Lựa chọn cho tương lai

Bài 1: Đằng sau những con số tăng trưởng

Sau hơn 30 năm kể từ khi khu chế xuất đầu tiên được thành lập, Việt Nam đã có hàng trăm khu công nghiệp (KCN) quy mô lớn ra đời, thu hút hàng triệu lao động, đóng góp lớn cho giá trị sản xuất công nghiệp quốc gia. Tuy nhiên, do đề cao tăng trưởng, nhiều doanh nghiệp thiếu sự chuẩn bị tương xứng cho môi trường.
0:00 / 0:00
0:00
Tốc độ phát triển của các khu công nghiệp chưa đồng bộ với tốc độ đầu tư vào hệ thống xử lý môi trường. (Trong ảnh khu công nghiệp Biên Hòa 1). (Ảnh: THIÊN VƯƠNG)
Tốc độ phát triển của các khu công nghiệp chưa đồng bộ với tốc độ đầu tư vào hệ thống xử lý môi trường. (Trong ảnh khu công nghiệp Biên Hòa 1). (Ảnh: THIÊN VƯƠNG)

Khu công nghiệp mở rộng, môi trường thu hẹp

Việc phát triển khu công nghiệp ở các địa phương luôn là niềm tự hào, cột mốc của phát triển hiện đại. Những năm qua, Bắc Giang “nổi lên” trên bản đồ công nghiệp quốc gia với hàng loạt khu công nghiệp được quy hoạch và đi vào hoạt động.

Đến nay, tỉnh có 12 khu công nghiệp được chấp thuận chủ trương đầu tư, 8 khu công nghiệp đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy gần 60%. Tuy nhiên, đi kèm theo đó là khối lượng nước thải, chất thải xả ra mỗi ngày lớn dần lên sẽ là áp lực “khổng lồ” lên hạ tầng xử lý tập trung.

Đáng lo ngại, tốc độ phát triển của các khu công nghiệp chưa đồng bộ với tốc độ đầu tư vào hệ thống xử lý môi trường. Hệ thống xử lý môi trường hiện nay có vẻ đầy đủ trên giấy tờ, gồm trạm xử lý nước thải, hệ thống quan trắc tự động, báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM)... nhưng thực tế lại khác.

Nhiều ĐTM được lập cho có, hoặc không phản ánh đúng hiện trạng và được cập nhật thường xuyên. Nhiều ĐTM được lập từ khi doanh nghiệp còn ở giai đoạn đầu. Đến nay, quy mô mở rộng gấp 2-3 lần, nhưng không có hồ sơ điều chỉnh.

Mới đây, Công ty trách nhiệm hữu hạn Risesun New Material Việt Nam đang hoạt động tại khu công nghiệp Hòa Phú đã bị Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang xử phạt 390 triệu đồng. Nguyên nhân là dự án được phê duyệt ĐTM và đi vào hoạt động từ tháng 1/2022; nhưng tới năm 2023, công ty đã xây dựng bổ sung nhà xưởng nhưng không có trong báo cáo đánh giá tác động đã được phê duyệt.

Những vụ việc này không còn là sự việc đơn lẻ mà là cách thức của một mô hình công nghiệp thiên lệch. Ở đó, môi trường bị hy sinh, cộng đồng trở thành “người phía ngoài” của chính sách phát triển. Sự phát triển công nghiệp mang lại thu nhập, tạo công ăn việc làm, thì bên cạnh đó, người dân phải âm thầm gánh chịu ô nhiễm môi trường.

Ở tỉnh Đồng Nai, khu công nghiệp Biên Hòa 1, sau nhiều thập kỷ phát triển nhưng với hạ tầng lỗi thời và hệ thống xử lý ô nhiễm không đồng bộ. Các kết quả quan trắc cho thấy, chất lượng nước mặt ở mức trung bình do ô nhiễm hữu cơ và vi sinh; tần suất phát hiện ô nhiễm khá cao. Chất lượng không khí, thông số bụi có kích thước nhỏ đều vượt quy chuẩn; thông số chì vượt quy chuẩn cho phép từ 1,01-2,45 lần.

Sau những lo ngại về ô nhiễm môi trường tại khu công nghiệp Biên Hòa 1, tỉnh Đồng Nai đã quyết định chuyển đổi công năng khu vực này. Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa khu công nghiệp Biên Hòa 1 khỏi quy hoạch; tuy nhiên, hoạt động sản xuất ở khu vực này vẫn đang tồn tại...

Một điểm đáng chú ý khác là sự gia tăng của chất thải rắn và chất thải nguy hại. Tại khu công nghiệp Quang Châu, tỉnh Bắc Giang, lượng chất thải nguy hại phát sinh trong năm 2024 lên tới hơn 22.000 tấn, chất thải rắn hơn 37.000 tấn - cao nhất toàn tỉnh. Tuy nhiên, phần lớn các khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Giang đều không bố trí bãi tập kết.

Do vậy, các doanh nghiệp có phát sinh đều phải hợp đồng với đơn vị xử lý, dẫn đến tình trạng “khoán trắng”, tức là chỉ cần có giấy tờ đầu ra hợp lệ, còn rác đi đâu, xử lý thế nào là do đơn vị xử lý. Không dừng ở đó, các doanh nghiệp có thể thu được lợi nhuận hàng chục tỷ đồng, nhưng chi phí xử lý môi trường thì lại bị xem như “gánh nặng” do chi phí đầu tư quá lớn, mà quên rằng bảo vệ môi trường là điều kiện bắt buộc.

Khó khăn trong chuyển đổi khu công nghiệp

Khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực, nhiều kỳ vọng đã được đặt ra về việc xây dựng mô hình khu công nghiệp (khu công nghiệp) xanh, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, thu hút đầu tư xanh. Nhưng thực tế cho thấy, không ít doanh nghiệp, chính quyền địa phương vẫn đang gặp phải khó khăn giữa những thủ tục hiện hành.

Một trong những vướng mắc đầu tiên là sự bất cập trong phân cấp thẩm quyền về môi trường. Theo Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế được phân cấp, ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ về môi trường. Tuy nhiên, lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, việc phân cấp, ủy quyền này đang vướng mắc với các quy định tại Luật Bảo vệ Môi trường 2020 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015.

Theo đó, ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế không được ủy quyền tổ chức thẩm định, kiểm tra môi trường đối với các dự án trong khu công nghiệp. Mặt khác, Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng quy định Ủy ban nhân dân cấp trên chỉ có thể ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp dưới hoặc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp, không bao gồm cơ quan hành chính khác là ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế.

Việc thiếu cơ sở pháp lý rõ ràng dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện cơ chế “một cửa” tại ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế. Các doanh nghiệp tùy theo tính chất, quy mô sản xuất kinh doanh của mình phải thực hiện thủ tục về môi trường tại các cơ quan khác nhau, gây khó khăn, mất nhiều thời gian cho các nhà đầu tư muốn triển khai dự án trong khu công nghiệp.

Ông Vũ Văn Tưởng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bắc Giang cho biết, tại Khoản 3 Điều 31 quy định Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có nêu “Mỗi dự án đầu tư lập một báo cáo đánh giá tác động môi trường” cũng gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện các thủ tục về môi trường đối với một số khu công nghiệp.

Trên thực tế, một số khu công nghiệp thực hiện theo phân kỳ giai đoạn, chấp thuận chủ trương của Chính phủ nên được cấp nhiều giấy đăng ký đầu tư. Tuy nhiên, hạ tầng kỹ thuật, trạm xử lý nước thải vẫn đầu tư chung cho các giai đoạn, nhưng trong quá trình lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) không được xem xét hồ sơ do không phù hợp với quy định. Việc phân cấp ủy quyền cho địa phương trong thẩm định, cấp phép còn hạn chế, nhiều dự án thuộc thẩm quyền cấp phép đầu tư của tỉnh nhưng lại do cấp bộ thẩm định, cấp phép môi trường.

Khu công nghiệp sinh thái là khái niệm đã được nêu trong văn bản pháp luật, nhưng đến nay chưa có chế tài bắt buộc. Điều này khiến các địa phương không có cơ sở để yêu cầu chủ đầu tư tuân thủ, còn doanh nghiệp thì không biết phải chuyển đổi theo chuẩn nào, làm đến đâu là đủ, và làm sẽ được hỗ trợ như thế nào. Trên thực tế hiện vẫn thiếu hầu hết các công cụ tài chính hỗ trợ, khiến các khu công nghiệp và doanh nghiệp bên trong, dù có nhu cầu, không thể tiếp cận nguồn lực phù hợp để chuyển đổi mô hình sản xuất.

Trước hết, đó là chưa có một cơ chế tín dụng xanh thật sự dành riêng cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Không có quy trình hướng dẫn cụ thể, không có tổ chức tài chính trung gian chuyên biệt, cũng không có hệ thống đánh giá rủi ro môi trường để xác định mức vay phù hợp.

Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn chiếm đa số trong các khu công nghiệp, lại thiếu năng lực tài chính, không đủ điều kiện thế chấp và chưa sẵn sàng chi trả chi phí lập hồ sơ kỹ thuật để tiếp cận vốn vay xanh. Ngay cả các chủ đầu tư hạ tầng muốn đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nước thải hay lắp đặt năng lượng mặt trời, cũng phải tìm vốn vay thương mại với lãi suất cao.

Một điểm nghẽn nữa, đó là thiếu liên kết cộng sinh. Phần lớn khu công nghiệp hiện nay phát triển không theo quy hoạch cụm ngành hoặc theo chuỗi giá trị. Thực tế cho thấy, một doanh nghiệp thải ra vật liệu nhưng chính doanh nghiệp khác có thể tái sử dụng lại không biết hoặc không có hạ tầng để kết nối. Mặt khác, việc vận hành hệ thống xử lý tuần hoàn, phân tích dữ liệu quan trắc, quản lý tín chỉ carbon... đều đòi hỏi kỹ năng mới.

Trong khi đó, đội ngũ cán bộ môi trường tại các Ban quản lý khu công nghiệp còn rất mỏng, có nơi chỉ 1 người phụ trách cho cả chục khu công nghiệp; còn tại các doanh nghiệp và khu công nghiệp thì thường là những cán bộ kiêm nhiệm ở bộ phận hành chính... Tình trạng này cho thấy môi trường vẫn chưa trở thành ưu tiên thực chất trong nhiều cấp quản lý.

(Còn nữa)