Kỳ 1: Hành trình của những tia sáng
Không ai muốn vi phạm pháp luật, nhưng với người nghèo, người dân tộc thiểu số hay các đối tượng yếu thế, người cao tuổi, người khuyết tật… khi gặp phải vấn đề liên quan pháp luật, đó sẽ là “gánh nặng” lớn với họ. Không chỉ khó khăn về tài chính, mà còn là rào cản kiến thức, ngôn ngữ… Đôi khi, nghèo khó, túng thiếu đã đẩy họ vào những sai lầm, dẫn đến hành vi phạm tội không hẳn vì ác ý, mà do thiếu hiểu biết và bế tắc.
Không chỉ đơn thuần áp dụng luật
Mỗi năm, các trợ giúp viên pháp lý âm thầm thực hiện hàng trăm vụ việc, qua nhiều hình thức khác nhau như tư vấn, tham gia tố tụng hay đại diện ngoài tố tụng. Bà Lê Thị Diệu, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) nhà nước tỉnh Điện Biên nhớ lại trong hơn 10 năm công tác TGPL, đã gặp bao vụ việc đau lòng. “Dù bộn bề công việc, không thể nhớ chính xác tất cả những người đã được trợ giúp. Nhưng có những vụ việc day dứt, trở thành những câu chuyện ám ảnh”, bà nói.
Năm 2014, một thanh niên dân tộc thiểu số tên là H.A.N, bị khởi tố về tội “mua bán người”. Người bị bán lại chính là người yêu mà N. đã gắn bó gần hai năm và từng “thề sống chết”. Mới trước đó, N. đã dẫn cô về xin phép bố mẹ cưới nhưng bị gia đình phản đối với lý do cả hai có họ hàng nên không thể kết hôn. Suy nghĩ tuổi trẻ mông lung, lại không tìm được lối thoát khác, N. lại đi đến một quyết định khác: Liên hệ với những kẻ buôn người để… bán người yêu lấy số tiền 3 triệu đồng!
“Lần đầu tiên tiếp xúc với N. tại Trại tạm giam công an tỉnh Điện Biên lúc đó, chúng tôi thấy một vóc dáng nhỏ bé, làn da sạm đen, gương mặt mệt mỏi nhưng không giấu được nét ngơ ngác chưa trưởng thành. Với vẻ ngoài ấy, thật khó để hình dung đây lại là con người có thể thực hiện một hành vi đáng trách đến vậy. Nhưng rồi, trong quá trình hỏi cung, khi N. rụt rè kể về lý do phạm tội, một sự thật ngây ngô đến khó tin đã khiến chúng tôi không khỏi vừa thương lại vừa trách. Cậu nói: “Bố mẹ cấm, không cho lấy. Nếu không lấy được nhau kiểu gì rồi nó (người yêu) cũng ăn lá ngón để chết, thà bán đi cho người khác còn được ít tiền chứ để nhà rồi người cũng chết mà tiền cũng không được”. Câu nói ấy như một nhát cứa vào lòng, hé lộ sự bế tắc cùng cực và nhận thức pháp luật còn non nớt của một thanh niên địa phương.
Bà Diệu kể tiếp: “Quá trình thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi không ít lần phải đối mặt những lý do phạm tội hay những yêu cầu pháp lý tưởng chừng như không tưởng, xuất phát từ sự ngây thơ, bế tắc hoặc thiếu hiểu biết của người được trợ giúp”. Phụ nữ dân tộc thiểu số là một trong những nhóm đối tượng được thụ hưởng TGPL công, song cũng luôn có những câu chuyện mà nếu không trực tiếp tiếp nhận, khó có thể cảm nhận hết sự bí bách, cùng cực của họ. “Đó là yêu cầu ly hôn của chị Sùng T. M. ở Mường Nhé, Điện Biên”, bà Diệu tiếp lời.
Ở thời điểm cách đây 7 năm, mức thu nhập bình quân tại địa phương chỉ hơn 1 triệu đồng/người/tháng, vì vậy về mặt pháp lý, trợ cấp nuôi con cũng chỉ dừng ở mức tối thiểu tại vùng này. Song, khi đề nghị được cấp dưỡng nuôi con, chị Sùng T. M. muốn nhận được 3 triệu đồng/cháu/tháng. Lý do chị đưa ra không phải chỉ để nuôi con hằng tháng, mà còn bao gồm cả chi phí để chị được về với bố mẹ, chi phí chị đã sinh ba người con cho gia đình chồng… Những ý định này dù cho thấy sự thiếu hụt kiến thức pháp luật nhưng cũng toát lên gánh nặng do hoàn cảnh kinh tế đè lên vai phận đời yếu thế.
Đối với những vụ việc như vậy, vai trò của trợ giúp viên pháp lý không chỉ đơn thuần là áp dụng điều luật. Nó đòi hỏi phải có sự thông cảm đặc biệt, để không chỉ làm cho người được trợ giúp hiểu rõ quy định của pháp luật, mà còn giúp họ dung hòa được sự phức tạp giữa "tình" và "lý" một cách phù hợp nhất. Vì vậy, ngoài hoạt động nghiệp vụ, mỗi khi tiếp xúc những cảnh đời còn thiếu thốn khó khăn, các trợ giúp viên pháp lý, ngoài tự ý thức nâng cao nghiệp vụ, cũng không ngừng trau dồi kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp, “để mỗi bước chân đi là một tia sáng công lý đến với những phận đời còn mờ mịt”.

Ý nghĩa nhân văn về an sinh xã hội
Theo thống kê, người thuộc diện trợ giúp pháp lý (TGPL) chiếm khoảng 45% dân số. Trong tương quan với người thuộc diện TGPL ở các nước có thể thấy, diện người được TGPL theo pháp luật Việt Nam là khá rộng. Trong bối cảnh Việt Nam là nước đang phát triển, số lượng người thuộc diện được TGPL miễn phí ở Việt Nam đang bao phủ rất lớn.
Luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội đã tham gia nhiều vụ việc TGPL nhưng ông nhớ mãi vụ án dân sự tranh chấp chia thừa kế kéo dài suốt mấy năm liên quan đến khối di sản nhà đất tại TP Hà Nội, mà người đề nghị TGPL là một cô gái không may bị khuyết tật do ảnh hưởng của chất độc da cam. “Vụ án kéo dài tới 7 năm, trong 4 năm đầu đã có tới 5 luật sư tham gia nhưng không thành công. Sau đó, tôi tham gia vụ án theo sự phân công của Trung tâm TGPL Nhà nước TP Hà Nội”, ông Hà kể lại. Hoàn cảnh của cô gái thôi thúc ông tích cực nghiên cứu hồ sơ cũng như các quy định của pháp luật để tìm phương án tốt nhất nhằm đòi lại công bằng cho nguyên đơn. Tháng 6/2013, vụ án được giải quyết dứt điểm, nguyên đơn đã thắng kiện. Nhờ đó, cô gái đã có chỗ ở ổn định, không còn phải đi ở nhờ nhà chùa như trước.
Theo bà Đặng Kim Hà, Phó giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Tây Ninh (mới), thông qua hoạt động của các Trung tâm TGPL, người dân trong tỉnh Long An (nay là tỉnh Tây Ninh), nhất là người dân vùng nông thôn không những nâng cao hiểu biết về pháp luật mà còn được tiếp cận với các dịch vụ pháp lý miễn phí, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Bên cạnh đó, những đối tượng trong diện trợ giúp khi vi phạm pháp luật bị truy tố, xét xử cũng được bảo vệ theo quy định của luật pháp.
Tại TP Hà Nội, thời gian qua, Đoàn Luật sư TP Hà Nội tích cực tham gia công tác TGPL với nhiều kết quả nổi bật. Trong năm 2024, số lượng án chỉ định mà Đoàn tham gia là 985 vụ với hơn 1.000 bị can, bị cáo; số án TGPL là 2.634 vụ việc. Ngoài ra, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cũng tham gia các hình thức TGPL khác như tư vấn, đại diện ngoài tố tụng với tổng cộng 9.463 vụ việc; tổ chức 72 chương trình tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật với hơn 80 nghìn người dân được thụ hưởng. Trong 6 tháng đầu năm 2025, hoạt động TGPL của Đoàn tăng đáng kể về số lượng, với 515 vụ là án chỉ định, 1.537 vụ việc án TGPL và tham gia tư vấn, đại diện ngoài tố tụng 5.683 vụ việc. Đoàn cũng đã tổ chức 34 chương trình tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật với hơn 35 nghìn người dân được thụ hưởng. Hằng năm, Đoàn còn cử 150 luật sư thường xuyên tư vấn cho người dân khi đến Trụ sở Tiếp công dân Trung ương theo Chương trình phối hợp giữa Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, MTTQ Việt Nam và Hội Luật gia Việt Nam.
Phó Cục trưởng PBGDPL và TGPL Tô Thị Thu Hà nhấn mạnh: “Qua các vụ việc TGPL cho thấy, đội ngũ người thực hiện TGPL nói chung và trợ giúp viên pháp lý nói riêng ngày càng khẳng định được vai trò của mình trong việc giúp người yếu thế tiếp cận công lý, góp phần quan trọng trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, đối tượng chính sách và các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội qua đó góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân”, bà Tô Thị Thu Hà đánh giá.
Được biết, Luật Trợ giúp pháp lý cho phép các tổ chức và luật sư đăng ký và ký hợp đồng với các Sở Tư pháp tỉnh để cung cấp TGPL, nhưng số lượng luật sư hoặc tổ chức như vậy vẫn còn thấp. Mô hình hợp tác này còn hạn chế do thiếu ngân sách và phần lớn các luật sư tập trung tại các thành phố lớn, khiến việc trợ giúp cho đối tượng ở các địa phương khác, đặc biệt là vùng núi, vùng sâu, vùng xa còn thiếu hụt. Cuối cùng, hệ thống báo cáo hiện tại chỉ cho phép theo dõi tổng số dịch vụ TGPL và thiếu các chức năng thu thập phản hồi từ người thụ hưởng.
(Còn nữa)