Cần quyết liệt hơn nữa trong giải ngân vốn đầu tư công
Báo cáo tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, cơ quan của Quốc hội đã đề cập công tác giải ngân vốn đầu tư công chậm khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý I chưa đạt kế hoạch đề ra, gây áp lực lớn cho những quý còn lại của năm 2025.
Vì vậy, để bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế như mục tiêu đã đề ra, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn nữa công tác giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình, dự án trọng điểm quốc gia và các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xóa đói, giảm nghèo bền vững; đồng thời xử lý nghiêm trách nhiệm chủ đầu tư các dự án chậm giải ngân vốn đầu tư công, các dự án chậm tiến độ...
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công không chỉ góp phần bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, mà còn tạo điều kiện dẫn dắt, thúc đẩy kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân, nhất là nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…
Nguyễn Đình Nguyên (Tổ dân phố 7A, phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk)
Phân bổ ngân sách hợp lý, tránh ảnh hưởng hiệu quả đầu tư
Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, cử tri rất quan tâm tới báo cáo của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội. Báo cáo chỉ rõ, hiện nay, nguồn kinh phí chưa được phân bổ còn khá lớn, nhất là lĩnh vực khoa học, công nghệ.
Cử tri mong muốn thời gian tới, Trung ương sẽ phân bổ hợp lý, tránh gây áp lực giải ngân vào dịp cuối năm, ảnh hưởng hiệu quả của đầu tư. Sáng 5/5, toàn bộ ý kiến chính đáng của cử tri và nhân dân đã được Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày tại kỳ họp; qua đó phản ánh những tâm tư của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức bị tác động, ảnh hưởng do tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy...
Cử tri mong rằng Quốc hội sẽ có những quyết sách đột phá, tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát…, nhất là trong bối cảnh Hoa Kỳ áp thuế đối ứng với các quốc gia, trong đó có Việt Nam, và trong bối cảnh sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị hiện nay; đồng thời, góp phần giữ vững mục tiêu mức tăng trưởng 8% trong năm 2025 và đạt hai con số vào những năm tiếp theo.
Tiến sĩ Vũ Trung Kiên (Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị khu vực II)
Hoạt động giám sát cần bám sát thực tiễn đời sống nhân dân
Sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và tổ chức lại bộ máy chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp là một chủ trương lớn, có ý nghĩa sâu rộng về chính trị, kinh tế, hành chính. Đây là một quyết sách lớn, rất đúng đắn, giúp xây dựng, chọn lựa đội ngũ cán bộ mới có tâm, có tài và thật sự vì dân, gần dân, sát dân, sát thực tiễn.
Cử tri cho rằng hoạt động giám sát của Quốc hội cũng như các tổ chức chính trị-xã hội cần bám sát hơn nữa thực tiễn đời sống nhân dân. Trong đó cần chú trọng đến kết quả cuối cùng trong giám sát, gắn với các kiến nghị, đề xuất của nhân dân.
Cử tri mong muốn, kỳ vọng rằng hoạt động giám sát, phản biện xã hội trở thành một kênh quan trọng tham gia, đóng góp lớn vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận và các tổ chức thành viên.
Ông Hồ Công Trung (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng)
Cần có những bước chuyển động quyết liệt hơn
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV là kỳ họp được cán bộ, đảng viên và nhân dân mong chờ nhất trong những năm gần đây. Quốc hội sẽ cụ thể hóa các chủ trương, quyết sách quan trọng của Đảng, Nhà nước về cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, tạo đột phá để phát triển, phát huy mọi nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới cho các địa phương.
Điều quan trọng là trong thời gian triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy từ Trung ương đến địa phương, sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội không những không ảnh hưởng, mà vẫn đạt kết quả cao.
Tôi và nhiều cử tri rất mừng khi thấy số lượng nhà tạm, nhà dột nát giảm nhanh, trong khi các dự án trọng điểm xây dựng đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, sân bay, cảng biển, công trình hạ tầng giáo dục, y tế, xã hội tăng lên không ngừng.
Tuy nhiên, cũng còn không ít việc dù Trung ương đã quyết liệt, nhưng chuyển động ở dưới chưa thật sự rõ nét. Tại Hà Nội, hàng trăm dự án vẫn để hoang hóa hết năm này qua năm khác, gây lãng phí rất lớn. Dự án “Công viên công nghệ phần mềm Hà Nội” rộng hàng trăm nghìn mét vuông, cứ tưởng sẽ “đi tắt đón đầu” khi được triển khai cách đây đến 15 năm, nhưng đến nay vẫn quây tôn, rào kín. Đề nghị Quốc hội, bên cạnh những quyết sách lớn, sẽ phát huy chức năng giám sát tối cao để ngăn chặn lãng phí.
Nguyễn Tuấn Anh (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội)