Trải qua 25 năm phát triển, Tập đoàn Phương Linh đã gây dựng được vị thế trên thị trường quạt công nghiệp, xuất khẩu hơn 30% sản lượng ra nước ngoài, với mức tăng trưởng trung bình 40% mỗi năm. Thế nhưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Trần Văn Lê vẫn không giấu được trăn trở khi nhắc đến những khó khăn doanh nghiệp thường gặp.
“Chúng tôi đi lên bằng kinh nghiệm tích lũy trong quá trình làm nghề. Xuất phát điểm thấp, thiếu định hướng và chính sách hỗ trợ rõ ràng, mỗi lần khủng hoảng xảy ra đều bị tác động rất nặng nề”, ông Lê chia sẻ.
Phá thế độc hành của doanh nghiệp công nghiệp
Câu chuyện của Tập đoàn Phương Linh khá điển hình cho bức tranh phát triển của các doanh nghiệp công nghiệp thời gian qua.
Theo ông Cao Đại Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP INTECH Group (INTECH Group), Việt Nam đã có một giai đoạn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rất tích cực. Rất nhiều tập đoàn công nghiệp lớn của thế giới đã đầu tư vào Việt Nam. Nhưng những doanh nghiệp công nghiệp địa phương rất khó để tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI.
“Các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam có một thời gian dài độc hành, dò dẫm trong hành trình tìm chỗ đứng trên thị trường. Thiếu định hướng, thiếu cơ chế hỗ trợ khiến họ mãi chưa lớn lên được”, ông Thắng nói.
Theo TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, việc xây dựng một đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong lĩnh vực công nghiệp đủ mạnh sẽ góp phần quan trọng giúp Việt Nam tăng trưởng cao và bền vững trong giai đoạn tới. Quan trọng nhất là phải xây dựng một chiến lược công nghiệp hiện đại và bứt phá.
Doanh nghiệp công nghiệp vốn là “đầu tàu” dẫn dắt nhiều nền kinh tế trên thế giới. Họ cũng chính là động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ. Xây dựng nền công nghiệp mạnh cũng sẽ tạo ra những xung lực mới cho nền kinh tế hướng tới đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
Theo thống kê, tỷ lệ nội địa hóa ở một số ngành của Việt Nam hiện chỉ đạt khoảng 5 - 10%. Hiện có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 30%. Đây là những minh chứng cho thấy các chính sách công nghiệp vẫn chưa phát huy hiệu quả.
Cần các chính sách công nghiệp hiện đại, tự chủ
Việt Nam đã triển khai nhiều chiến lược, chính sách phát triển công nghiệp. Gần đây nhất là Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quy hoạch tổng thể phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành năm 2014.
Các chính sách đã bước đầu đem lại những kết quả đáng khích lệ. Hàm lượng công nghệ và giá trị xuất khẩu trong các sản phẩm công nghiệp tăng tương đối nhanh so với các nước ASEAN. Ngành công nghiệp chế biến - chế tạo hiện chiếm khoảng 24% GDP và ngày càng đóng vai trò chủ lực trong tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên theo các chuyên gia, sau hơn 10 năm triển khai Chiến lược, vẫn còn rất nhiều bất cập. Lấy thí dụ trong lĩnh vực chế biến - chế tạo vốn là lợi thế của kinh tế Việt Nam, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế chỉ ra điểm yếu là mức độ giá trị gia tăng còn chưa nhiều, nhất là trong nước, chủ yếu vẫn phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó, sự kết nối của doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp nhỏ trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp chế biến - chế tạo chưa được tốt.
“Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến - chế tạo của Việt Nam còn tương đối thấp. Và đặc biệt năng suất của lĩnh vực này còn thấp so với khu vực”, ông Lực nói.
Chính vì thế, chính sách công nghiệp cần được đổi mới theo hướng lấy doanh nghiệp tư nhân làm trung tâm, lấy công nghiệp làm nền tảng và đổi mới sáng tạo là động lực phát triển. Trọng tâm chính sách tới đây là tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, công nghệ, thị trường và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Ông cũng kiến nghị việc xây dựng chính sách công nghiệp theo hướng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Các chính sách mới cần có sự đánh giá một cách thận trọng, đánh giá tác động đa chiều đối với các đối tượng thụ hưởng và cũng cần phải có lộ trình phù hợp, tránh cú sốc cho nền kinh tế.
Ở góc nhìn khác, TS Nguyễn Quân cho rằng, Việt Nam phải có đội ngũ doanh nghiệp đủ mạnh. Do đó, ngay lúc này cần thiết kế nhiều hơn những cơ chế, chính sách liên quan đến vốn, lao động, khoa học - công nghệ và đặc biệt sự liên kết doanh nghiệp nhằm thúc đẩy cùng phát triển để đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại.
PGS, TS Nguyễn Trúc Lê, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn bởi xung đột địa chính trị, bảo hộ thương mại gia tăng, chuỗi cung ứng gián đoạn và rủi ro tài chính leo thang, để kinh tế Việt Nam có thể bứt phá với mức tăng trưởng hai con số, bên cạnh các chính sách ưu đãi truyền thống, cần có một góc nhìn mới: Tái định vị vai trò của chính sách công nghiệp. Đặc biệt, chính sách công nghiệp không chỉ đi sau để điều chỉnh, mà phải đi trước để mở đường, tạo động lực, tháo gỡ rào cản và hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn. Chính sách công nghiệp hiện đại cần mang tính kiến tạo, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững. Chúng ta cần chủ động thích ứng với các xu thế như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu.
Có lẽ, khi những nút thắt chính sách dần được tháo gỡ, khu vực tư nhân sẽ không còn phải đơn độc trên hành trình công nghiệp hóa. Sự bứt phá, nếu có, sẽ bắt đầu từ chính ý chí tự thân và cả những đòn bẩy chính sách đang từng ngày thành hình rõ nét.