ACB ước đạt 4.600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý 1/2025

Ngày 23/4, Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) công bố kết quả kinh doanh ước tính quý 1/2025 với lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 4.600 tỷ đồng. Đáng chú ý chỉ số khả năng sinh lời (ROE) tiếp tục duy trì ở nhóm dẫn đầu ngành trong bối cảnh kinh tế chịu nhiều biến động.
0:00 / 0:00
0:00
Lợi nhuận trước thuế quý 1/2025 ACB ước đạt 4.600 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế quý 1/2025 ACB ước đạt 4.600 tỷ đồng.

Theo báo cáo, kết thúc quý 1/2025, lợi nhuận trước thuế của ACB đạt 4.600 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này giảm nhẹ 6% so cùng kỳ quý 1/2024, chủ yếu do ngân hàng chủ động thực hiện các chương trình ưu đãi lãi suất hỗ trợ khách hàng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, ACB vẫn duy trì tỷ lệ ROE ở mức cao trên 20% thuộc nhóm dẫn đầu ngành, thể hiện hiệu quả quản trị vốn và khả năng sinh lời bền vững trong nhiều năm liền.

Thông qua đẩy mạnh và tăng cường trải nghiệm khách hàng, tăng trưởng phí dịch vụ chủ lực cao hơn 17% so cùng kỳ, riêng hoạt động kinh doanh thẻ tăng trưởng 161%, đóng góp đáng kể vào nguồn thu nhập ngoài lãi của ACB.

Trong kỳ báo cáo, thu nhập ngoài lãi của ACB tăng 7,5% so cùng kỳ. Tỷ lệ thu nhập ngoài lãi trên tổng doanh thu tăng lên 20% từ mức 18% cùng kỳ, cho thấy sự đa dạng hóa nguồn thu nhập và giảm sự phụ thuộc vào thu nhập lãi.

Bên cạnh đó, ACB cũng ghi nhận sự tăng trưởng các nguồn thu từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, thu nhập từ hoạt động khác, đóng góp tích cực vào lợi nhuận chung.

Ngân hàng cũng chủ động kiểm soát các chi phí, tối ưu vận hành, theo đó, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) được kiểm soát tốt ở mức 34%, tạo điều kiện cơ sở để ngân hàng triển khai các ưu đãi lãi suất hỗ trợ khách hàng.

Đến cuối quý 1/2025, quy mô tín dụng của ACB đạt 590 nghìn tỷ đồng, tăng 3,1% so cùng kỳ năm trước. Song song đó, ACB đi theo chiến lược tăng trưởng tín dụng có chọn lọc, kiểm soát rủi ro, nhờ đó tỷ lệ nợ xấu có dấu hiệu chững lại và giảm nhẹ so cuối năm 2024, còn 1,48%.

Cũng trong quý 1/2025, tổng quy mô huy động vốn của ACB, bao gồm tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá, đạt 664 nghìn tỷ đồng, tăng 4% so năm trước. Việc tăng huy động vốn ổn định giúp ngân hàng duy trì nguồn vốn dồi dào, đáp ứng nhu cầu tín dụng và bảo đảm thanh khoản.

Mặc dù đối diện nhiều thách thức, ACB vẫn duy trì các chỉ số an toàn vốn ở mức cao: Tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) ở mức 79,8%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 18,8%, và tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất (CAR) trên 11%, vượt xa yêu cầu tối thiểu 8% theo tiêu chuẩn Basel II.

Những chỉ số này cho thấy ACB có nền tảng tài chính vững chắc, đủ sức ứng phó với các biến động thị trường và tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh.