Gỡ điểm nghẽn thể chế giúp doanh nghiệp chuyển đổi năng lượng xanh trong khu công nghiệp

NDO - Ngày 15/5, tại Hà Nội, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Viện nghiên cứu ứng dụng năng lượng thông minh tổ chức diễn đàn “Thúc đẩy năng lượng xanh trong khu công nghiệp: Giải pháp cho doanh nghiệp triển khai hiệu quả”.
0:00 / 0:00
0:00
Diễn đàn “Thúc đẩy năng lượng xanh trong khu công nghiệp: Giải pháp cho doanh nghiệp triển khai hiệu quả”.
Diễn đàn “Thúc đẩy năng lượng xanh trong khu công nghiệp: Giải pháp cho doanh nghiệp triển khai hiệu quả”.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh: “Việt Nam tái khẳng định cam kết trung hòa carbon vào năm 2050, điều này không chỉ là tuyên bố chính trị mà đã được cụ thể hóa bằng nhiều chính sách pháp lý đột phá”.

Đáng chú ý, trong tháng 3/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2025/NĐ-CP về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) và Nghị định số 58/2025/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Điện lực về phát triển điện năng lượng mới - hai nền tảng quan trọng thúc đẩy điện mặt trời mái nhà trong các khu công nghiệp.

Gỡ điểm nghẽn thể chế giúp doanh nghiệp chuyển đổi năng lượng xanh trong khu công nghiệp ảnh 1

Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng.

Tuy nhiên, việc triển khai thực tế tại cơ sở hiện còn nhiều vướng mắc về thể chế, hướng dẫn cụ thể và khó khăn đầu tư khiến nhiều doanh nghiệp “loay hoay” chưa thể thực hiện chuyển đổi.

“Doanh nghiệp trong khu công nghiệp hiện chưa thể mạnh dạn đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà do thiếu quy trình rõ ràng, chưa có hướng dẫn cụ thể từ các bộ, ngành. Việc sử dụng năng lượng tái tạo vẫn còn ở mức thấp, trong khi áp lực cắt giảm chi phí điện và đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu ngày càng lớn”, ông Hoàng Quang Phòng nêu rõ.

Cũng tại diễn đàn, đại diện nhiều khu công nghiệp chia sẻ thực trạng phần lớn các nhà máy đã được xây dựng từ lâu, muốn đầu tư hệ thống năng lượng mới phải cải tạo, nâng cấp để đáp ứng các quy định về phòng cháy chữa cháy, môi trường, xây dựng, gây phát sinh chi phí lớn. Thêm vào đó, quy định hiện hành chỉ cho phép bán điện dư thừa không quá 10% sản lượng điện thực phát, làm giảm động lực đầu tư dài hạn.

Gỡ điểm nghẽn thể chế giúp doanh nghiệp chuyển đổi năng lượng xanh trong khu công nghiệp ảnh 2

Đại diện các cơ quan chủ trì diễn đàn.

Ông Vũ Quốc Nghị - Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên nêu ví dụ: “Chính sách ưu đãi hiện chỉ tập trung vào miễn giảm tiền thuê đất, trong khi các doanh nghiệp trong khu công nghiệp không trực tiếp thuê đất từ nhà nước mà thông qua chủ đầu tư hạ tầng. Điều này khiến các dự án điện mặt trời mái nhà thiếu hấp dẫn, không có ưu đãi cụ thể về tín dụng hay khấu trừ chi phí đầu tư”.

Đáng lo ngại hơn, nhiều doanh nghiệp đang xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ sẽ phải đối mặt với các rào cản kỹ thuật về môi trường ngày càng siết chặt.

Cụ thể, từ ngày 1/1/2026, cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới (CBAM) của EU chính thức có hiệu lực. Điều này buộc các sản phẩm phát thải cao như thép, xi-măng, nhôm… nếu không giảm khí thải, sẽ phải mua chứng chỉ CBAM tương ứng khi xuất khẩu - làm tăng chi phí và giảm cạnh tranh.

“Trong bối cảnh toàn cầu hóa xanh, chuyển đổi năng lượng không còn là lựa chọn mà là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp giữ được thị trường, bảo vệ thương hiệu và ổn định sản xuất”, đại diện Ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh phát biểu.

Gỡ điểm nghẽn thể chế giúp doanh nghiệp chuyển đổi năng lượng xanh trong khu công nghiệp ảnh 3

Diễn đàn “Thúc đẩy năng lượng xanh trong khu công nghiệp: Giải pháp cho doanh nghiệp triển khai hiệu quả”.

Các chuyên gia từ Viện nghiên cứu ứng dụng năng lượng thông minh cũng khuyến nghị, cần thiết lập bộ tiêu chuẩn kỹ thuật thống nhất, hướng dẫn chi tiết để doanh nghiệp có thể triển khai điện mặt trời mái nhà mà không bị rơi vào tình trạng “vướng từng khâu nhỏ”. Đồng thời, cần có quỹ bảo lãnh đầu tư xanh, hỗ trợ tiếp cận tín dụng ưu đãi, nhất là cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khu công nghiệp - vốn là lực lượng đông đảo nhưng tiềm lực hạn chế.

Về dài hạn, theo ông Hoàng Quang Phòng, phát triển năng lượng tái tạo không chỉ giúp doanh nghiệp tự chủ nguồn điện, ổn định giá thành, mà còn là chiến lược thiết yếu để Việt Nam bảo đảm an ninh năng lượng, giảm phụ thuộc vào nguồn điện hóa thạch, nhất là trong giai đoạn 2025-2030 khi mục tiêu tăng trưởng GDP lên đến 8-10%/năm.

“Chúng tôi kỳ vọng, những kiến nghị, đề xuất tại diễn đàn hôm nay sẽ được tổng hợp để trình lên Chính phủ, Bộ Công thương, tạo thành bộ hướng dẫn triển khai cụ thể, từ đó tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông hành lang pháp lý cho doanh nghiệp chuyển đổi”, ông Phòng nhấn mạnh.

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong lộ trình xanh hóa, đặc biệt qua các sáng kiến như Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) - một công cụ đánh giá hiệu quả quản trị môi trường cấp địa phương, nhằm thúc đẩy minh bạch chuỗi cung ứng và hội nhập quốc tế bền vững.