Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận quản lý 19,5 km bờ biển và 5 xã địa bàn; trong đó có 2 cửa lạch (Lạch Quèn và Lạch Thơi). Trên địa bàn có tổng số 580 phương tiện/3.427 lao động khai thác thủy hải sản trên biển; trong đó có 209 phương tiện có chiều dài từ 15m đến dưới 24m và 143 phương tiện có chiều dài từ 24m trở lên, khai thác xa bờ.
Chúng tôi có mặt tại Trạm Kiểm soát biên phòng Lạch Quèn vào thời điểm nhiều tàu cá đang làm thủ tục để xuất lạch. Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát phương tiện ra vào cảng, cán bộ, chiến sĩ biên phòng tranh thủ tuyên truyền, nhắc nhở ngư dân chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước trong khi hoạt động, khai thác thủy sản trên biển. Thiếu tá Nguyễn Trường Sinh, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát biên phòng Lạch Quèn cho biết: Tất cả các phương tiện xuất, nhập lạch đều được quản lý, đăng ký theo dõi chặt chẽ bằng phần mềm kiểm soát tàu cá. Công tác kiểm tra, kiểm soát, đăng ký kiểm chứng được duy trì thường xuyên, bảo đảm “bảy kiểm, một chứng” thì mới được xuất, nhập cửa lạch.
Chia sẻ về việc thực hiện các quy định trong khai khác thủy sản, anh Phạm Văn Sỹ, chủ tàu cá NA 98769 TS, công suất hơn 600 CV, cho hay: Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận thường xuyên nhắc nhở ngư dân chấp hành tốt các quy định; hướng dẫn ngư dân thực hiện việc ghi chép, nộp nhật ký, báo cáo khai thác,… Nhờ đó ý thức của ngư dân được nâng lên rõ rệt, chủ động thực hiện các quy định. Không chỉ nhắc ở trên biển, lực lượng bộ đội biên phòng cùng với chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể đến tuyên truyền tại nhà. Thời gian qua, có 79 tàu cá trên địa bàn đơn vị quản lý được ngư dân đầu tư kinh phí để lắp đặt hai mạng, tránh trường hợp bị mất tín hiệu thiết bị giám sát hành trình (VMS) do sự cố kỹ thuật.
Ngoài kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện xuất nhập tại các cửa lạch, Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận đã tổ chức lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát trên biển, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là các vi phạm về đăng ký, đăng kiểm và sử dụng chất nổ trái phép, ngư lưới cụ không theo quy định... để đánh bắt thủy sản.
Thiếu tá Phạm Ngọc Thuận, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận, cho biết: Đơn vị phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng liên quan đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Thủy sản năm 2017, các quy định về chống khai thác IUU, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản… Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, đơn vị thường xuyên duy trì phối hợp với các lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư, Chi cục Thủy sản tỉnh Nghệ An tổ chức tuần tra, kiểm soát phát hiện, xử lý các phương tiện vi phạm trên biển. Trong năm 2024, đơn vị đã tiến hành điều tra, xác minh, tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý được 314 phương tiện; trong đó, tham mưu Ủy ban nhân dân huyện Quỳnh Lưu xử phạt 89 vụ/87 phương tiện, với tổng số tiền hơn 2.167 triệu đồng, đang tham mưu xử lý 8 phương tiện. Từ đầu năm 2025 đến nay, đơn vị tham mưu Ủy ban nhân dân huyện Quỳnh Lưu xử phạt vi phạm hành chính 26 vụ/26 phương tiện, tổng số tiền hơn 395 triệu đồng và đang điều tra, xác minh 141 phương tiện.
Quá trình xác minh, làm rõ vi phạm, Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận cũng ghi nhận một số Tàu cá mắc lỗi khách quan, như:
tàu cá đi vào khu vực tín hiệu xấu, ảnh hưởng của thời tiết nên giám sát hành trình không hoạt động được do lỗi vệ tinh của các nhà mạng không thu phát được; do các phương tiện bị chìm, cháy...
Đồn trưởng Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận Phạm Ngọc Thuận chia sẻ: Xác định công tác tuyên truyền là khâu hết sức quan trọng để nâng cao nhận thức và thay đổi ý thức chấp hành pháp luật cho ngư dân, ngoài tuyên truyền bằng loa truyền thanh, tờ rơi, trên mạng xã hội Facebook, Zalo, lúc ngư dân làm thủ tục xuất nhập cảng, thì cán bộ, chiến sĩ của đơn vị trực tiếp tuyên truyền khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên biển và tuyên truyền tại gia đình các ngư dân. Việc tuyên truyền không đơn thuần là phổ biến quy định này, quy định kia, mà các cán bộ, chiến sĩ phải nói, vận động làm sao để ngư dân hiểu và tự giác chấp hành tốt các quy định. Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, số tàu cá vi phạm trong khai thác IUU trên địa bàn đã giảm đáng kể trong thời gian qua.
Theo thống kê của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An, trong năm 2024, đơn vị đã điều tra, xác minh, xử lý 740/742 phương tiện tàu cá mất kết nối VMS; đồng thời, tiến hành xử phạt và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện, thị xã xử phạt vi phạm hành chính chủ 146 phương tiện về hành vi “Không thực hiện quy định trong trường hợp thiết bị VMS bị hỏng, trừ trường hợp bất khả kháng”, với tổng số tiền hơn 420 triệu đồng.
Để chuẩn bị cho đợt thanh tra lần thứ 5 của Ủy ban châu Âu (EC), Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An cùng chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan tiến hành đợt cao điểm thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát chống khai thác IUU. Theo đó, các đơn vị tổ chức được 85 đợt/414 lượt cán bộ, chiến sĩ tuần tra, kiểm soát vùng biển, khu vực cửa sông, cửa lạch... Trong đó, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã thành lập ba biên đội tàu/24 lượt cán bộ, chiến sĩ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên vùng biển tỉnh Nghệ An. Lực lượng biên phòng đã kiểm tra, kiểm soát xuất, nhập tại cửa sông, cửa lạch và bến đậu được 13.362 lượt phương tiện; cùng chính quyền các địa phương ven biển tổ chức tuyên truyền, vận động ngư dân thực hiện nghiêm các quy định về chống khai thác IUU; tổ chức ký cam kết không khai thác hải sản bất hợp pháp với 2.539 phương tiện. Chỉ tính từ ngày 1/3/2025 đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đã phát hiện, xử lý 27 vụ/24 phương tiện vi phạm trong khai thác thủy sản, xử phạt vi phạm hành chính số tiền hơn 200 triệu đồng ■