Nâng cao chất lượng đào tạo để phát triển du lịch bền vững

Bài 3: Liên kết, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực

Việc thiếu nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đang là vấn đề lớn mà ngành du lịch các tỉnh, thành phố miền trung tìm cách khắc phục. Theo đó, giải pháp được xác định là xây dựng chiến lược quản trị nguồn nhân lực, trong đó dự báo được nhu cầu nhân lực du lịch, xây dựng khung và kế hoạch đào tạo lao động; cùng với đó là thực hiện liên kết, hợp tác “3 nhà”: Nhà nước-nhà trường-nhà doanh nghiệp trong đào tạo, sử dụng nhân lực du lịch.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân trình diễn phục vụ du khách tại Làng nghề Trường Sơn (Nha Trang, Khánh Hòa). (Ảnh Phong Nguyên)
Nghệ nhân trình diễn phục vụ du khách tại Làng nghề Trường Sơn (Nha Trang, Khánh Hòa). (Ảnh Phong Nguyên)

Những mô hình hay cần nhân rộng

Tự đào tạo hay đào tạo lại cho đội ngũ cán bộ, nhân viên đang là xu hướng và việc cần làm đối với mỗi doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp làm du lịch, dịch vụ nói riêng.

Tại Quảng Bình đã có những doanh nghiệp, đơn vị làm du lịch thành công với cách làm này. Công ty trách nhiệm hữu hạn Chua Me Đất (Oxalis) là một trong số ít các đơn vị khai thác du lịch mạo hiểm với 6 cấp độ từ dễ đến khó ở “vương quốc hang động” Quảng Bình, cho nên kiến thức, ý thức và kỹ năng để thao tác trong quá trình hỗ trợ khách du lịch đi tour hết sức cần thiết và thường xuyên phải được trau dồi. Những tháng mùa mưa cũng là thời điểm đóng tour để hệ sinh thái trong các hang động phục hồi, Oxalis dành thời gian để bồi dưỡng, tập huấn các kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ hướng dẫn viên, poster (người khuân vác), trợ lý an toàn. Giáo viên chính là người quản lý các bộ phận chuyên môn hoặc đến từ các trường chuyên đào tạo về du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái. Họ vừa học, tự thu nhận kiến thức và thực tập ngay trên các điểm, khu du lịch với các sản phẩm mà họ đang phục vụ du khách nên kỹ năng dễ thuần thục và chuyên nghiệp hóa. Định kỳ theo thời gian, lãnh đạo Oxalis luân phiên đội ngũ quản lý nhân sự cao cấp, hướng dẫn viên và trợ lý an toàn để một người có thể biết nhiều việc. Chính nhờ cách quản lý khoa học đó, cùng với việc tạo ra các sản phẩm du lịch thích ứng với thời tiết và biến đổi khí hậu nên ổn định nguồn thu, Oxalis không chỉ giữ chân tốt đội ngũ nhân lực chất lượng mà còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho khoảng 500 poster ở 2 huyện Bố Trạch và Minh Hóa.

Cách làm tương tự cũng được áp dụng tại Khu nghỉ dưỡng Bang Onsen Spa&Resort, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình (đưa vào hoạt động từ tháng 8/2023, hiện đang tạo việc làm cho gần 250 lao động, trong đó có gần 40 lao động là đồng bào Bru-Vân Kiều). Vốn có nhiều kinh nghiệm từ khi đầu tư, vận hành Sunspa Resort ở thành phố Đồng Hới nên khi triển khai dự án ở suối Bang, Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh luôn chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, coi đây là khâu then chốt quyết định chất lượng dịch vụ. Doanh nghiệp này tuyển dụng hàng chục nhân viên là người đồng bào dân tộc thiểu số rồi bố trí xe chở họ từ Lệ Thủy xuống Sunspa Resort ở Đồng Hới để đào tạo, tập huấn nghiệp vụ. “Những ngày đầu khi Bang Onsen Spa&Resort đi vào vận hành, doanh nghiệp thuê các chuyên gia từ Nhật Bản đến chuyển giao kỹ thuật và trực tiếp đào tạo cho đội ngũ nhân viên tại đây”, ông Nguyễn Vũ Tuấn, Phó Giám đốc Bang Onsen Spa&Resort cho biết.

Giám đốc điều hành Học viện đào tạo mến khách IBH Đà Nẵng Nguyễn Thị Minh Tâm cho rằng, mỗi doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chiến lược đào tạo (ngắn hạn, dài hạn) về kỹ năng, ngoại ngữ, chuyên môn cho người lao động để bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ của đơn vị mình. “Đơn cử như quần thể Furama-Ariyana Đà Nẵng có nguồn nhân lực lớn với 700 nhân sự, chúng tôi thành lập Học viện đào tạo mến khách IBH với mục tiêu thực hiện đào tạo và bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực cho nội bộ quần thể nghỉ dưỡng Furama-Ariyana Đà Nẵng. Ngoài ra, chúng tôi cũng thực hiện sứ mệnh truyền tinh thần mến khách đến mọi ngành mọi nghề và nâng cao tiêu chuẩn chất lượng ngành dịch vụ nói chung và tinh thần mến khách nói riêng. Hiện nay IBH thực hiện một số phần trong chương trình đào tạo của trường đại học, đồng thời thiết kế chương trình đào tạo chuyên biệt theo đơn đặt hàng của đơn vị đào tạo, thực hiện đào tạo tại doanh nghiệp, có những lớp lý thuyết và thực hành, trong đó thực hành thực tiễn sẽ được chú trọng”, bà Minh Tâm chia sẻ.

Xây dựng chiến lược quản trị nguồn nhân lực du lịch

Để tạo ra sự khác biệt, sức hấp dẫn riêng có cho du lịch Đà Nẵng, mới đây, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng đã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành “Bộ tiêu chí văn hóa du lịch Đà Nẵng” định hướng hành vi, thái độ, tác phong ứng xử văn minh, văn hóa trong hoạt động du lịch. Sở Du lịch tiếp tục tổ chức các chương trình bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ ngành du lịch, kỹ năng phục vụ khách du lịch, đặc biệt là các thị trường khách đặc thù mới như: Trung Đông, Ấn Độ và các nước CIS, hướng dẫn triển khai Bộ tiêu chí văn hóa du lịch, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cơ bản trong khai thác và quản lý hoạt động du lịch, sales - marketing online, phân tích dữ liệu, nắm bắt xu hướng thị trường.

Dưới góc độ người làm công tác đào tạo, Tiến sĩ Lê Chí Công, Trưởng khoa Kinh tế Du lịch, Trường đại học Nha Trang cho rằng, để đào tạo và sử dụng lao động du lịch hiệu quả, các tỉnh, thành phố miền trung cần tạo cầu nối để gia tăng sự liên kết của Nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp trong đào tạo và sử dụng nhân lực tại địa phương; thường xuyên tổ chức các hội thảo, tư vấn nghề nghiệp, trao đổi thông tin giữa doanh nghiệp du lịch với tư cách là người sử dụng sản phẩm và cơ sở đào tạo với tư cách người tạo ra sản phẩm và Nhà nước với vai trò là cầu nối. Các cơ sở đào tạo rà soát và quy hoạch lại đội ngũ theo hướng đào tạo đúng ngành, đúng nghề, cán bộ giảng dạy vững vàng chuyên môn về du lịch; chủ động tích hợp nội dung tham gia của các doanh nghiệp trong chương trình đào tạo. Doanh nghiệp cũng cần chủ động công bố thông tin về nhu cầu nhân lực, chủ động liên hệ với nhà trường nhằm tạo điều kiện cho nhà trường có định hướng tuyển sinh, đào tạo phù hợp thực tế.

Cho rằng, có thể do ngành học du lịch tại Quảng Bình còn mới nên cơ sở vật chất và nguồn giảng viên chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ông Nguyễn Vũ Tuấn, Phó Giám đốc Bang Onsen Spa&Resort đề nghị tỉnh cần có chính sách hỗ trợ thiết thực cho các học sinh, sinh viên khi tham gia học các ngành nghề du lịch; đầu tư bài bản về cơ sở vật chất, về nguồn giáo viên đáp ứng được các chương trình đào tạo chuyên sâu, có thể liên kết với các trường quốc tế chuyên về đào tạo du lịch. “Về phía doanh nghiệp, chúng tôi sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ các trường xây dựng chương trình đào tạo phù hợp thực tiễn, chương trình thực tập để làm sao chúng ta cùng nhau tạo dựng được nền tảng nguồn nhân lực vững chắc cho ngành du lịch khi bước vào kỷ nguyên phát triển mới”, ông Nguyễn Vũ Tuấn nói.

Bà Suramanathan, chuyên gia cao cấp của Công ty Gratiya, đơn vị tư vấn về phát triển du lịch Khánh Hòa cho rằng, về lâu dài, Khánh Hòa và các tỉnh, thành phố khu vực miền trung cần xây dựng chiến lược quản trị nguồn nhân lực du lịch, trong đó dự báo được nhu cầu nhân lực du lịch, xây dựng được khung đào tạo, kế hoạch đào tạo, giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực. Trong đào tạo cần phải có sự liên kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, mở rộng cơ hội học tập trực tiếp tại nơi làm việc, giới thiệu chương trình thực tập và học nghề du lịch chuyên sâu… Một số biện pháp cụ thể như: cơ cấu lại ngành du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; trên cơ sở đó có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cụ thể, hiệu quả.

Trong bối cảnh phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, trong đó có phát triển du lịch xanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Bình Đặng Đông Hà cho biết: "Hiện số lượng các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tổ chức các chương trình, hoạt động đào tạo quản lý môi trường cho nhân viên còn ít. Số lượng nhân lực du lịch tham gia các khóa tập huấn về du lịch xanh cũng còn rất khiêm tốn. Vì thế, cùng với tổ chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng về phát triển du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm, chúng tôi sẽ tổ chức đào tạo để nâng cao nghiệp vụ và tính chuyên nghiệp cho các đơn vị du lịch cộng đồng. Đồng thời, chúng tôi phối hợp tổ chức các chương trình tập huấn về du lịch xanh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero tours) đến cộng đồng dân cư, nhằm nâng cao nhận thức về phát triển du lịch theo hướng bền vững và trách nhiệm chung tay bảo vệ môi trường, tài nguyên du lịch ■
--------------------------
(★) Xem Báo Nhân Dân, trang Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ từ các số ra ngày 6/5/2025 và 13/5/2025.
(Tiếp theo và hết) (★)