Tổng thống Donald Trump cho biết, Mỹ đã đạt được một thỏa thuận thương mại “đầy đủ và toàn diện” với Anh. Theo đó, Mỹ hủy bỏ thuế đối với thép và nhôm xuất khẩu của Anh, đồng thời cấp hạn ngạch thuế quan 10% (giảm từ mức 27,5%) cho 100 nghìn ô-tô xuất khẩu của Anh sang Mỹ mỗi năm, chiếm tới 80% trong tổng số 120 nghìn xe của Anh xuất khẩu sang Mỹ hằng năm.
Đổi lại, chính phủ Anh hủy bỏ thuế đối với ethanol của Mỹ và đồng ý quyền tiếp cận thị trường có đi có lại đối với thịt bò, nông dân Anh được cấp hạn ngạch miễn thuế cho 13 nghìn tấn thịt bò.
Thỏa thuận không đề cập tới các nội dung gây tranh cãi như thuế dịch vụ số của Anh hoặc mở cửa thị trường chăm sóc sức khỏe cho các nhà cung cấp dịch vụ của Mỹ.

Anh trở thành quốc gia đầu tiên đạt thỏa thuận thuế quan với Mỹ
Thỏa thuận này được công bố sau nhiều nỗ lực và cách tiếp cận mềm mỏng của Thủ tướng Anh Keir Starmer khi Xứ sở Sương mù muốn ký một thỏa thuận với đối tác thương mại lớn nhất của họ, nhằm giảm bớt tác động của thuế quan đối với ngành công nghiệp ô-tô, thực phẩm, đồ uống và thép.
Tổng kim ngạch thương mại hằng năm của Anh với Mỹ đạt 314,6 tỷ bảng Anh (417,6 tỷ USD), trong đó 196 tỷ bảng Anh (260 tỷ USD) là giá trị hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ.
Tổng thống Trump cho đây là thỏa thuận đột phá và Thủ tướng Starmer cho rằng thỏa thuận sẽ bảo vệ doanh nghiệp Anh và hàng nghìn việc làm tay nghề cao tại nước này, đồng thời mang lại quyền tiếp cận chưa từng có cho nông dân Anh vào thị trường Mỹ mà không ảnh hưởng tới tiêu chuẩn cao về thực phẩm của Anh.
Thỏa thuận này cũng rất quan trọng với ngành dược phẩm của Anh khi bao gồm các biện pháp quan trọng cho ngành này với những ưu đãi đáng kể.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, những lợi ích thực chất của thỏa thuận vẫn hạn chế, dù hai bên đã đàm phán thương mại liên tục trong gần 10 năm. Những lĩnh vực đàm phán trong thỏa thuận còn hạn hẹp và về cơ bản, hai nước đã giữ nguyên hiện trạng, chỉ thực hiện những thay đổi nhỏ.
Đáng chú ý, dù là đồng minh quan trọng và có thương mại hàng hóa cân bằng với Mỹ, song Anh vẫn không giành được bất kỳ nhượng bộ nào từ Nhà Trắng khi mức thuế nhập khẩu 10% mà Tổng thống Trump công bố vào tháng trước vẫn được giữ nguyên đối với hầu hết hàng hóa của Anh.
Mặc dù được coi là bước tiến giúp giảm nhẹ thiệt hại từ cuộc chiến thuế quan, nhưng trên thực tế, hàng hóa từ Anh vẫn chịu mức thuế quan cao hơn so với trước “Ngày giải phóng 2/4” - ngày Tổng thống Mỹ công bố các mức thuế đối ứng.
Theo thỏa thuận, Mỹ giảm thuế quan đối với Anh xuống 9,1% từ mức 11,6%, vẫn cao hơn nhiều so với mức khoảng 1% trước “Ngày giải phóng”. Thỏa thuận thương mại với Mỹ hỗ trợ đáng kể cho ngành ô-tô và dược phẩm của Anh, nhưng được đánh giá có thể không thay đổi nhiều đối với đà tăng trưởng kinh tế của Xứ sương mù.
Các ngành công nghiệp trọng tâm trong thỏa thuận chỉ chiếm khoảng một phần ba kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Anh sang Mỹ và tương đương chưa đến 1% GDP nước này.
Theo các quan chức Anh, thỏa thuận thương mại với Mỹ tuy không đạt được mục tiêu trở thành một hiệp định thương mại tự do toàn diện hậu Brexit như kỳ vọng, song sẽ mở cánh cửa cho các cuộc đàm phán tiếp theo, gồm khả năng giảm mức thuế quan 10% đối với một số mặt hàng xuất khẩu cụ thể của Anh. Thỏa thuận có thể giúp củng cố nền kinh tế thông qua việc giảm bớt một số bất ổn được cho là tác nhân làm giảm niềm tin kinh doanh và tiêu dùng.