Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng (Tiếp theo kỳ trước) (★)

Bài 2: Nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ huy, chỉ đạo, điều hành

Chuyển đổi số trong Bộ Quốc phòng diễn ra trên nhiều lĩnh vực, từ chỉ huy, quản lý điều hành, hành chính quân sự đến huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và đích hướng tới tự động hóa chỉ huy, xây dựng quân đội hiện đại. Đây là động lực quan trọng từng bước tạo sự thay đổi cơ bản về công cụ, phương pháp chỉ huy, quản lý, điều hành, tác chiến trong các cơ quan, đơn vị toàn quân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong tình hình mới.
Cán bộ Ban Công nghệ thông tin Quân khu 7 hướng dẫn cán bộ, nhân viên Cục Chính trị Quân khu sử dụng phần mềm hệ thông tin chỉ đạo, điều hành.
Cán bộ Ban Công nghệ thông tin Quân khu 7 hướng dẫn cán bộ, nhân viên Cục Chính trị Quân khu sử dụng phần mềm hệ thông tin chỉ đạo, điều hành.

Chuyển đổi toàn diện, ưu tiên thứ tự các nhiệm vụ

Nói về “cái được” của việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong Tổng cục Hậu cần thời gian qua, Thượng tá Phạm Anh Tùng, Trưởng Ban Công nghệ thông tin-Tổng cục Hậu cần cho biết: Thời gian qua, Tổng cục Hậu cần đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các phần mềm dùng chung phục vụ tốt nhiệm vụ công tác chuyên môn. Bước đầu, cán bộ, nhân viên đã hình thành phong cách làm việc trên môi trường mạng.

Sự chuyển biến thể hiện từ những sinh hoạt thường nhật. Trước đây, bếp ăn Sở chỉ huy Tổng cục Hậu cần quản lý bữa ăn của cán bộ, nhân viên bằng phiếu, do vậy thường xuyên xảy ra hiện tượng thừa cơm do cán bộ, nhân viên quên cắt cơm trước 8 giờ sáng, gây lãng phí. Từ khi áp dụng phiếu ăn điện tử trên điện thoại thông minh, việc báo, cắt cơm diễn ra thuận lợi, tiết kiệm được thực phẩm, thanh toán tiền ăn nhanh chóng, chính xác.

Để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Quốc phòng đã chỉ đạo thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập Đề án chuyển đổi số trong Bộ Quốc phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tại phiên họp đầu tiên của Ban soạn thảo diễn ra vào tháng 8 vừa qua, Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Quốc phòng, Trưởng Ban soạn thảo nhấn mạnh: Đề án cần thể hiện được tầm nhìn và các mục tiêu của Bộ Quốc phòng trong chuyển đổi số một cách tổng thể, toàn diện, xác định được lộ trình cụ thể, thứ tự ưu tiên các nhiệm vụ, bảo đảm tính khả thi cao.

Đồng thời, phải tập trung giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong toàn quân để thực hiện chuyển đổi số thành công. Trước mắt, cần ưu tiên các vấn đề về nâng cao nhận thức cho lãnh đạo, chỉ huy và toàn thể cán bộ, nhân viên các cơ quan, đơn vị; tập trung phát triển hạ tầng số, xây dựng dữ liệu số và bảo đảm an toàn thông tin phục vụ quản lý, điều hành, cải cách hành chính. Việc chọn nhiệm vụ gì, ngành gì để chuyển đổi trước được triển khai theo nguyên tắc: Nhiệm vụ được quy định bắt buộc phải thực hiện thì tổ chức triển khai trước. Tiếp đó, nhiệm vụ nào khi đưa lên môi trường số tạo ra được hiệu quả vượt trội. Sau cùng là những nhiệm vụ khi đưa lên môi trường số có thể tạo ra giá trị mới.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Hoàng, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 7 cho biết: Nếu như trước đây một công văn, chỉ thị, hướng dẫn... chuyển từ cơ quan Quân khu xuống các đơn vị trực thuộc qua đường quân bưu thường mất từ 2 đến 3 ngày. Nhưng hiện nay, gửi các loại văn bản qua hệ thống điện tử, chỉ cần “nhấp chuột” tạo thuận lợi trong quản lý, thống kê, xử lý các loại văn bản nhanh chóng, kịp thời.

Đáng chú ý, năm 2021, trước yêu cầu cấp bách trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 bùng phát tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam, Quân khu đã chỉ đạo ngành công nghệ thông tin tham mưu triển khai hệ thống công nghệ thông tin, triển khai các phần mềm dịch vụ phục vụ công tác phòng, chống dịch, như: truyền hình trực tuyến phục vụ hội nghị, giao ban; hệ thống camera giám sát theo dõi diễn biến, tình hình dịch bệnh tại các khu cách ly, điều trị; phần mềm khai báo y tế điện tử; hệ thống phần mềm phục vụ tổng hợp số liệu.

Đại tá Phạm Bá Nghi, Chánh Văn phòng Quân khu 1 cho biết: Hiệu quả từ việc triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động quân sự, quốc phòng bước đầu cho thấy phương thức chỉ huy, điều hành của lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân khu cùng các cơ quan, đơn vị trong Quân khu đã có sự chuyển biến rõ nét. Hệ thống truyền hình hội nghị và truyền hình ứng dụng đã được các cơ quan, đơn vị trong Quân khu ứng dụng linh hoạt, hiệu quả.

Đến nay, 50% các hội nghị, tập huấn được thực hiện trực tuyến, từ hội nghị rút kinh nghiệm công tác tuyển quân, tháng đầu huấn luyện, giao ban các tháng của Quân khu, tập huấn các ngành khoa học quân sự, công nghệ thông tin, triển khai phần mềm mới về quản lý văn bản và hồ sơ công việc, hướng dẫn nghiệp vụ công nghệ thông tin, khắc phục sự cố mạng máy tính, xử lý mã độc mức cao... Các cuộc thi, phần thi nhận thức cơ bản được sử dụng bằng hình thức thi trắc nghiệm qua mạng máy tính và phần mềm thi trắc nghiệm của Bộ Quốc phòng, do vậy đã dần hình thành thói quen cho cán bộ, nhân viên làm việc trên môi trường mạng.

Đại tá Nguyễn Xuân Hoàn, Trưởng phòng Công trình thông tin - Binh chủng Thông tin liên lạc, nhấn mạnh: Nếu như từ năm 1990 về trước, để thực hiện việc chỉ đạo nghiệp vụ và thiết kế, dự toán, xây dựng công trình thông tin liên lạc quân sự cần rất nhiều nhân lực. Hiện nay, công việc nhiều hơn, quy mô lớn, tính chất công việc phức tạp hơn, nhưng qua ứng dụng công nghệ thông tin, Phòng Công trình thông tin - Binh chủng Thông tin liên lạc chỉ có ba cán bộ, kỹ thuật viên.

Các đơn vị trong Binh chủng Thông tin liên lạc và toàn quân đóng quân phân tán trên địa bàn toàn quốc, nhiều tổ, trạm lẻ ở vùng sâu, vùng xa; nếu như trước đây, việc bảo đảm thông tin liên lạc mất nhiều thời gian, thì nay, nhờ có nguồn nhân lực chất lượng cao cùng các công cụ hỗ trợ và phần mềm ứng dụng, giúp cho việc thực hiện nhiệm vụ được nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, công sức của bộ đội.

Bước đột phá trong kiểm soát cửa khẩu đất liền, cảng biển

Có thể nói, nhờ ứng dụng khoa học-công nghệ và cải cách thủ tục hành chính, trong lĩnh vực kiểm soát xuất, nhập cảnh của Bộ đội Biên phòng là rất đáng ghi nhận. Cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) là một trong những cửa khẩu có mật độ người, phương tiện xuất, nhập cảnh, lưu lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu cao trên tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc.

Từ khi ứng dụng Cổng kiểm soát xuất, nhập cảnh tự động gắn với hệ thống camera giám sát và ứng dụng phần mềm quản lý, kiểm soát xuất, nhập cảnh theo mô hình tập trung cơ sở dữ liệu, tự động hóa các bước trong quy trình thực hiện thủ tục xuất, nhập cảnh giúp hoạt động nghiệp vụ của các lực lượng chức năng diễn ra thuận lợi, thông thoáng. Thời gian làm thủ tục cho một hành khách từ 30 giây giảm xuống chỉ còn 7-12 giây, vừa lưu trữ được dữ liệu, hình ảnh của hành khách phục vụ công tác nghiệp vụ, tạo được hình ảnh hiện đại của cửa khẩu, đáp ứng xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Gần đây, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng phối hợp triển khai thử nghiệm kiểm soát mã vạch đối với Giấy thông hành cư dân biên giới tuyến Việt Nam-Trung Quốc cũng mang lại hiệu quả rất đáng ghi nhận. Bà Nguyễn Thị Trạm, ở phường Ka Long, thành phố Móng Cái thường xuyên qua lại biên giới cho biết, không riêng bà, tất cả người dân biên giới hết sức phấn khởi bởi sự nhanh chóng, tiện lợi khi làm thủ tục xuất, nhập cảnh tại cửa khẩu hiện nay.

Tại các cảng biển, nhận thức về vai trò quan trọng trong giao lưu, thông thương hàng hóa giữa Việt Nam và các quốc gia khác, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng xác định cải cách thủ tục hành chính là yếu tố quan trọng tạo sự thông thoáng cho công tác quản lý, kiểm soát xuất, nhập cảnh nói riêng và hoạt động vận tải biển nói chung.

Trước đây, khi chưa thực hiện thủ tục biên phòng điện tử qua Cổng thông tin điện tử biên phòng, ông Phạm Ngọc Mạnh, đại lý hãng tàu Viconship chia sẻ rằng, nếu như trước đây, khi làm thủ tục cho một chuyến tàu đến, rời cảng theo phương thức thủ công bằng hồ sơ giấy, người làm thủ tục phải mất từ 3 đến 5 giờ xuống tàu tiếp nhận hồ sơ và mang toàn bộ hồ sơ giấy đến trụ sở cảng vụ hàng hải khai báo và chờ hoàn thành thủ tục biên phòng thì hiện nay, người làm thủ tục có thể thực hiện khai báo và nhận kết quả hoàn thành thủ tục biên phòng tại bất cứ địa điểm nào có internet.

Các thủ tục được hoàn thành trước khi tàu đến cảng, rời cảng, thời gian chờ đợi làm thủ tục đối với mỗi tàu, thuyền xuất nhập cảnh chỉ còn khoảng bốn đến năm phút, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, chờ hoàn kết quả, tiết kiệm chi phí neo đậu, hao mòn máy móc phương tiện của chủ tàu, giải phóng tàu nhanh.

Trung tá Nguyễn Văn Lập, Chính trị viên Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Hải Phòng cho biết: Khi bắt đầu thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đơn vị tập trung rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động xuất, nhập cảnh, đăng ký, quản lý người, phương tiện hoạt động tại cửa khẩu cảng biển, mạnh dạn tham mưu cho cấp trên và các cơ quan có liên quan tiến hành cải cách, loại bỏ những thủ tục không cần thiết.

Ngoài ra, đơn vị thường xuyên phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng duy trì thực hiện nghiêm túc quy định làm thủ tục cho tàu, thuyền đến, rời cảng theo cơ chế một cửa liên thông tại trụ sở của cảng vụ hàng hải. Thực hiện cắt giảm các bản khai không cần thiết trong thành phần hồ sơ thủ tục biên phòng từ 9 loại xuống còn 5. Công tác tiếp nhận, xử lý hồ sơ xin cấp thị thực và giấy phép đi bờ cho thuyền viên nước ngoài được ứng dụng theo phương thức điện tử thông qua Cổng thông tin điện tử biên phòng kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia mức độ 4.

Việc làm này đã được các cơ quan, doanh nghiệp, nhất là các chủ tàu, chủ hàng đánh giá cao. Đồng thời đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa, nâng cao năng lực công tác kiểm soát xuất, nhập cảnh trong tình hình mới, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện chủ trương xây dựng lực lượng kiểm soát cửa khẩu bộ đội biên phòng tiến thẳng lên hiện đại, tiếp cận cuộc cách mạng 4.0 theo tinh thần Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị về chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia.

(Còn nữa)

Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng triển khai hệ thống mạng xuất nhập cảnh kết nối đạt tỷ lệ 91,6% trên tổng số 154 cửa khẩu. Thực hiện 21 thủ tục hành chính trên môi trường điện tử tại Cổng thông tin một cửa quốc gia và Cổng thông tin thủ tục Biên phòng điện tử. Số hóa 100% dữ liệu tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý kiểm soát xuất nhập cảnh. Triển khai 19 Hệ thống cổng kiểm soát tự động tại các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.

(★) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 17/11/2022.

Có thể bạn quan tâm

back to top