Nhưng bên cạnh đó, chính sách mới cũng đặt ra yêu cầu cao hơn trong quản lý chuyên môn, giám sát chất lượng và ý thức tuân thủ của người bệnh.
Lợi ích kép
Thông tin này được nhiều người bệnh mạn tính ủng hộ bởi giảm tải cho bệnh viện (BV), giúp người bệnh không phải đến BV hằng tháng và chịu cảnh đông đúc, chờ đợi nửa ngày, thậm chí cả ngày để được khám chỉ vài phút với đơn thuốc như cũ.
Mắc bệnh tăng huyết áp, đã được điều trị hàng chục năm nay, ông Hoàng Văn Tuyến, 73 tuổi (phường Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, hiện chỉ số huyết áp của ông luôn ở mức ổn định. Tuy nhiên, hằng tháng, ông vẫn phải đến BV xếp hàng và chờ đợi hết buổi sáng mới được lĩnh thuốc.Do đó, ông Tuyến cho rằng, với những người cao tuổi, phần đông mắc các bệnh mạn tính nên thông tư mới quy định những trường hợp đã được kiểm soát tốt bệnh mạn tính, được cấp thuốc dài ngày hơn sẽ đỡ cảnh đi lại vất vả cho bệnh nhân và người nhà họ.
Một số điểm mới đáng lưu ý tại Thông tư 26 quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Thứ nhất, có 252 bệnh, nhóm bệnh được áp dụng kê đơn thuốc ngoại trú trên ba mươi (30) ngày. Đối với bệnh thuộc danh mục này, người kê đơn thuốc quyết định số ngày sử dụng của mỗi thuốc trong đơn thuốc căn cứ vào tình trạng lâm sàng, mức độ ổn định của người bệnh để kê đơn thuốc với số ngày sử dụng của mỗi thuốc tối đa không quá chín mươi (90) ngày.
Thứ hai, bổ sung một số trường hợp thông tin bắt buộc trong đơn thuốc như: Thông tin về số định danh cá nhân hoặc số căn cước công dân hoặc số căn cước hoặc số hộ chiếu của người bệnh. Thứ ba, điều chỉnh quy định về trường hợp người bệnh đi khám nhiều chuyên khoa trong một lượt khám: BV tự quyết định người kê đơn, bảo đảm người bệnh chỉ có một đơn thuốc, tính an toàn (không bị trùng lặp, tương tác thuốc) và hiệu quả, hợp lý của đơn thuốc.
Thứ tư, bỏ mẫu sổ khám bệnh. Thứ năm, việc kê đơn thuốc phải tuân thủ quy định về chuyên môn kỹ thuật; việc sử dụng thuốc trong khám bệnh, chữa bệnh phải bảo đảm: Chỉ định sử dụng thuốc khi thật sự cần thiết, đúng mục đích, an toàn, hợp lý và hiệu quả; việc kê đơn thuốc phải phù hợp với chẩn đoán bệnh, tình trạng bệnh của người bệnh. Kèm theo tuân thủ quy định về xử lý thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất đã bán/cấp cho người bệnh nhưng không sử dụng hết hoặc tử vong).
Theo ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), việc tăng thời gian cấp phát thuốc đối với bệnh nhân mắc bệnh mạn tính đã ổn định mang lại lợi ích kép cho cả bệnh nhân và BV. Trước đây, trong dịch Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế dịch bệnh lây lan, nhiều cơ sở y tế cũng đã thực hiện cấp phát thuốc 2-3 tháng/lần cho bệnh nhân mắc bệnh mạn tính. Ông Dương cho biết về những bất cập trước đây: “Việc phải đến BV”mỗi tháng để lấy đơn thuốc, dù bệnh đã ổn định, thật sự gây ra nhiều phiền toái và gánh nặng không nhỏ cho người bệnh và gia đình. Không chỉ vậy, việc quá tải BV cũng gia tăng do người bệnh phải quay lại thường xuyên dù không cần can thiệp y tế mới”.
Mặc dù có nhiều lợi ích, việc kê đơn dài ngày cũng đặt ra những yêu cầu khắt khe hơn trong chỉ định. Những rủi ro có thể xảy ra như người bệnh không bảo đảm điều kiện bảo quản thuốc, không được theo dõi sát tác dụng không mong muốn, bệnh tiến triển cần điều chỉnh phác đồ nhưng chưa kịp đánh giá lại, hoặc người bệnh mất, không sử dụng hết thuốc gây lãng phí. Do đó, ông Dương khuyến cáo: “Về mặt thực thi, quy định này không áp dụng đại trà, mà bác sĩ phải đánh giá đầy đủ tình trạng lâm sàng, tiên lượng ổn định mới được kê đơn kéo dài”.
Khi được hỏi về khó khăn có thể gặp ở tuyến dưới, ông Dương cho biết: “Một số cơ sở y tế tuyến cơ sở, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, có thể gặp thách thức trong việc bảo đảm cung ứng đủ thuốc khi số lượng thuốc kê mỗi lần tăng gấp ba so với trước đây. Ngoài ra, một số loại thuốc chuyên khoa có thể chưa phổ biến hoặc thiếu tại địa phương ở một số thời điểm nhất định”.
Tuy nhiên, ông cũng trấn an: “Danh mục bệnh áp dụng kê đơn 90 ngày chủ yếu là các bệnh mạn tính phổ biến, với nhiều biệt dược, hoạt chất thay thế tương đương nhau. Các bệnh hiếm, phức tạp - như ung thư hay bệnh huyết học đặc biệt - vẫn chủ yếu điều trị tại tuyến trung ương, nên không gây áp lực quá lớn cho tuyến dưới”.
Trách nhiệm cá thể hóa
Nhất trí với việc kéo dài thời gian kê đơn thuốc điều trị ngoại trú cho bệnh nhân mắc bệnh mạn tính đã ổn định, tuy nhiên, theo TS, BS Mai Đức Thảo, Trưởng khoa Thần kinh BV Hữu Nghị, để bảo đảm sức khỏe người bệnh và an toàn trong sử dụng thuốc thì cần phải đánh giá cụ thể từng trường hợp, căn cứ vào tình trạng bệnh, khả năng tuân thủ điều trị và nhiều yếu tố khác để quyết định thời gian kê đơn. “Khi cấp thuốc dài ngày, rất cần sự phối chặt chẽ giữa bệnh nhân, người nhà và bác sĩ. Nếu bệnh nhân minh mẫn, tỉnh táo thì không sao nhưng nếu bệnh nhân bị lẫn, hay quên thì người nhà phải đứng ra chịu trách nhiệm để người bệnh uống thuốc đều đặn, đúng liều, đúng theo chỉ định của bác sĩ nhằm bảo đảm hiệu quả điều trị cũng như tránh những tác dụng phụ, tránh nhầm lẫn gây ra tai biến. Trong quá trình sử dụng thuốc, khi có bất cứ dấu hiệu bất thường nào thì bệnh nhân cần quay trở lại BV ngay”, TS, BS Mai Đức Thảo nói.
Để tránh những vấp váp này, ThS, BSCKII Trần Thái Sơn, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Bạch Mai nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc cá thể hóa trong kê đơn: “Quyền kê đơn 90 ngày không có nghĩa là bệnh nhân nào cũng nên được kê như vậy. Bác sĩ buộc phải đánh giá thật kỹ tình trạng cụ thể của từng người bệnh”. Ông bổ sung: “Quan điểm của chúng tôi là: Kê đơn cần cá thể hóa - mỗi người bệnh một phác đồ, không máy móc. Làm được như vậy thì vừa tiết kiệm cho quỹ BHYT, vừa giúp người bệnh tuân thủ điều trị tốt hơn”.
Hiện BV Bạch Mai đã chủ động triển khai nhiều biện pháp bảo đảm hiệu quả và an toàn, BV đã tích hợp, cập nhật Thông tư mới vào phần mềm quản lý hồ sơ bệnh án điện tử, tổ chức tập huấn kỹ lưỡng cho toàn bộ đội ngũ y, bác sĩ, đặc biệt là các bác sĩ khám ngoại trú. Việc giám sát chất lượng kê đơn cũng được thực hiện chặt chẽ thông qua việc cập nhật đầy đủ quy định của Bộ Y tế, tổ chức đào tạo định kỳ, rà soát thuốc mua sắm và sử dụng hệ thống phần mềm quản lý có chức năng cảnh báo tương tác thuốc, cảnh báo thuốc dễ nhầm lẫn. Đặc biệt, BV còn thực hiện bình đơn thuốc hàng tuần để đánh giá tính hợp lý, phát hiện và điều chỉnh các bất cập.
Khuyến cáo cho người bệnh khi nhận thuốc dài ngày
TS, BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết và Đái tháo đường, BV Bạch Mai, cũng phân tích cụ thể hơn về những lợi ích của việc kê đơn dài ngày đối với nhóm bệnh nhân mạn tính, đặc biệt là bệnh nhân nội tiết. Ông cho biết, những bệnh nhân này thường là người già, sống phụ thuộc, có thu nhập thấp và thường mắc nhiều bệnh đồng mắc, khả năng đi lại hạn chế. Vì vậy, việc kê đơn thuốc dài ngày sẽ mang lại nhiều lợi ích như giảm số lần và thời gian đi đến BV, phòng khám; tiết kiệm chi phí đi lại; hạn chế nguồn lây nhiễm; hạn chế ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường, thời tiết xấu; và đơn thuốc ổn định sẽ làm tăng tính tuân thủ điều trị.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Quang Bảy cũng đưa ra khuyến cáo cho người bệnh, đặc biệt là người cao tuổi, khi nhận thuốc trong thời gian dài hơn phải bảo đảm uống thuốc đúng cách để không ảnh hưởng đến kết quả điều trị:
Đầu tiên, người bệnh cần đọc kỹ đơn thuốc trước khi rời BV. Nếu có bất kỳ điều gì chưa hiểu, cần trao đổi ngay với bác sĩ khám bệnh hoặc dược sĩ phát thuốc để được giải đáp thắc mắc.
Thứ hai, việc bảo quản thuốc là rất quan trọng do số lượng thuốc lĩnh được nhiều hơn, có nguy cơ để lẫn các loại thuốc, đặc biệt khi trong gia đình có nhiều người mắc bệnh mạn tính. Đối với những bệnh nhân đái tháo đường điều trị insulin, cần có tủ lạnh để bảo quản thuốc vì các loại insulin chỉ có thể để ở nhiệt độ thường dưới 4 tuần.
Thứ ba, người bệnh cần tuân thủ tiêm hoặc uống thuốc đầy đủ và đúng giờ. Để tiện lợi, có thể để thuốc cạnh bàn ăn hoặc tại phòng ngủ, hoặc đặt chuông điện thoại nhắc giờ uống thuốc.
Thứ tư, việc theo dõi thường xuyên các thông số như nhịp tim, huyết áp, đường máu tại nhà hoặc tại nhà thuốc, trạm y tế xã, phường là rất cần thiết để nắm bắt tình hình sức khỏe.
Cuối cùng, người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ hoặc đường dây nóng của các bệnh viện khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe hoặc khi bị mắc thêm bệnh khác. Hoàn toàn có thể đi khám lại ngay mà không cần chờ đủ 60 hay 90 ngày theo lịch hẹn. TS Bảy cũng khuyến khích người bệnh chủ động đặt lịch khám trước 3-5 ngày qua số đường dây nóng hoặc ứng dụng khám bệnh của các BV để tiết kiệm thời gian và chủ động hơn trong việc khám, chữa bệnh.