Kết nghĩa cụm dân cư trên toàn tuyến biên giới
Từ kết quả năm năm thực hiện chương trình kết nghĩa bản - bản trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào địa bàn tỉnh Quảng Trị, Ðảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BÐBP) tiếp tục vận dụng những kinh nghiệm sáng tạo trong công tác dân vận và quyết tâm nhân rộng mô hình kết nghĩa cụm dân cư trên toàn tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Cam-pu-chia, gắn với việc đẩy mạnh phong trào "Quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc giới, giữ gìn an ninh trật tự thôn, bản khu vực biên giới".
Ðược sự chỉ đạo của Ðảng ủy, Bộ Tư lệnh BÐBP, Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh Long An đã kịp thời nghiên cứu, khảo sát tình hình dân cư hai bên biên giới. Thượng tá Ðoàn Văn An, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh, cho biết: "Căn cứ vào tình hình thực tế, Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh đã xin ý kiến Bộ Tư lệnh BÐBP về việc kết nghĩa cấp xã - xã, thay vì mô hình kết nghĩa bản - bản, cụm dân cư, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình tiến hành kết nghĩa. Ðược Bộ Tư lệnh BÐBP đồng ý chủ trương, Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh đã tích cực chủ động tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào. Ðồng thời, phối hợp Sở Ngoại vụ tham mưu UBND tỉnh đưa nội dung kết nghĩa xã - xã hai bên biên giới vào biên bản thỏa thuận hợp tác giữa hai tỉnh Long An và Svây-riêng.
Chúng tôi đến xã Mỹ Quý Tây, vùng đất sáng tạo nên cuộc thi có một không hai: "Phụ nữ biên giới duyên dáng". Cuộc thi "quy tụ" những phụ nữ duyên dáng, giỏi giang của hai xã Mỹ Quý Tây (Ðức Huệ, Long An) và xã Som Rông, huyện Chanh Tria, tỉnh Svây-riêng (Cam-pu-chia). Qua cuộc thi, khẳng định một điều, trước khi kết nghĩa, hai xã vùng biên giới đã có mối quan hệ qua lại khăng khít, gắn bó mật thiết từ lâu. Tuy quy mô cuộc thi chỉ dừng lại ở cấp xã, nhưng "tiếng thơm" đã lan tỏa cả một vùng miền Tây rộng lớn. Ðây chính là điều kiện cần và đủ để Bộ Tư lệnh BÐBP lựa chọn là cặp kết nghĩa thí điểm trước khi nhân rộng tại mười tỉnh có đường biên giới giáp Cam-pu-chia. Tới thăm Ðồn Biên phòng Mỹ Quý Tây đúng lúc lãnh đạo hai xã kết nghĩa và Chỉ huy Ðồn đang trao đổi thông tin sau một tháng thực hiện, Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Xuân Vũ phấn khởi kể với chúng tôi về hoạt động sôi nổi của cuộc thi "Phụ nữ biên giới duyên dáng", các buổi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nông dân sản xuất giỏi giữa hai xã, do BÐBP Long An phối hợp chính quyền hai bên tổ chức. Ông Vũ cho biết: "Các hoạt động này không chỉ làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân vùng biên giới, mà qua đây, BÐBP cùng chính quyền địa phương kết hợp tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước đạt hiệu quả cao. Từ đó, giúp người dân hai bên biên giới hiểu rõ về tầm quan trọng của việc phân giới, cắm mốc". Còn Xã trưởng Sóc-sà-rô, xã Som Rông, huyện Chanh Tria, tỉnh Svây-riêng (Cam-pu-chia), cho biết: "Chỉ sau một tháng kết nghĩa, BÐBP Việt Nam đã tổ chức khám, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí, tặng bột ngọt, dầu ăn cho 250 người dân trong xã. Học sinh hai xã cũng được BÐBP tặng sáu nghìn quyển vở. Những ngày lễ, Tết truyền thống của Cam-pu-chia như: Lễ Ðôn Ta, Lễ Ok Om Bok, Tết Chôl Chnam Thmây, BÐBP đều cử cán bộ, chiến sĩ sang thăm, chúc mừng bà con, các vị sư sãi các chùa dọc biên giới, nhằm làm tăng thêm tình đoàn kết, sự tin tưởng vào chương trình kết nghĩa. Bà con xã Som Rông qua Việt Nam mua phân bón, thuốc trừ sâu phục vụ sản xuất rất thuận lợi, không phải lên huyện Chanh Tria xa xôi, tốn kém".
Quá trình khảo sát được tiến hành từ tháng 8-2012, đến ngày 4-3-2013, lễ kết nghĩa hai xã được tổ chức trọng thể, với sự tham dự của lãnh đạo tỉnh, huyện hai nước Việt Nam - Cam-pu-chia. Ðáng chú ý có sự tham dự của đại diện Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ Tư lệnh BÐBP Việt Nam, Bộ Chỉ huy BÐBP chín tỉnh Nam Bộ có đường biên tiếp giáp tỉnh Svây-riêng, lãnh đạo chính quyền 19 xã biên giới phía Việt Nam, 15 xã của nước bạn Cam-pu-chia và các địa phương sẽ kết nghĩa trong năm 2013. Ðiều đáng ghi nhận là, không chỉ hai xã ký được thỏa thuận kết nghĩa, với những điều khoản chi tiết, cụ thể, mà trước đó, huyện Ðức Huệ cũng như tỉnh Long An đều có những thỏa thuận kết nghĩa với huyện Chanh Tria và tỉnh Svây-riêng. Thượng tá An cho biết, chương trình kết nghĩa xã - xã thành công tốt đẹp là nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở địa phương. Từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đến các sở, ban, ngành, đoàn thể địa phương chỉ đạo sâu sát, theo dõi, đôn đốc thường xuyên.
Ðồn trưởng Ðồn Biên phòng Cửa khẩu Mỹ Quý Tây, Thiếu tá Phạm Văn Thắng kể: "Tuy thời gian kết nghĩa chưa được lâu, nhưng nhờ những nguồn thông tin từ nhân dân hai xã biên giới, đã giúp Ðồn phối hợp các lực lượng đấu tranh ngăn chặn nhiều vụ việc vi phạm trật tự xã hội, tình trạng buôn lậu, chuyển ngoại tệ trái phép, lượng người từ nội địa qua biên giới sang Cam-pu-chia đá gà, đánh bạc giảm đáng kể, góp phần thiết thực trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới".
Nói về tiến độ triển khai chương trình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, Thượng tá Ðinh Ngọc Chung, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh Cao Bằng cho biết: Ðược sự chỉ đạo của Ðảng ủy, Bộ Tư lệnh BÐBP, Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh đã kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chọn xóm Lũng Om, xã Ðại Sơn (Phục Hòa, Cao Bằng) và xóm Nà Cọn, trấn Thủy Khẩu (Long Châu, Quảng Tây, Trung Quốc) làm điểm kết nghĩa. Qua công tác nắm tình hình, từ trước đến nay, nhân dân hai bên biên giới thường xuyên có mối quan hệ thăm thân đi lại lâu đời, các hoạt động, phong tục tập quán, lao động, sản xuất canh tác của nhân dân hai bên cơ bản giống nhau. Hai xóm có chung đường biên giới trên sông. Quá trình quản lý, bảo vệ đường biên, mốc giới trên địa bàn không có tranh chấp, chính quyền địa phương và nhân dân hai bên đều có chung mong muốn sớm được kết nghĩa... Hiện nay, địa phương và đơn vị đang chờ ý kiến của phía bạn về thời gian cụ thể để xúc tiến việc kết nghĩa. Trong thời gian này, Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh đang tích cực chỉ đạo ba đồn biên phòng thuộc địa bàn hai huyện Trùng Khánh, Hà Quảng tiến hành khảo sát cụ thể để chuẩn bị cho kết nghĩa trong thời gian tới.
Chiều rộng và chiều sâu chương trình kết nghĩa
Có thể nói, hoạt động kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới chính là hoạt động đối ngoại nhân dân, "bán anh em xa, mua láng giềng gần", đem lại kết quả thiết thực. Qua đó, nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc hai bên biên giới về ý thức, trách nhiệm đối với chủ quyền lãnh thổ quốc gia của mỗi nước. Nhân dân hai bên tự giác chấp hành hiệp định, quy chế biên giới, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế, xã hội, xây đắp tình đoàn kết hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai bên biên giới ngày càng bền chặt. Thông qua các hoạt động đối ngoại nhân dân nói trên để kịp thời phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhằm phá hoại tiến trình phân giới cắm mốc, cũng như chia rẽ mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam với các nước láng giềng...
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai nhân rộng mô hình này còn nhiều vấn đề đặt ra cần giải quyết; nhất là khi chính sách của các quốc gia có chung đường biên giới, quan hệ giữa nhân dân hai bên biên giới, cơ sở hạ tầng, điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, năng lực quản lý, điều hành của hệ thống chính trị cơ sở... còn có sự khác biệt nhất định. Mặt khác trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, cơ sở hạ tầng còn thấp kém, thiếu đồng bộ; các xóm, bản, cụm dân cư bên Việt Nam thưa thớt, điều kiện phát triển kinh tế, xã hội còn hạn chế. Ðiều này ảnh hưởng đến tiến trình kết nghĩa giữa hai bên. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cao Bằng Hoàng Trung Phong cho rằng: Chủ trương kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới là đúng đắn, được nhân dân hai bên đồng tình ủng hộ. Song do còn có sự khác biệt giữa hai bên, cho nên trong quá trình triển khai thực hiện, cần vận dụng sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với từng địa phương. Cụ thể như, tại địa bàn biên giới tỉnh Cao Bằng, cơ sở vật chất cũng như năng lực quản lý, điều hành của hệ thống chính trị cơ sở còn nhiều bất cập, chưa tương xứng. Do vậy, cần xác định lựa chọn khâu đột phá để phát huy hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm cho hoạt động, tránh sự so sánh giữa nhân dân hai bên. Nhà nước cần tập trung đầu tư nguồn lực hỗ trợ cho các hoạt động này.
Thượng tá Ðoàn Văn An, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh Long An, cho rằng: Mặc dù UBND tỉnh đã phân công các huyện, thành phố căn cứ vào khả năng, tham gia các hoạt động và hỗ trợ kinh phí, cũng như đỡ đầu các đồn biên phòng, các xã biên giới, thực hiện phong trào kết nghĩa xã - xã; nhất là vận động các "mạnh thường quân" là các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp... tài trợ, giúp đỡ thực hiện chương trình kết nghĩa này. Tuy nhiên, nội dung thỏa thuận trong văn bản ký kết giữa hai bên có đề cập đến việc: hỗ trợ tưới tiêu, trồng lúa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, trồng cây công nghiệp, khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh ở người và vật nuôi... Ðiều này, cần một nguồn kinh phí lớn mới có thể thực hiện được thỏa thuận.
Chia sẻ vấn đề nêu trên, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) Nguyễn Ngọc Sắc cho biết: Tuy là huyện miền núi biên giới nghèo, nhưng khi nhận được chỉ thị của UBND tỉnh, các cấp, các ngành trong huyện đã "vượt khó" làm tốt công tác chuẩn bị, tổ chức lễ ký kết đúng tiến độ và kế hoạch đề ra; với tinh thần "hai bàn tay trắng" vẫn phải làm, bởi vì ngân sách của huyện chưa có danh mục chi cho hoạt động này. Do vậy, để phục vụ các hoạt động đối ngoại nhân dân, huyện nghèo vẫn phải tự "xoay xở". Căn cứ tình hình thực tế, ông Nguyễn Ngọc Sắc đề xuất, để duy trì kết nghĩa một cặp bản, cần ít nhất 100 triệu đồng/năm phục vụ các hoạt động: giao ban, sơ, tổng kết, công tác khen thưởng... Ðối với 24 cặp bản của tỉnh Quảng Trị sẽ cần khoảng 2,4 tỷ đồng/năm. Con số tưởng chừng lớn, nhưng nếu không kết nghĩa, khi dịch bệnh xảy ra, đối tượng vượt biên trái phép, gây rối tình hình an ninh chính trị, buôn lậu trái phép qua biên giới hoành hành, vấn nạn xâm canh xâm cư... mà phía bạn không thông báo cho ta, thì con số thiệt hại còn gấp hàng chục lần. Cũng theo ông Sắc, lợi ích vô giá của chương trình kết nghĩa, đó là: giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng biên, là tình cảm mật thiết giữa cư dân hai bên biên giới, rộng hơn là cả quốc gia, điều đó không thể đong đếm hoặc tính toán được. Do vậy, muốn chương trình "sống" được dài lâu, cần xây dựng Ðề án gắn liền với vấn đề xây dựng ngân sách mới, từ đó có tiền đề để triển khai và nhân rộng mô hình này trên toàn tuyến biên giới đất liền.
Nhiều vấn đề cần giải quyết
Mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới thể hiện sự vận dụng sáng tạo đường lối, quan điểm của Ðảng trong công tác dân vận của lực lượng BÐBP và các địa phương trong tình hình mới. Nhờ đó, góp phần thiết thực giữ vững ổn định chính trị ở khu vực biên giới, tăng cường mối quan hệ dân tộc, đoàn kết quân dân, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân. Ðồng thời, chủ động phòng ngừa, phát hiện, giải quyết có hiệu quả nhiều vụ việc xảy ra liên quan đến hai bên biên giới...
Ðể nhân rộng mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới, Ðảng, Nhà nước cần quan tâm, tạo điều kiện để mô hình này triển khai sâu rộng, trở thành phong trào hoạt động thường xuyên, hiệu quả ở các địa phương trên tuyến biên giới đất liền. Theo đó, hằng năm, Chính phủ đầu tư nguồn kinh phí cho các địa phương, đơn vị thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự biên giới quốc gia, trong đó có danh mục đầu tư kinh phí bảo đảm cho hoạt động kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới. Cùng với đó, trong ký kết hợp tác với các nước láng giềng, Chính phủ cần có chủ trương ký kết về chương trình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới; kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện, tạo hành lang pháp lý để các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị vận dụng triển khai thực hiện, bảo đảm có sự thống nhất từ Trung ương đến cơ sở.
Ủy ban biên giới quốc gia mỗi nước cần đề xuất với chính phủ các nước đưa nội dung kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới vào các chương trình hợp tác toàn diện giữa các nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, Trung Quốc hằng năm, hoặc từng giai đoạn. Từ đó, xác định mục tiêu, phương hướng, giải pháp chỉ đạo thực hiện đồng bộ, thống nhất trên các tuyến biên giới. Các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, theo chức năng, nhiệm vụ của mình, trên cơ sở các nội dung kết nghĩa, cụ thể hóa thành hoạt động, việc làm cụ thể, thiết thực để giúp các địa phương, đơn vị BÐBP tuyến biên giới đất liền triển khai thực hiện chương trình kết nghĩa đạt hiệu quả thiết thực. Trước mắt, Chính phủ, Bộ Quốc phòng và các địa phương cần quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng trạm xá quân dân y kết hợp ở các cặp bản kết nghĩa; nâng cấp trạm y tế, bố trí thêm lực lượng quân y tăng cường cho các xã biên giới. Ưu tiên bố trí ngân sách cho các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội vùng biên giới. Thống nhất chỉ đạo các tỉnh tuyến biên giới đất liền trong việc xây dựng kế hoạch, lập dự toán kinh phí hằng năm bảo đảm điều kiện thuận lợi cho hoạt động kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới phát triển bền vững.
Vấn đề bảo vệ biên giới quốc gia không chỉ là trách nhiệm của quân đội nói chung và BÐBP nói riêng, mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn dân. Vì vậy, các đoàn thể nhân dân, các doanh nghiệp cần vào cuộc, chung tay hỗ trợ BÐBP và các địa phương vùng biên giới triển khai, duy trì hoạt động kết nghĩa đạt hiệu quả thiết thực.
Từ kinh nghiệm hoạt động kết nghĩa kể trên, thời gian tới, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BÐBP cần tiếp tục chỉ đạo BÐBP các tỉnh tuyến biên giới đất liền tập trung nghiên cứu, khảo sát tình hình cụ thể. Ðẩy mạnh hoạt động quan hệ phối hợp các lực lượng hữu quan nước láng giềng, nhằm tham mưu với chính quyền địa phương hai bên biên giới triển khai mô hình kết nghĩa bảo đảm phù hợp đặc điểm, tình hình từng tuyến biên giới và từng địa phương. Các ngành Trung ương, Bộ Tư lệnh BÐBP và các địa phương, nhất là các địa phương tuyến biên giới đất liền cần phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về ý nghĩa, hoạt động kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới...
Với những giải pháp đó, chúng tôi tin tưởng rằng, hiệu quả của chương trình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới, sẽ góp phần quan trọng xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển với các nước láng giềng, theo chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại rộng mở của Ðảng, Nhà nước Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, mở cửa và hội nhập. Ðồng thời, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân các nước láng giềng, vốn có truyền thống đoàn kết hữu nghị, mối quan hệ gắn bó thân tộc, "tối lửa tắt đèn có nhau"...
(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 25-4-2013.