Trước “giờ G” áp thuế

Còn chưa đầy một tuần nữa, các doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đứng trước “giờ G”, thời điểm mức thuế mới lên tới 46% sẽ được Mỹ chính thức áp dụng. Khoảng lặng ngắn ngủi của 90 ngày sắp khép lại, nhường chỗ cho một giai đoạn nhiều bất trắc và áp lực.

Các doanh nghiệp dệt may tận dụng các hiệp định thương mại để mở rộng thị trường xuất khẩu. Ảnh: NAM NGUYỄN
Các doanh nghiệp dệt may tận dụng các hiệp định thương mại để mở rộng thị trường xuất khẩu. Ảnh: NAM NGUYỄN

Ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố loạt mức thuế mới áp dụng với nhiều đối tác thương mại, nhưng đã tạm hoãn thực thi đối với nhiều nước trong vòng 90 ngày nhằm tạo điều kiện cho đàm phán với các đối tác. Mới đây nhất, Tổng thống Trump khẳng định không có kế hoạch gia hạn lệnh tạm hoãn áp thuế đối với hầu hết các quốc gia sau ngày 9/7.

Chủ động ứng phó

Hoạt động trong lĩnh vực dệt may, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, sau đợt yêu cầu tăng năng lực sản xuất để giao hàng trước ngày 9/7, hiện các đối tác từ Mỹ đang có tâm lý chờ đợi thông tin áp thuế để quyết định đơn hàng sản xuất của nửa cuối quý III và quý IV.

Tuy vậy, theo ông Việt, với tỷ trọng xuất khẩu lớn, Mỹ là thị trường rất khó để thay thế. Vì vậy, để hạ giá thành trong trường hợp thuế đối ứng vẫn ở mức cao, doanh nghiệp tập trung vào tăng năng suất lao động thông qua đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao và đầu tư vào thiết bị hiện đại.

Doanh nghiệp đầu tư vào những máy lập trình gần như tự động hoàn toàn có thể tăng năng suất từ 20 - 30%. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng tập trung vào giải pháp tiết kiệm chi phí sản xuất gồm có định mức nguyên vật liệu, định mức thời gian chế tạo ra sản phẩm cần thiết. Điều này sẽ giúp giảm giá thành sản xuất cũng như giảm áp lực giảm giá từ phía khách hàng.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng đang nỗ lực đa dạng thêm là nguồn cung ứng nguyên phụ liệu, trong đó mua những vải có xuất xứ nguồn gốc bông từ Mỹ. Chứng minh được sản phẩm làm từ vải nguồn gốc từ Mỹ sẽ là điểm cộng trong việc giảm mức thuế nhập khẩu nếu thuế đối ứng tăng trong thời gian tới. “Trong ngắn hạn và dài hạn, ngoài các thị trường truyền thống như Nhật Bản và EU, đội ngũ kinh doanh xuất khẩu đã và đang tăng cường tìm kiếm các thị trường khác như Australia, New Zealand, Canada và ASEAN”.

Trong lĩnh vực thủy sản, bà Lê Hằng, Phó Tổng Thư ký VASEP cho biết, kể từ tháng 4, khi câu chuyện thuế đối ứng của Mỹ bắt đầu nổi lên thì các doanh nghiệp đổ xô vào xuất khẩu trước khi thuế đối ứng áp dụng ở mức cao hơn từ ngày 9/7. Do đó, nhu cầu từ các thị trường đều có sự tăng tốc mạnh mẽ. Trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tăng trưởng ấn tượng, đạt 4,2 tỷ USD, tăng 18,2% so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sáu tháng cuối năm khó có thể duy trì mức tăng trưởng này mà không phụ thuộc vào kết quả đàm phán thuế đối ứng với Mỹ.

Trong trường hợp thuế đối ứng cao hơn 10%, thậm chí ở mức 46% thì ngành thủy sản sẽ rất khó khăn. Ngoài thuế đối ứng còn thuế chống bán phá giá. Chính vì vậy, các doanh nghiệp đã sẵn sàng với các kịch bản có thể xảy ra. Với mọi tình huống, doanh nghiệp xác định sẽ không “bỏ trứng vào một giỏ” mà phải đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm. “ASEAN là thị trường đệm rất quan trọng cho ngành thủy sản vì vị trí địa lý gần nên rất thuận lợi về mặt chi phí logistics. Ngoài ra, tiêu chuẩn cũng không quá khắt khe so với thị trường khó tính khác như Mỹ và EU”.

Theo báo cáo Nghiên cứu Triển vọng doanh nghiệp năm 2025 của Ngân hàng UOB, việc Chính phủ Mỹ tạm hoãn áp thuế trong vòng 90 ngày đã tạo điều kiện để các cuộc đàm phán thương mại được tiến hành, đồng thời giúp doanh nghiệp có thêm thời gian chủ động ứng phó, từ việc ổn định chuỗi cung ứng đến kiểm soát chi phí đầu vào gia tăng.

Cụ thể, khoảng 52% số doanh nghiệp dự báo chi phí nguyên vật liệu và sản xuất sẽ tăng đáng kể, trong khi 30% lo ngại lạm phát tăng cao. Để đối phó, các doanh nghiệp đang thực hiện nhiều biện pháp như đa dạng hóa nhà cung cấp, tăng cường nội địa hóa và giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

Các doanh nghiệp cũng đang tập trung đầu tư vào hai trụ cột chiến lược gồm số hóa và phát triển bền vững, với lần lượt 61% và 56% doanh nghiệp Việt Nam cho biết sẽ đẩy mạnh các nỗ lực trong hai lĩnh vực này. Nếu như số hóa được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả vận hành và cải thiện trải nghiệm khách hàng thì việc thực hành phát triển bền vững sẽ giúp doanh nghiệp thu hút nhà đầu tư và củng cố uy tín thương hiệu, những yếu tố ngày càng quan trọng trong bối cảnh bất định do thuế quan.

Một số chuyên gia cho rằng, mức thuế 46% không chỉ khiến hàng hóa Việt Nam mất đi lợi thế cạnh tranh về giá, mà còn tiềm ẩn nguy cơ bị sụt giảm đơn hàng, chuyển dịch chuỗi cung ứng sang các nước có chính sách thương mại ổn định hơn.

Mong đợi sự hỗ trợ nhiều hơn nữa

Ở góc nhìn thận trọng, ông Mohammad Mudasser, Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Chuyển đổi tại PwC Việt Nam cho rằng, việc Mỹ áp mức thuế cao chưa từng có sẽ không chỉ làm tăng chi phí sản xuất, mà còn kéo theo sự sụt giảm đơn hàng dài hạn và gia tăng cạnh tranh từ các nước như Mexico, Indonesia, Malaysia.

Khảo sát của PwC cho thấy 86% số doanh nghiệp bày tỏ quan ngại sâu sắc về tác động tiêu cực từ thuế quan Mỹ. Trong đó, 23% xác định “chi phí gia tăng” là rủi ro hàng đầu, kế đến là nguy cơ “dịch chuyển thị trường” và “nhu cầu giảm” từ phía Mỹ, mỗi yếu tố chiếm 15%.

Trước tình hình này, ông Mohammad Mudasser cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh đổi mới và chủ động thích ứng, đặc biệt là quản trị chi phí chiến lược, khai thác phân tích dữ liệu để mở rộng cơ hội tăng trưởng và phục hồi. Việc triển khai đúng chiến lược sẽ giúp vượt qua sức ép trước mắt và tạo nền tảng cho phát triển bền vững.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần tiếp tục đóng vai trò chủ động trong đàm phán, xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp qua các chính sách ưu đãi đầu tư, đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong bối cảnh toàn cầu đầy bất định, khả năng thích ứng và sáng tạo sẽ là yếu tố then chốt để doanh nghiệp giữ vững vị thế và tăng trưởng lâu dài.

Còn theo bà Mai Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Kế hoạch, Tài chính và Quản lý doanh nghiệp (Bộ Công thương), Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh cung cấp thông tin thị trường, cập nhật kịp thời các quy định, tiêu chuẩn của nước nhập khẩu để doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch sản xuất và tìm kiếm đơn hàng mới.

Bộ Công thương đang triển khai đồng bộ các giải pháp đa dạng hóa thị trường, khai thác hiệu quả các FTA, thúc đẩy đàm phán các FTA mới; đẩy nhanh tiến độ nội luật hóa các cam kết, tiếp tục triển khai các hoạt động đào tạo tập huấn các cam kết trong đó trọng tâm là đào tạo về quy tắc xuất xứ để doanh nghiệp nắm bắt và tận dụng.

“Đẩy mạnh xúc tiến thương mại nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến theo hướng chuyên nghiệp và thích ứng với bối cảnh thị trường. Tập trung hỗ trợ ngành hàng, địa phương, doanh nghiệp xây dựng chiến lược thị trường xuất khẩu, đồng thời nâng cao năng lực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, bà Hiền cho biết.

Cuối tuần qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp nhằm tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến thương mại và đầu tư với phía Mỹ. Thủ tướng khẳng định Việt Nam kiên định mục tiêu tăng trưởng 8%, giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và nâng cao đời sống nhân dân, đồng thời nhấn mạnh vai trò của hợp tác quốc tế, trong đó có Mỹ, đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị hai bên cần đối thoại để tháo gỡ các vấn đề thể chế và pháp lý, các đề xuất vượt thẩm quyền sẽ được tổng hợp trình cấp cao xem xét. Trước đó, hai nước đã hoàn tất vòng đàm phán thứ ba về Hiệp định thương mại đối ứng tại Washington D.C. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cam kết sẽ làm việc với Cơ quan Đại diện Thương mại để tìm giải pháp phù hợp.

Giữa vùng tranh tối tranh sáng của thương mại toàn cầu, không ai dám chắc ngày mai sẽ ra sao. Nhưng trong cái khoảng lặng trước “giờ G”, bản lĩnh doanh nghiệp lại hiện lên, lặng lẽ, bền bỉ... bất chấp độ dày của bức tường thuế quan phía trước.

back to top