4 tháng đầu năm 2025, huy động trái phiếu chính phủ đạt hơn 150.000 tỷ đồng

NDO - Trong tháng 4, Kho bạc Nhà nước huy động thêm hơn 42.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2025 đạt hơn 150.000 tỷ đồng (đạt 30,6% kế hoạch năm).
0:00 / 0:00
0:00
Tính đến hết tháng 4/2025, tổng giá trị huy động trái phiếu Chính phủ đạt 152.867 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 4/2025, tổng giá trị huy động trái phiếu Chính phủ đạt 152.867 tỷ đồng.

Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trong tháng 4/2025 đã tổ chức 20 phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành, huy động thành công 42.427 tỷ đồng trên thị trường sơ cấp.

Các trái phiếu phát hành có kỳ hạn 5, 10, 15 và 30 năm.

Trong đó, kỳ hạn 10 năm và 5 năm chiếm ưu thế với tỷ trọng lần lượt 72,2% (tương ứng giá trị phát hành là 30.640 tỷ đồng) và 23,6% (tương ứng giá trị phát hành là 10.000 tỷ đồng).

Tại phiên đấu thầu cuối cùng trong tháng 4, lãi suất trúng thầu ghi nhận tăng ở một số kỳ hạn. Trong đó, kỳ hạn 5 năm ở mức 2,31% (tăng 16 điểm cơ bản); kỳ hạn 10 năm ở mức 3,05% (tăng 9 điểm); kỳ hạn 15 năm ở mức 3,10% (tăng 5 điểm). Kỳ hạn 30 năm ghi nhận lãi suất 3,28%.

Tính đến hết tháng 4/2025, tổng giá trị huy động trái phiếu Chính phủ đạt 152.867 tỷ đồng, hoàn thành 30,6% kế hoạch cả năm.

Riêng trong quý I/2025, Kho bạc Nhà nước đã phát hành 110.440 tỷ đồng trái phiếu, bằng 99,5% kế hoạch quý do Bộ Tài chính giao (111.000 tỷ đồng), đạt 22,1% kế hoạch năm 2025.

Năm 2025, Kho bạc Nhà nước được giao nhiệm vụ phát hành 500.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, đây là mức cao nhất từ trước tới nay, tăng 25% so với kế hoạch năm 2024.

Trên thị trường thứ cấp, tính đến ngày 29/4/2025, tổng giá trị niêm yết trái phiếu Chính phủ đạt 2.350.503 tỷ đồng. Giá trị giao dịch bình quân phiên trong tháng đạt 12.513 tỷ đồng, giảm 24,29% so với tháng trước.

Giao dịch của khối nhà đầu tư nước ngoài tăng so với tháng 3, chiếm 4,3% tổng giá trị giao dịch, tuy vậy vẫn ghi nhận bán ròng 522 tỷ đồng trong tháng.

Lợi suất giao dịch có sự phân hóa rõ rệt. Mức tăng nhiều nhất được ghi nhận ở kỳ hạn 15-20 năm (đạt bình quân hơn 3%) và 3-5 năm (đạt bình quân hơn 2,5%). Ngược lại, kỳ hạn 25-30 năm và 10-15 năm có mức giảm sâu, lần lượt ở mức bình quân gần 3,2% và hơn 3%.

Thống kê trong tháng 4 cho thấy, nhóm kỳ hạn trung và dài hạn tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường trái phiếu Chính phủ.

Dẫn đầu là kỳ hạn 10 năm (32,09%), tiếp đến là kỳ hạn 5 năm (12,43%) và nhóm kỳ hạn 10-15 năm (11,98%).