tranh của danh họa Nguyễn Phan Chánh và gốm sứ, giấy dó Việt đến kinh đô thời trang Milan (Italia)... Nhà thiết kế genZ chia sẻ: “Lòng tự hào dân tộc chính là mạch nguồn bất tận cho sáng tạo. Tôi mong muốn góp sức đưa thời trang Việt Nam ra thế giới để ngày càng nhiều người biết đến vẻ đẹp Việt Nam, ngày càng có nhiều cơ hội cho các nhà thiết kế và người yêu thời trang ở Việt Nam”.

Tại Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam 2025 (VIFW 2025) vừa diễn ra đầu tháng 6 tại Thành phố Hồ Chí Minh có chủ đề “Bản sắc riêng tỏa sáng”, nhiều bộ sưu tập sử dụng lụa tơ tằm, sợi gai, vải lanh... lấy cảm hứng từ di sản văn hóa vùng, miền. Chẳng hạn như “Mã đáo” của Vũ Việt Hà tái hiện lễ hội đua ngựa Bắc Hà (Lào Cai) bằng thổ cẩm và kỹ thuật thêu tay, “Thoải mộng” của Cao Minh Tiến tôn vinh dân ca quan họ, tín ngưỡng thờ Mẫu qua trang phục đậm chất Kinh Bắc. Anh cũng là tác giả các thiết kế trong MV “Bắc Bling” của Hòa Minzy, góp phần lan tỏa nét đẹp văn hóa vùng, miền tới giới trẻ.

Không chỉ tạo giá trị kinh tế, nhiều nhà thiết kế coi việc hợp tác với nghệ nhân là cách bảo tồn văn hóa. Nhà thiết kế Minh Hạnh nhiều năm qua tích hợp thổ cẩm Tây Bắc, Tây Nguyên vào áo dài và thời trang ứng dụng.

Các làng nghề như vải lanh Lùng Tám (Tuyên Quang), dệt đũi Nam Cao (Hưng Yên), thêu tay Quất Động (Hà Nội), tơ lụa Mã Châu (Đà Nẵng)... trở thành nguồn nguyên liệu và cảm hứng sáng tạo cho thời trang đô thị. Khá nhiều hoa văn cổ, mầu nhuộm cổ, các kỹ thuật dệt truyền thống đã thất truyền hoặc có nguy cơ mai một được các nhà thiết kế bắt tay với cộng đồng để phục dựng và duy trì.

Bắt kịp xu thế chuyển đổi số

Bên cạnh việc đưa nguyên liệu Việt, kiểu dáng Việt vào các thiết kế, một chuyển động thú vị khác cũng đang diễn ra: Xu hướng mua sắm với sức ảnh hưởng của các nền tảng số. Các thương hiệu nhỏ, các nhà thiết kế mới khởi nghiệp không còn bị “nặng gánh” bởi chi phí mặt bằng tại các vị trí đắc địa để giới thiệu sản phẩm. Những mẫu thời trang chất lượng kèm nội dung sinh động, hấp dẫn lan truyền trên mạng xã hội và các kênh bán hàng trực tuyến có thể đưa thời trang Việt tiếp cận khách hàng nhanh và tiện hơn bao giờ hết. Người tiêu dùng trẻ ngày càng ưu tiên sản phẩm “Made in Vietnam” với thiết kế đặc trưng, chất liệu thân thiện với môi trường, giá cả hợp lý và mang theo câu chuyện văn hóa rõ nét. Khách du lịch từ Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc... cũng hình thành “trend” du lịch mua sắm theo các clip triệu view của thương hiệu Việt ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, xem đây là một phần của trải nghiệm văn hóa.

Theo khảo sát tại Diễn đàn Tiêu dùng bền vững năm 2025 diễn ra ngày 2/7 tại Hà Nội, 74% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả cao hơn cho sản phẩm thân thiện môi trường. Trong đó, nhóm thanh niên từ 18-38 tuổi chiếm khoảng 47% số dân và là lực lượng thúc đẩy xu hướng tiêu dùng có trách nhiệm. Họ không chỉ tìm kiếm những bộ trang phục đẹp mắt mà còn quan tâm đến câu chuyện đằng sau mỗi thiết kế, giá trị mà thương hiệu mang lại và cách nó phản ánh bản sắc riêng của mình.

Theo các chuyên gia, thời trang bền vững tại Việt Nam đang dựa trên ba yếu tố chính: sử dụng chất liệu sinh học, tái chế; phục dựng kỹ thuật thủ công; xây dựng chuỗi cung ứng minh bạch. Đây là tiến trình đòi hỏi đầu tư lâu dài và phối hợp từ nhiều bên.

Theo khảo sát tại Diễn đàn Tiêu dùng bền vững năm 2025 diễn ra ngày 2/7 tại Hà Nội, 74% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả cao hơn cho sản phẩm thân thiện môi trường

Lấy thí dụ như Kilomet109 - thương hiệu ra đời từ 2009, khi khái niệm “thời trang bền vững” còn mới mẻ. Thương hiệu theo đuổi mô hình “chậm mà chắc”, khép kín từ trồng nguyên liệu, thu hoạch đến dệt, nhuộm, thiết kế. Hiện Kilomet109 làm việc với các nghệ nhân H’Mông, Nùng, Khmer, Thái ở vùng sâu, vùng xa, nơi lưu giữ bản sắc dân tộc đậm nét.

Một số thương hiệu khác cũng xây dựng mạng lưới hợp tác với hộ gia đình, hợp tác xã làng nghề, tạo ra sản phẩm giàu giá trị văn hóa và cộng đồng. Thời trang gắn với sinh kế và bảo tồn nghề thủ công giúp nâng cao vai trò xã hội của ngành trong thời hiện đại.

Ở quy mô sản xuất công nghiệp và hướng đến thị trường quốc tế, một số doanh nghiệp Việt đã nghiên cứu, ứng dụng và phát triển thành công sợi vải từ lá dứa, tơ sen, bã cà-phê, vỏ hàu... với những đặc điểm ưu việt như thoáng khí, thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, thời trang Việt vẫn đối diện nhiều thách thức. Nhà thiết kế Thu Cúc, sáng lập thương hiệu Cúc Handmade (sử dụng vải dệt của người Thái ở Phú Thọ và Nghệ An) cho biết: “Vải thủ công đắt gấp ba, bốn lần vải công nghiệp cùng mầu, cùng độ bền. Sản xuất thời trang bền vững cần tay nghề cao và lượng đơn hàng ổn định, nếu không rất khó tồn tại”.

Ngoài ra, thời trang bền vững còn phải cạnh tranh với hàng giá rẻ nhập khẩu, trong khi chưa có chính sách hỗ trợ tín dụng, ưu đãi cụ thể. Thói quen tiêu dùng chênh lệch giữa các vùng, miền cũng là trở ngại lớn.

Bà Lê Thị Quỳnh Trang, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thiết kế thời trang Đông Nam Á cũng nhận định sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà thiết kế, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý, các tổ chức nghề nghiệp là rất cần thiết để mang tới chính sách vĩ mô cho ngành thời trang. Thực tế cho thấy nhiều nhà thiết kế Việt Nam có tư duy thiết kế tốt, song cần ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh và kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu, có như vậy, thời trang “Made in Vietnam” thật sự trở thành ngành công nghiệp sáng tạo mang hồn Việt, gắn kết con người, văn hóa và môi trường trong từng sản phẩm.

Có thể bạn quan tâm

back to top