2,2 tỷ người nghèo trên thế giới

NDĐT - Báo cáo của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố ngày 24-7 cho thấy, hơn 2,2 tỷ người, chiếm một phần ba dân số thế giới, đang sống ở mức nghèo khổ.

2,2 tỷ người nghèo trên thế giới

Trong bản nghiên cứu có tựa đề: “Duy trì tiến bộ con người: giảm bớt tổn thương và xây dựng khả năng phục hồi”, báo cáo đã đưa ra bức tranh tổng thể về những gian nan của cuộc chiến chống đói nghèo trên phạm vi quốc tế.

Theo cách tính diện nghèo dựa vào thu nhập từ trước tới nay, trên hành tinh hiện có 1,2 tỷ người sống với mức bằng hoặc dưới 1,25 USD/ngày. Tuy nhiên theo Chỉ số tính diện nghèo đa chiều của UNDP, trên thế giới có tới 1,5 tỷ người sống ở 91 nước đang phát triển được xếp là diện nghèo căn cứ vào tình trạng thiếu thốn và không được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục và không có các tiêu chuẩn sống tối thiểu.

Cho dù tỷ lệ người nghèo đang giảm theo xu thế chung trên thế giới, nhưng có tới 800 triệu người có thể trở lại mức nghèo do hoàn cảnh sống thay đổi hoặc gặp rủi ro. Rất nhiều người cũng chịu cảnh khó khăn do những tổn thương phát sinh trong cuộc sống.

UNDP đã chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đói nghèo. Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất là nạn thất nghiệp đi kèm với tình trạng tội phạm gia tăng, bạo lực, sử dụng ma túy và tự tử.

Dù tỷ lệ nghèo đói có chiều hướng giảm, UNDP cũng cảnh báo những sự bất bình đẳng đang gia tăng là nguyên nhân làm tăng tình trạng tổn thương. “Chống đói nghèo không chỉ là việc làm đơn thuần giảm tỷ lệ này xuống mức zero mà cần phải bảo vệ những người bị đe dọa bởi thảm họa thiên nhiên, biến đổi khí hậu hay các cuộc khủng hoảng tài chính. Cách duy nhất để bảo đảm sự tiến triển được duy trì bền vững là phải đưa mục tiêu giảm bớt tổn thương vào trong chương trình phát triển của chúng ta. Để bảo đảm trợ cấp xã hội tối thiểu cho những người nghèo nhất thế giới thì nền kinh tế thế giới cần có tốc độ tăng trưởng tối thiểu là 2%", báo cáo nêu rõ.

Báo cáo kết luận rằng phần lớn những vấn đề mà người nghèo gặp phải là kết quả của những cuộc cải cách chưa đầy đủ và các thiết chế hoạt động kém hiệu quả. Một dẫn chứng cho thấy những bất công bằng rõ rệt nhất là 85 người giàu nhất thế giới hiện nay đang sở hữu khối tài sản bằng tài sản của 3,5 tỷ người nghèo cộng lại.

Có thể bạn quan tâm

back to top