Bắc Ninh hỗ trợ phát triển nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường

Tỉnh Bắc Ninh luôn xác định nông nghiệp là ngành giữ vai trò then chốt trong bảo đảm an sinh xã hội, tạo nền tảng cho các ngành kinh tế khác phát triển, từ đó cùng các chính sách hỗ trợ của trung ương, tỉnh đã ban hành, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ mới trong sản xuất, nhất là triển khai các tiến bộ kỹ thuật về giống, quy trình sản xuất an toàn, công nghệ nhà lưới, nhà kính; tăng giá trị hàng hóa trong sản xuất nông nghiệp gắn liền bảo vệ môi trường. Từ đó nền nông nghiệp có những chuyển biến tích cực; giá trị trồng trọt trên 1ha canh tác đạt xấp xỉ 100 triệu đồng; cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi - thủy sản, giảm dần tỷ trọng trồng trọt.

Nhằm bảo đảm hài hòa giữa lợi ích kinh tế với bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh triển khai nhiều biện pháp như: Thực hiện tốt công tác vệ sinh đồng ruộng sau thu hoạch; sử dụng chế phẩm sinh học xử lý thành phân bón cho cây trồng; tăng cường chỉ đạo, đề xuất chính sách hỗ trợ xây dựng bể bi-ô-ga, nhất là tại các vùng chăn nuôi tập trung, để xử lý chất thải từ chăn nuôi; toàn tỉnh đã xây dựng hơn 22.200 bể bi-ô-ga, giúp xử lý triệt để khoảng 95% chất thải rắn phát sinh từ chăn nuôi. Khoảng 80% chất thải rắn phát sinh từ chăn nuôi gia cầm được sử dụng chế phẩm sinh học làm phân bón; tập huấn sản xuất an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng thuốc, hóa chất và phân bón để giảm chất thải phát sinh trong sản xuất nông nghiệp…

Hiện nay tỉnh tiếp tục chỉ đạo, khuyến khích và thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu, chuyển giao khoa học về môi trường. Các địa phương đẩy nhanh tiến độ chương trình xây dựng nông thôn mới để hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đồng ruộng, đẩy mạnh xử lý phụ phẩm nông nghiệp theo hướng tái sử dụng; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý và ý thức của người dân; tăng cường kiểm tra, xử lý, đình chỉ sản xuất các mô hình gây ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh các biện pháp xử lý ô nhiễm, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

* Quảng Nam triển khai nhiều giải pháp thu hút đầu tư

Triển khai, thực hiện chủ trương của tỉnh Quảng Nam, hai năm qua việc cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn đi vào thực chất. Theo đó, mọi thủ tục được thực hiện theo cơ chế “một cửa liên thông”, bảo đảm rút ngắn nhất thời gian giải quyết thủ tục đầu tư kinh doanh; môi trường đầu tư được cải thiện với những chính sách theo hướng minh bạch hóa, bình đẳng, gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư, tạo sự hanh thông, thuận lợi cho các nhà đầu tư vào địa bàn tỉnh.

Năm 2017, tỉnh Quảng Nam tạo sự đột biến với 1.260 doanh nghiệp mới đăng ký và thu hút đầu tư được 87 dự án. Hai tháng đầu năm 2018, tỉnh có 245 doanh nghiệp mới đăng ký với tổng vốn đăng ký 981 tỷ đồng. Số lượng dự án mới được cấp phép FDI tăng bốn dự án với tổng vốn đăng ký 12,4 triệu USD (tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2017) và 8 dự án đầu tư nội địa với tổng vốn đăng ký 726,6 tỷ đồng (tăng 74% so với cùng kỳ năm 2017). Số đơn vị thành lập mới đã nâng số doanh nghiệp toàn tỉnh đang hoạt động lên 6.282, thúc đẩy 147 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 5,57 tỷ USD và 388 dự án đầu tư nội địa với tổng vốn đăng ký khoảng 101.034 tỷ đồng.

Năm 2018, tỉnh Quảng Nam tập trung tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch phục vụ mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh. Tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, thúc đẩy sáng kiến đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương và mở nhiều hội nghị với doanh nghiệp, thu nhận ý kiến để kiện toàn cải cách hoàn hảo hơn, tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Có thể bạn quan tâm

back to top