Từ trận ngập lụt tại Thủ Đức

Bài toán chống ngập tại Thành phố Hồ Chí Minh

Trong nhiều năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng cho các công trình chống ngập. Tuy nhiên, chỉ mới bắt đầu mùa mưa nhưng tại nhiều khu vực “phố đã biến thành sông”, người dân vẫn phải vật lộn trong cảnh ngập lụt. Thực tế này không chỉ gây lãng phí ngân sách nhà nước mà còn làm xấu bộ mặt đô thị của thành phố, suy giảm niềm tin của người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Cống kiểm soát triều Bến Nghé, nằm sát cầu Mống (cây cầu cổ giữa Quận 1 và 4). Cống Bến Nghé được trang bị cửa van hình vòng cung chìm để phù hợp với cảnh quan chung quanh. Cống có khẩu độ 40m, 1 cửa van cống nặng 434 tấn. (Ảnh: TTXVN)
Cống kiểm soát triều Bến Nghé, nằm sát cầu Mống (cây cầu cổ giữa Quận 1 và 4). Cống Bến Nghé được trang bị cửa van hình vòng cung chìm để phù hợp với cảnh quan chung quanh. Cống có khẩu độ 40m, 1 cửa van cống nặng 434 tấn. (Ảnh: TTXVN)

Nước dâng tới ngực, loay hoay di tản

Cơn mưa lớn bất ngờ đổ xuống Thành phố Hồ Chí Minh sáng sớm 10/5 khiến hàng trăm hộ dân ở thành phố Thủ Đức phải vật lộn ứng phó dòng nước dâng cao như lũ. Anh Sơn Hoàng, ngụ Hẻm 789, Tỉnh lộ 43, Khu phố 5, phường Tam Bình cho biết: “Tôi đã xây vách ngăn xi-măng cao 40cm phía trước cửa phòng trọ nhưng cũng không cản nổi dòng nước tràn vào. Nước dâng gần 80cm, ngập hết cả bốn căn phòng phía sau. Lúc này thì mạnh ai nấy chạy, lo đưa đồ đạc lên gác để tránh hư hỏng”.

Bà Nguyệt, sống ở đầu hẻm, than thở: “Năm nào mùa mưa cũng ngập, có năm nước dâng đến ngực. Nhà tôi phải tự lắp đường ống bơm nước ra cống, nhưng cũng không xuể”.

Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, lượng mưa sáng 10/5 đo được lên đến 200-230mm - mức cao nhất trong 8 năm qua. Cơn mưa khiến nhiều tuyến đường tại Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Thủ Đức chìm trong biển nước, nhất là khu vực chợ Thủ Đức, nước tràn vào nhiều nhà dân, khiến việc sinh sống và buôn bán bị ngưng trệ.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực thành phố Thủ Đức cho biết, nguyên nhân ngập lụt kéo dài là do địa hình khu vực cao dốc, nước đổ dồn về các vùng trũng quanh chợ tạo áp lực lớn lên hệ thống thoát nước. Trước mắt, địa phương chỉ có thể triển khai các giải pháp tạm thời như thay nắp hố ga, bổ sung miệng thu nước... trong khi chờ đợi các dự án chống ngập quy mô và đồng bộ hơn.

Cùng với những “rốn ngập” mới xuất hiện, tình trạng công trình chống ngập “hàng nghìn tỷ đồng” lại không thể nghiệm thu đưa vào vận hành vẫn là câu chuyện trăn trở của cả người dân và chính quyền địa phương. Dự án chống ngập do triều cường có tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng dù đã hoàn thiện đến 90%, nhưng vẫn “đắp chiếu” suốt gần chín năm qua vì vướng mắc thủ tục. Nhiều tuyến cống ngăn triều, khối bê-tông lắp ghép nằm phơi nắng mưa thời gian dài, gây lãng phí rất lớn.

Ông Lê Văn Tám, ngụ gần cống điều tiết Phú Định (Quận 8) nói: “Lúc làm dự án, chính quyền bảo vài năm là xong cho nên ai cũng bàn giao mặt bằng không chút chần chừ. Giờ công trình vẫn dở dang, mà hễ triều cường là tụi tôi lội nước đến đầu gối”. Công trình chậm tiến độ không chỉ gây lãng phí hạ tầng mà còn khiến chi phí đầu tư đội lên hàng nghìn tỷ đồng do phát sinh lãi vay. Dự án này vốn được kỳ vọng bảo vệ 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn khỏi nguy cơ ngập do triều cường.

Cần giải pháp xử lý triệt để

Ghi nhận từ thực tế cho thấy, nhiều năm qua, dù hệ thống chống ngập tại Thành phố Hồ Chí Minh được đầu tư nhiều, nhưng triển khai chưa đồng bộ, thiếu trọng điểm và chưa huy động được sự tham gia của toàn xã hội.

Các quy hoạch như Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước (Quy hoạch 752, phê duyệt năm 2001) và Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng (Quy hoạch 1547, phê duyệt năm 2008) đều đặt mục tiêu xây dựng 6.000km cống thoát nước, 103 hồ điều tiết, 170km đê bao, 12 cống ngăn triều lớn... Nhưng cho đến nay, mới chỉ có hơn 60% hệ thống cống được xây dựng, còn các hồ điều tiết gần như vẫn nằm trên giấy.

Bài toán chống ngập tại Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 1

Cứ sau cơn mưa khu vực đường Tô Ngọc Vân, thành phố Thủ Đức ngập nặng, khiến việc lưu thông rất khó khăn. (Ảnh: THẾ ANH)

Tiến sĩ Hồ Long Phi, chuyên gia trong lĩnh vực thoát nước đô thị, thẳng thắn cho rằng: “Dù theo quy hoạch nào, hạ tầng thoát nước vẫn đang bị bỏ lại phía sau tốc độ đô thị hóa. Nhà ở, khu dân cư, đường sá mọc lên dày đặc, nhưng hệ thống tiêu thoát nước không theo kịp”.

Theo ông, trước đây Thủ Đức không bị ngập nghiêm trọng như hiện nay vì chưa phát triển dày đặc, nay đã trở thành đại đô thị với mật độ dân cư và phương tiện cao, lại nằm sát ranh giới Bình Dương, Đồng Nai - nơi có lưu lượng giao thông rất lớn. Biến đổi khí hậu càng khiến tình trạng trở nên phức tạp. Những trận mưa hơn 200mm từng được cho là xảy ra 3 năm một lần thì nay lại lặp lại thường xuyên, khiến hệ thống thoát nước quá tải.

Điều đáng lo ngại là thành phố vẫn chủ yếu trông chờ vào nguồn vốn ngân sách để chống ngập-nguồn vốn luôn hữu hạn và dễ bị “hụt hơi”. Tiến sĩ Hồ Long Phi cho rằng, cần tính đến cơ chế huy động nguồn vốn xã hội, đầu tư theo mô hình PPP (đối tác công tư) như cách đang thực hiện với các tuyến cao tốc: “Chống ngập là hạ tầng thiết yếu, phải có phương thức đầu tư tương xứng, không thể trông chờ mãi vào ngân sách”.

Đại diện Sở Xây dựng Thành phố cũng thừa nhận, mô hình PPP trong lĩnh vực chống ngập còn quá ít ỏi, chưa thu hút được doanh nghiệp do thiếu cơ chế chia sẻ rủi ro, chưa rõ ràng về lợi nhuận hoàn vốn. Ngoài ra, hệ thống thoát nước hiện nay phát triển qua nhiều thời kỳ, không đồng bộ giữa mới và cũ. Nhiều đoạn cống cũ chưa được thay thế khiến nước không thoát kịp, gây ngập và tắc nghẽn.

Tiến sĩ Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất Thành phố cần sớm tháo gỡ vướng mắc để khẩn trương hoàn thiện dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, đánh giá lại toàn diện hiệu quả các công trình chống ngập, đặc biệt là tính toán đến yếu tố biến đổi khí hậu. Theo ông, tình trạng kéo dài hiện nay không chỉ làm giảm niềm tin người dân mà còn ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

Đồng thời, chuyên gia này cũng đề xuất Thành phố Hồ Chí Minh cần triển khai các giải pháp “thuận thiên” như xây dựng hồ điều tiết tại các khu đất trống, khơi thông kênh rạch, mở thêm mương thoát nước, sử dụng vật liệu lát vỉa hè có tính thấm nước cao... để tăng khả năng thẩm thấu và điều tiết nước mưa, giảm tải cho hệ thống cống.

Chống ngập là vấn đề cấp bách, có tác động trực tiếp đến chất lượng sống của người dân cũng như sự phát triển bền vững của Thành phố Hồ Chí Minh. Việc đánh giá tổng thể các giải pháp, đầu tư có trọng tâm, lựa chọn công trình có tính bền vững, đồng thời khơi thông nguồn lực từ xã hội là yêu cầu cấp thiết để mỗi đồng vốn đầu tư được sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí, góp phần đưa Thành phố thoát khỏi cảnh “mưa là ngập” kéo dài suốt nhiều năm qua.