UBND tỉnh Bắc Giang ban hành quy định về chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên môn khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống hoặc trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Việc thực hiện phân cấp phân quyền được thực hiện nghiêm túc, đi đôi với giám sát quyền lực bằng các quy định, quy chế, bảo đảm dân chủ, công khai minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình trong các cơ quan đơn vị trong tổ chức sáp nhập, tinh gọn bộ máy.
Cụ thể sau khi kiện toàn, sáp nhập, tỉnh giảm tổ chức bộ máy tổ chức đảng, cơ quan đơn vị, Bắc Giang đã giảm 18 phòng, ban chuyên môn ở các cơ quan đơn vị khối Đảng và Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội; giảm 25 phòng và tương đương ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND, HĐND cấp tỉnh, giảm 22 đơn vị sự nghiệp thuộc cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh, giảm 117 đơn vị sự nghiệp thuộc UBND cấp huyện. Số lượng cấp phó các cơ quan, đơn vị được bố trí, sắp xếp theo đúng quy định.
Điển hình tại khối chính quyền tỉnh Bắc Giang đã tổ chức hợp nhất 12 cơ quan thành 6 cơ quan. Cụ thể, hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính thành Sở Tài chính; hợp nhất Sở Xây dựng và Sở Giao thông - vận tải thành Sở Xây dựng; hợp nhất Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành Sở Nông nghiệp và Môi trường; hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ thành Sở Khoa học và Công nghệ; hợp nhất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ thành Sở Nội vụ; hợp nhất Sở Ngoại vụ và Văn phòng UBND tỉnh thành Văn phòng UBND tỉnh. Đồng thời thành lập Sở Dân tộc và Tôn giáo trên cơ sở Ban Dân tộc tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo từ Sở Nội vụ.
Các cơ quan sau sáp nhập sắp xếp, điều chuyển chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chuyên môn như Sở Y tế tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em và phòng, chống tệ nạn xã hội; Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp…
Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Mạnh Hùng cho biết, để thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Bắc Giang tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang kịp thời sửa đổi, bổ sung ban hành các quy định bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, quy định về tiêu chuẩn chức danh cán bộ; tăng cường vai trò của cơ quan tham mưu về công tác cán bộ, phân định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc tham mưu, đề xuất về công tác cán bộ. Công tác bổ nhiệm cán bộ được thực hiện nghiêm túc, dân chủ; các khâu, các bước theo quy trình được thực hiện đầy đủ, thủ tục chặt chẽ bảo đảm khách quan, dân chủ công khai, minh bạch đúng người, đúng việc. Trong đó tăng cường vai trò trách nhiệm của Ủy ban kiểm tra các cấp, đơn vị liên quan trong việc lựa chọn nhân sự. Các đơn vị thực hiện xây dựng sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản cụ thể hóa thành các quy định về công tác cán bộ theo phân cấp quản lý. Đồng thời Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên chỉ đạo việc rà soát, đánh giá thực trạng biên chế, vị trí việc làm, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức của cả hệ thống chính trị; chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch tuyển dụng công chức, quá trình tuyển dụng được thực hiện chặt chẽ, công khai, dân chủ, bảo đảm đúng điều kiện, tiêu chuẩn, vị trí việc làm, có cạnh tranh, đúng quy định của pháp luật. Đồng thời căn cứ vào các quyết định tạm thời và danh mục vị trí việc làm, bản mô tả vị trí việc làm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành quyết định phê duyệt tạm thời danh mục vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, viên chức để thực hiện. Đối với các cơ quan đơn vị khối nhà nước đã xây dựng đề án vị trí việc làm, trên cơ sở đó căn cứ vào biên chế được giao các đơn vị thực hiện phân công, bố trí cán bộ theo vị trí việc làm bảo đảm phù hợp, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
![]() |
Lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang trao quyết định thành lập các chi bộ Đảng sau khi sáp nhập với Sở Giao Thông Vận tải. Ảnh Minh Linh |
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Nguyễn Văn Gấu cho biết việc thành lập các đảng bộ, cơ quan, tổ chức mới là dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự chuyển giao vai trò, sứ mệnh sang mô hình, tổ chức mới trong Đảng và hệ thống chính trị. Để bộ máy mới nhanh chóng đi vào hoạt động hiệu quả các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp nhận nhiệm vụ mới bắt tay ngay vào công việc. Các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy và những ban Đảng được hợp nhất, được tăng thêm chức năng, nhiệm vụ, phải bảo đảm kế thừa tốt nhiệm vụ của các tổ chức đảng đã kết thúc hoạt động, không để gián đoạn, ngừng trệ, bỏ sót công việc; không để xảy ra khoảng trống, không làm gián đoạn hoạt động của hệ thống chính trị và đời sống xã hội.
Cùng đó, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tiếp tục đẩy mạnh, làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, kịp thời động viên cán bộ, đảng viên phát huy truyền thống của cơ quan, đơn vị, tinh thần trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ được giao; quan tâm chỉ đạo thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chịu tác động từ quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy. Bám sát quy định, quy chế mẫu của Trung ương; tham mưu xây dựng, ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác cũng như quy chế làm việc của cơ quan, tổ chức mình, bảo đảm bộ máy vận hành hiệu quả, thông suốt.
Các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung khẩn trương hoàn thành các thủ tục pháp lý để các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị mới thành lập có đủ tư cách pháp nhân hoạt động, giao dịch. Tiến hành sắp xếp trụ sở, bố trí cơ sở vật chất, chỗ làm việc, khắc và công bố mẫu dấu mới để đi vào hoạt động theo quy định. Các đồng chí cán bộ được chỉ định, phân công, điều động và bổ nhiệm giữ các chức vụ mới tập trung nắm bắt công việc; tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể của cơ quan, đơn vị; xây dựng kế hoạch, chương trình công tác và bắt tay ngay vào thực hiện nhiệm vụ.
Việc sắp xếp, hợp nhất các cơ quan cấp tỉnh tại Bắc Giang đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tạo tiền đề vững chắc cho các bước sắp xếp tổ chức bộ máy tiếp theo. Sự tinh gọn, hiệu quả của mô hình mới không chỉ giảm thiểu chồng chéo, trùng lặp trong chức năng, nhiệm vụ mà còn nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và hiệu lực quản lý nhà nước. Đây là cơ sở quan trọng để Bắc Giang tiếp tục triển khai sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, hướng tới xóa bỏ cấp huyện và tiến tới hợp nhất hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang thành tỉnh Bắc Ninh mới.
Quá trình sắp xếp cấp xã sẽ được thực hiện dựa trên các bài học kinh nghiệm từ cấp tỉnh, tập trung vào việc kiện toàn tổ chức, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, đồng thời bảo đảm sự kế thừa và không làm gián đoạn hoạt động của hệ thống chính trị. Việc xóa bỏ cấp huyện nhằm tối ưu hóa nguồn lực, giảm chi phí quản lý, đồng thời tăng cường sự kết nối liên vùng, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Đặc biệt, kế hoạch hợp nhất Bắc Ninh và Bắc Giang thành tỉnh Bắc Ninh mới được kỳ vọng sẽ tạo ra một thực thể hành chính mạnh mẽ, có tiềm lực kinh tế, văn hóa và xã hội vượt trội, góp phần thúc đẩy sự phát triển của khu vực phía bắc.
Để bảo đảm thành công, Bắc Giang sẽ tiếp tục bám sát các quy định của Trung ương, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giải quyết tốt các vấn đề nhân sự dôi dư và bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ. Đồng thời, việc xây dựng các quy chế, quy định mới sẽ được thực hiện khẩn trương, đồng bộ, bảo đảm tính pháp lý và sự vận hành thông suốt của bộ máy. Những kết quả đạt được từ quá trình này không chỉ là bước tiến quan trọng trong cải cách hành chính mà còn là nền tảng để tỉnh Bắc Ninh mới phát huy tiềm năng, vươn lên trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước.