Lần đầu tiên, khu vực kinh tế tư nhân được xác lập là “động lực tăng trưởng chủ lực” trong một nghị quyết của Trung ương. Nhưng để Nghị quyết 68 không dừng lại ở định hướng chính trị mà trở thành cú huých thể chế thật sự, điều cốt lõi nằm ở cách tháo gỡ rào cản từ chính sách đến thực thi. Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thị Mỹ Nương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đào tạo lãnh đạo và Dịch vụ phát triển bền vững (SDLT) chia sẻ với phóng viên những góc nhìn thực tế và điều kiện để khu vực tư nhân thật sự bứt phá.

Phóng viên (PV): Với tư cách là người nghiên cứu sâu về kinh tế tư nhân, bà đánh giá như thế nào về Nghị quyết 68 vừa được Trung ương ban hành? Những thay đổi có đủ để khu vực tư nhân “cất cánh”?
Bà Huỳnh Thị Mỹ Nương: Tôi cho rằng, Nghị quyết 68 là một bước ngoặt đáng chú ý trong tư duy phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước. Nếu trước đây, kinh tế tư nhân chủ yếu được khuyến khích ở mức định hướng, thì lần này thông điệp được thể hiện rõ ràng: tư nhân không còn là khu vực "đứng sau bổ sung" mà đã trở thành một phần quan trọng không thể thiếu, thậm chí còn được định hướng trở thành "động lực tăng trưởng chủ lực" ở một số mặt so với các thành phần kinh tế khác.
Khác với các nghị quyết trước, lần này Nhà nước đưa ra nhiều cam kết cụ thể, từ bảo vệ quyền tài sản, cải thiện môi trường pháp lý đến không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Đây là những nền tảng thiết yếu để củng cố niềm tin cho doanh nghiệp - điều mà khu vực tư nhân đã mong đợi từ rất lâu.
Tuy vậy, nghị quyết dù có ý nghĩa đến đâu cũng sẽ không thể tạo ra chuyển biến thật sự nếu không được triển khai bằng hành động cụ thể. Theo tôi, để Nghị quyết 68 đi vào cuộc sống, cần tháo gỡ 5 nhóm nút thắt quan trọng.
Thứ nhất là cải cách thể chế. Hệ thống pháp luật hiện vẫn còn chồng chéo, thiếu nhất quán và gây khó cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ. Để tháo gỡ, cần tiếp tục rà soát, bãi bỏ các quy định không cần thiết, số hóa quy trình và tăng cường công khai, minh bạch.
Thứ hai là chất lượng thực thi. Chính sách đúng nhưng thực thi lệch pha sẽ khiến Nghị quyết khó đi vào cuộc sống. Điều này đòi hỏi phải có cơ chế phối hợp chặt chẽ, minh bạch và thống nhất trong hành động. Một số địa phương còn thiếu tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, khiến cơ hội phát triển bị bỏ lỡ.
Thứ ba là khả năng tiếp cận nguồn lực. Rào cản về tín dụng, hạ tầng, công nghệ vẫn là gánh nặng đối với phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đặc biệt với doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, họ cần môi trường linh hoạt hơn, chứ không thể bị ràng buộc bởi cùng một khuôn chính sách áp dụng cho các mô hình truyền thống.
Thứ tư là bản thân doanh nghiệp phải nâng cao năng lực nội tại. Từ quản trị, chuyển đổi số đến tư duy phát triển dài hạn, doanh nghiệp không thể mãi trông chờ vào chính sách hỗ trợ nếu không tự vươn lên bằng chính năng lực cạnh tranh của mình.
Cuối cùng là văn hóa doanh nghiệp, tinh thần doanh nhân hội nhập với những giá trị mới, bền vững. Một thế hệ doanh nhân mới, dám nghĩ dám làm, có trách nhiệm xã hội và gắn bó lâu dài với đất nước sẽ là nhân tố quyết định thành công.
PV: Theo bà, làm sao để đánh giá hiệu quả thực chất của Nghị quyết 68?
Bà Huỳnh Thị Mỹ Nương: Điều quan trọng là chúng ta cần vượt qua cách đánh giá truyền thống vốn chỉ dựa vào số lượng doanh nghiệp đăng ký mới hay tỷ trọng đóng góp GDP. Những con số ấy không phản ánh được hết chất lượng phát triển cũng như sức bền thật sự của khu vực kinh tế tư nhân. Thay vào đó, cần xây dựng một hệ thống chỉ tiêu đa chiều, phản ánh cả hiệu quả vận hành và mức độ trưởng thành của doanh nghiệp.
Trước hết là chỉ số niềm tin doanh nghiệp, phản ánh sự lạc quan, kỳ vọng của doanh nghiệp về môi trường kinh doanh, chính sách và triển vọng phát triển. Nếu chỉ số này tăng đều đặn, cho thấy doanh nghiệp an tâm, tin tưởng hơn vào tương lai.
Tiếp theo là mức độ minh bạch và công bằng trong hoạt động kinh doanh. Đây là yếu tố rất quan trọng. Nếu tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh phải chi trả các khoản không chính thức giảm đi một cách rõ rệt, đó chính là bằng chứng cho thấy môi trường kinh doanh đã có cải thiện thực chất, không còn bị chi phối bởi những yếu tố ngoài luật.
Một chỉ số khác cần được chú trọng là năng lực đổi mới và hội nhập của doanh nghiệp. Các chỉ số như tỷ lệ đầu tư cho R&D, mức độ áp dụng công nghệ, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu hay liên kết giữa các thành phần kinh tế sẽ cho thấy khả năng phát triển dài hạn và đóng góp bền vững của khu vực tư nhân. Không thể bỏ qua là sự hình thành và phát triển của các doanh nghiệp tư nhân lớn, có khả năng dẫn dắt ngành, tạo ra hiệu ứng lan tỏa về năng suất và tiêu chuẩn kinh doanh.
Cuối cùng là mức độ phát triển bền vững. Số lượng doanh nghiệp thực hành các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị (ESG), hoặc có chiến lược trách nhiệm xã hội rõ ràng (CSR) sẽ phản ánh cách khu vực tư nhân định vị vai trò của mình trong quá trình phát triển đất nước. Đây không còn là “tiêu chí cộng thêm”, mà là chỉ dấu cho một thế hệ doanh nghiệp trưởng thành, biết tính đến lợi ích dài hạn thay vì chạy theo lợi nhuận tức thời.
Tất cả những chỉ số đó, nếu được theo dõi một cách định kỳ, công khai và minh bạch, sẽ không chỉ giúp Nhà nước điều chỉnh chính sách kịp thời mà còn tạo động lực cho doanh nghiệp tự nâng chuẩn. Khi ấy, sự phát triển của khu vực tư nhân mới thật sự có chiều sâu và đóng vai trò bền vững trong nền kinh tế.
PV: Với kịch bản tích cực, bà hình dung diện mạo kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2030 sẽ ra sao?
Bà Huỳnh Thị Mỹ Nương: Tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ có một tầng lớp doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn, đủ sức cạnh tranh khu vực, có thương hiệu toàn cầu, không chỉ trong lĩnh vực truyền thống như nông sản, dệt may, mà cả công nghệ cao, logistics, kinh tế xanh.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn chiếm tới 97% số lượng sẽ phát triển về chất, trở thành hạt nhân đổi mới, tạo ra sản phẩm, dịch vụ đặc thù, bền vững. Nhiều doanh nghiệp sẽ chuyển mình theo hướng xanh hóa, số hóa và gắn bó với giá trị cộng đồng. Đặc biệt, tôi tin sẽ có một thế hệ doanh nhân mới, có bản lĩnh, trách nhiệm xã hội và khát vọng vươn tầm quốc tế. Họ không chỉ làm giàu cho bản thân, mà còn góp phần định hình đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp Việt Nam trong thời đại hội nhập.
Lúc này, Nhà nước sẽ không chỉ là người “quản”, mà còn là người “đồng hành chiến lược”. Điều đó có nghĩa là chính sách sẽ được xây dựng dựa trên dữ liệu thực tiễn, có sự tham vấn doanh nghiệp và được điều chỉnh kịp thời khi thị trường biến động. Khi đó, Nhà nước sẽ là đối tác đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình hoạch định, thực thi chính sách và tháo gỡ khó khăn, từ đó thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!