Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân về công tác ứng phó với tình hình lũ lụt trên địa bàn xã Việt Thành, bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã cho biết, cơn bão số 3 đã để lại những hậu quả nặng nề trên địa bàn. Tuy nhiên, địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp để hạn chế tối đa thiệt hại.
Theo đó, các biện pháp chủ động phòng, chống lũ lụt đã được xây dựng và triển khai từ trước, bao gồm việc rà soát, bổ sung kế hoạch ứng phó với các tình huống mới như sạt lở đất.
Trước khi xảy ra cơn bão số 3, chính quyền địa phương đã chủ động rà soát, bổ sung kế hoạch ứng phó với các tình huống mới như sạt lở đất, ngoài ngập lụt. Việc này dựa trên việc quan sát, đánh giá những diễn biến bất thường về địa chất, thời tiết trong thời gian gần đây.

Thăm hỏi, hỗ trợ đồng bào tỉnh Yên Bái bị ảnh hưởng của bão số 3
Khi lũ bắt đầu dâng cao, chính quyền đã triển khai ngay các biện pháp di dời dân và tài sản lên các khu vực an toàn như trường học, nhà văn hóa. Việc này được thực hiện một cách quyết liệt, kịp thời với sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, lực lượng vũ trang và người dân.
Tuy nhiên, quá trình ứng phó cũng gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Quốc Tưởng, Bí thư Đảng ủy xã Việt Thành chia sẻ, việc bảo đảm an toàn cho cán bộ, huy động phương tiện, thiết bị, và cứu trợ kịp thời cho người dân là một thách thức lớn trong thiên tai. Thậm chí, một số cán bộ cũng phải đối mặt với tình cảnh gia đình bị ảnh hưởng nặng nề, bao gồm cả đồng chí Bí thư Đảng ủy xã.
Vượt lên tất cả, chính quyền địa phương đã ứng phó rất hiệu quả với tình hình lũ lụt, với những kết quả đáng ghi nhận khi không có thiệt hại về tính mạng của người dân.
“Đối với địa phương, chúng tôi cảm thấy may mắn hơn các địa phương khác bởi vì trong bão lũ xã đã không có thiệt hại về người. Kết quả này đều đến từ sự chủ động trong chuẩn bị và ứng phó với thiên tai”, Bí thư Nguyễn Quốc Tưởng chia sẻ.

Yên Bái: Họp khẩn trong đêm về công tác khắc phục hậu quả hoàn lưu cơn bão số 3
Bài học rút ra theo lãnh đạo xã Việt Thành đó là các yếu tố then chốt bao gồm sự quyết liệt, chủ động của cấp ủy và chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đặc biệt là việc huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực tại chỗ, cũng như tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của người dân.
Sau khi lũ rút, công tác khắc phục hậu quả được triển khai quyết liệt, bao gồm vệ sinh môi trường, phục hồi sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống. Các biện pháp này cũng đã được chuẩn bị từ trước và được triển khai một cách chủ động.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Tưởng cũng chia sẻ, vẫn còn một số khó khăn cần khắc phục, như việc phục hồi cảnh quan, môi trường, sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Chính quyền địa phương khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực, vận động sự hỗ trợ từ các cấp trên để giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.