Xin giám đốc thẩm: Những việc cần làm ngay

Chỉ có 3% vụ án kêu oan được kháng nghị: Vì sao?

Giám đốc thẩm (GĐT) là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật (BA, QĐCTAĐCHLPL) nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.

Kháng nghị theo thủ tục GĐT không chỉ là một hành vi tố tụng mà còn là hoạt động giám đốc xét xử của Tòa án cấp trên đối với Tòa án cấp dưới, là hoạt động kiểm sát công tác xét xử của Viện kiểm sát đối với Tòa án.

Đối với các vụ án dân sự, kháng nghị theo thủ tục GĐT nhất thiết phải bằng văn bản do người có thẩm quyền của Tòa án hoặc Viện kiểm sát ban hành. Điều 285 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) quy định: Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án các cấp trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TANDTC. Chánh án TAND cấp tỉnh, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp huyện.

Thực tiễn xét xử cho thấy hầu hết các Bản án dân sự sơ thẩm của TAND cấp huyện đều bị đương sự kháng cáo nên Chánh án TAND cấp tỉnh, Viện trưởng VKSN D cấp tỉnh rất ít có "cơ hội" kháng nghị theo thủ tục GĐT. Vì vậy đơn khiếu nại xin xem xét lại vụ án theo thủ tục GĐT chủ yếu dồn lên trên cho Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC. Tuy nhiên, để có một quyết định kháng nghị chính xác, đúng pháp luật, hoạt động phát hiện giữ vai trò là tiền đề cho quyết định kháng nghị. Kết quả của hoạt động phát hiện những vi phạm pháp luật trong các BA, QĐCTAĐCHLPL tùy thuộc vào khả năng của người phát hiện. Thực tiễn cho thấy có nhiều BA, QĐCTAĐCHLPL vi phạm pháp luật nghiêm trọng nhưng không bị kháng nghị do không phát hiện được hoặc phát hiện không kịp thời nên hết thời hiệu kháng nghị (trong thời hạn ba năm) dẫn đến hậu quả nó vẫn được đem ra thi hành án.

Theo báo cáo tổng kết của ngành Tòa án thì năm 2005 có 9.149 vụ xin kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm (các vụ án dân sự và hành chính chiếm tỷ lệ 60-70%). Trong số các vụ xin giám đốc thẩm, tái thẩm trên), TANDTC đã giải quyết được 7.041 vụ (đạt 77%), nhưng chỉ kháng nghị được 214 vụ (đạt khoảng 3%).

Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây.

1. Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án;

2. Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng;

3. Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

(ĐIỀU 283 BLTTDS)

Tìm hiểu được biết số vụ việc xin GĐT có xu hướng ngày càng cao. Vì sao? Xã hội ngày càng phát triển dẫn đến các loại tội phạm cũng như các tranh chấp phi hình sự khác tăng nhanh và ngày càng phức tạp. Trong khi đó khả năng phát triển của hệ thống tư pháp còn hạn chế chưa theo kịp cả về con người và điều kiện làm việc.

Do tỷ lệ số vụ án được GĐT, tái thẩm quá thấp so với thực tế đòi hỏi, dẫn đến số vụ khiếu nại kéo dài từ năm này sang năm khác không dứt điểm. Mặt khác, việc này cũng tạo tâm lý "yên tâm" cho Tòa cấp dưới, nhất là cấp xét xử phúc thẩm muốn xử... "kiểu gì cũng được" mà không sợ bị cấp giám đốc thẩm xét xử lại.

Thủ tục đặc biệt hay cơ chế mua - bán

Trước hết, cần phải thẳng thắn làm rõ nguyên nhân vì sao tỷ lệ án bị GĐT gần đây số vụ xin GĐT tăng nhưng ngược lại giảm? Có phải hoàn toàn nhờ vào sự cố gắng của ngành Tòa án? Lý do này nghe chưa thật sự thuất phục bởi lẽ:

Để thay đổi nhận thức, đặc biệt là hành đồng của cả một hệ thống tư pháp không thể một sớm, một chiều. Điều này đòi hỏi cả một quá trình dài và sự cố gắng từ nhiều phía. Tại nghị trường Quốc hội, Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Hiện đã có lần bộc bạch về thực trạng hiện nay của ngành Tòa án: Cơ sở vật chất còn thiếu và lạc hậu; lực lượng Thẩm phán thiếu trầm trọng và không được đào tạo chính quy thiếu chuyên nghiệp. Vậy tại sao tỷ lệ án GĐT lại giảm nhanh như vậy? Để giải quyết mâu thuẫn này, đòi hỏi người có trách nhiệm phải rất công tâm, không vì lợi ích cục bộ.

Nhiều người thành thật bộc bạch khi nói về thực tiễn GĐT những năm gần đây: do bệnh thành tích; do ngại đụng chạm đến Tòa cấp dưới và thành tích của Thẩm phán đã xét xử sai bị GĐT; do một số Thẩm phán sau khi xét xử đã tìm cách "quan hệ" để không bị GĐT; các trường hợp bị oan sai thường rơi vào những người bị hạn chế về khả năng kinh tế và quan hệ...

Khách quan mà nói, cũng không loại trừ một nguyên nhân nào cả và cũng có thể do: Người có thẩm quyền kháng nghị GĐT chỉ có Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC, nhưng thời gian của Chánh án và Viện trưởng dành cho GĐT lại quá ít ỏi. Đối với những bản án, quyết định của TAND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có hiệu lực pháp luật bị Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC kháng nghị nhưng lại do các Tòa chuyên trách của TAN DTC xét xử GĐT, có trường hợp kháng nghị của "cấp trên" bị "cấp dưới" bác. Việc không cân xứng giữa người kháng nghị và hội đồng xét xử cũng gây tâm lý ngại kháng nghị của người có thẩm quyền. Còn một điều nữa cũng cần phải nói đến, đó là sự không cân xứng về lực lượng và trình độ giữa các thẩm tra viên nghiên cứu đề xuất kháng nghị và các Thẩm phán đã xét xử. Đặc biệt là những bản án của ba Tòa phúc thẩm ANDTC tại Hà Nội, Đà Nẵng.

Những việc cần làm ngay

Vậy cần phải làm gì để tạo dòng chảy thông thoáng, cân bằng trong các cấp xét xử của ngành Tòa án hiện nay. Trước hết cần phải làm rõ khái niệm "đặc biệt" đối với GĐT? Nhiều người có suy nghĩ sai lệch, chỉ đơn giản cho rằng, đây là thủ tục đặc biệt nên tỷ lệ được xem xét lại cũng rất "đặc biệt". Phải hiểu đây là quy định của pháp luật tố tụng, nó đặc biệt vì không tuân thủ theo các quy định tố tụng như ở cấp sơ thẩm và phúc thẩm.

Đất nước ta đang trong thời kỳ đổi mới, vì vậy không thể tránh khỏi sai sót trong quá trình hoàn thiện để vươn lên, đây là quy luật biện chứng không thể phủ định. Phải mạnh dạn sửa sai mới tiến bộ, càng bưng bít càng yếu kém và phát sinh tiêu cực. Thời bao cấp trước đây không ai lạ gì cơ chế XIN - CHO, còn bây giờ sự "đặc biệt" của GĐT đang đẻ ra cơ chế MUA - BÁN).

Trở lại báo cáo của TANDTC năm 2005, trong số 7.041 vụ việc xin GĐT thì Chánh án TANDTC chỉ kháng nghị 214 vụ, còn lại 6.827 vụ được trả lời không có căn cứ. Quy trình trả lời... "rất đáng nghi ngờ": Không cần nghiên cứu hồ sơ (vì không rút hồ sơ vụ án) chỉ đọc qua đơn và bản án rồi trả lời...? Hậu quả việc trả lời không tôn trọng sự thật khách quan này là... đương sự lại tiếp tục khiếu nại làm tăng số lượng vụ xin GĐT.

Để nâng cao hiệu quả của hoạt động giám đốc thẩm, theo chúng tôi cần nâng cấp cơ quan tố tụng theo hướng dân chủ hóa thủ tục GĐT. Phải tôn trọng quan điểm có sai phải có sửa như trước đây. Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC nên ủy quyền việc kháng nghị GĐT cho cấp phó, đặc biệt là các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TA cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cần phải tăng cường số lượng, đặc biệt là chất lượng đội ngũ nghiên cứu hồ sơ GĐT tại các Tòa của TANDTC. Việc trả lời đơn phải chính xác, giải thích rõ lý do không có căn cứ kháng nghị, tránh kiểu trả lời chung chung thiếu trách nhiệm theo một mẫu đơn như hiện nay. Phải giải thích rõ cho đương sự hiểu để không còn khiếu nại tiếp.

Bên cạnh đó, nên tạo điều kiện công khai thông tin cho báo chí biết và tôn trọng những kiến nghị, phát hiện của báo chí có căn cứ pháp luật. Cụ thể, đối với những bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng có dấu hiệu oan sai, vi phạm tố tụng nghiêm trọng do báo chí điều tra phát hiện nêu lên công luận, thì người có thẩm quyền kháng nghị phải rút hồ sơ vụ án đó lên xem xét một cách nghiêm túc rồi trả lời cho cơ quan báo chí biết.

 "Phước chủ may thầy"

Có nhiều người dân đến khóc lóc khẩn cầu luật sư giúp đỡ xem xét việc làm đơn xin giám đốc thẩm một bản án đã xử hết sức oan sai và vi phạm pháp luật. Việc đầu tiên tôi nói với họ là đó chẳng khác gì như "mò kim đáy bể" trong tình hình hiện nay có quá nhiều đơn khiếu nại án oan sai tại Tòa án Tối cao, thậm chí tại Ủy ban Nhân dân các cấp, Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu Quốc hội, các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Nhưng rồi cuối cùng tôi cũng phải nhận đơn và phán một câu như thầy bói. Thôi thì "phước chủ may thầy", luật sư chúng tôi sẽ cố gắng hết sức. Tôi cặm cụi làm đơn, nhiều đêm mất ngủ, có lúc phải âm thầm ứa nước mắt, nuốt đau xót vào trong trước những nỗi oan khiên đau khổ của người dân, trước bức thành trì hết sức kiên cố của việc Giám đốc thẩm, chờ đợi mà vẫn "Sao chưa thấy hồi âm". Mà nếu có nhận được công văn trả lời thì chỉ vỏn vẹn một câu trả lời cực kỳ bí hiểm, hiểu sao cũng được: "Chúng tôi có nhận được đơn xin cứu xét giám đốc thẩm bản án của ông bà ngày..., sau khi nghiên cứu hồ sơ chúng tôi thấy không có căn cứ (cơ sở) để giải quyết theo yêu cầu của ông bà".

Việc xét xan sai do "trình độ hạn chế", do "quy định pháp luật còn nhiều bất cập lỏng lẻo và sơ hở", do tác động của "tham nhũng" và những "đường dây chạy án" đã thực sự gây ra những tủi thẹn nhức nhối cho những vị thẩm phán nghiêm minh tài cao đức trọng, những đau lòng xót xa cho các luật sư chân chính, và là một tội ác không thể nào tha thứ hoặc bỏ qua. Ngoài ra, việc xét xử tài phán cũng đòi hỏi đến tính minh bạch và nhất quán trong pháp luật, hay nói cách khác, một bản án phải thực sự thể hiện việc xét xử công minh, như giữa thanh thiên bạch nhật, và việc áp dụng pháp luật phải chuẩn xác là một yêu cầu hết sức là "sống còn", "cốt lõi" đối với việc giữ vững LÒNG TIN và CÔNG LÝ tránh được tình trạng bán sơ khai, mịt mờ về pháp luật.

Luật sư NGUYỄN BÍNH CHÂU - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh

Có thể bạn quan tâm

back to top