Kết quả khảo sát của các cơ quan chức năng cho thấy: Hàm lượng chì trong môi trường đất, nước ngầm và nước mặt tại xã Chỉ Ðạo đều vượt tiêu chuẩn của Việt Nam. Kết quả xét nghiệm nồng độ chì trong máu cho 618 người, trong đó 283 người lớn và 335 trẻ em (tại làng nghề Ðông Mai) cũng cho thấy: Có đến 207 trẻ em (chiếm 65,3%) bị ngộ độc chì ở mức độ nhẹ.
Thời gian qua, UBND tỉnh Hưng Yên đã triển khai các giải pháp như: Bố trí đất xây dựng Cụm công nghiệp làng nghề xã Chỉ Ðạo ra khỏi khu dân cư, với tổng diện tích 21 ha; đầu tư công trình cấp nước sạch tập trung công suất 800 m3/ngày đêm, để cấp nước sạch cho 100% số hộ dân thôn Ðông Mai. Khảo sát, đo hàm lượng chì trong đất sân, vườn nhà của 536 hộ từng tái chế chì; khám, điều trị thải độc cho hơn 150 trẻ em tại thôn Ðông Mai có hàm lượng chì trong máu...
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá: Tình trạng nhiễm độc chì ở làng nghề Ðông Mai là hết sức trầm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người dân trong khu vực. Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị các bộ, ngành, UBND tỉnh Hưng Yên tiếp tục chỉ đạo sớm di dời 13 hộ gia đình còn đang làm nghề tái chế chì vào Cụm công nghiệp làng nghề để tránh phát tán chì ra môi trường; hướng dẫn các cơ sở sản xuất tái chế chì áp dụng công nghệ tiên tiến.
Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chuyển giao kỹ thuật về điều trị ngộ độc chì; khám sức khỏe và điều trị tại chỗ cho người dân trong khu vực làng nghề. Tổ chức điều tra xác định các yếu tố nguy cơ có khả năng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân tại các làng nghề, để có biện pháp phòng, chống và xử lý kịp thời.
Sáng cùng ngày, Ðoàn công tác của Bộ Y tế, do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long dẫn đầu đã có chuyến khảo sát và làm việc với UBND xã Chỉ Ðạo, UBND huyện Văn Lâm đánh giá tình trạng ô nhiễm tại làng nghề tái chế chì Ðông Mai. Nhân dịp này, Bộ Y tế đã trao gần một trăm suất quà tặng trẻ em ở làng nghề Ðông Mai.