Bạn bè Thụy Sĩ ấn tượng với sự phát triển của Việt Nam

Bà Margrit Schlosser cho biết Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ trong 50 năm qua, xây dựng được một nền kinh tế, mang lại cuộc sống ấm no cho dân và giúp nhiều người thoát cảnh đói nghèo.
0:00 / 0:00
0:00
Đại sứ Việt Nam Phùng Thế Long cùng bạn bè Thuỵ Sĩ. (Ảnh: Anh Hiển/TTXVN)
Đại sứ Việt Nam Phùng Thế Long cùng bạn bè Thuỵ Sĩ. (Ảnh: Anh Hiển/TTXVN)

Bác Hồ là biểu tượng sáng ngời cho lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, trí tuệ uyên bác và sự hy sinh vô bờ bến vì nhân dân, vì Tổ quốc.

Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025), phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ đã có cuộc trao đổi với những người bạn quốc tế về hình ảnh Việt Nam như một đất nước yêu chuộng hòa bình, tập trung phát triển kinh tế, chăm lo cho cuộc sống của toàn dân.

Tới Việt Nam lần đầu vào năm 1981, bà Margrit Schlosser luôn có tình cảm đặc biệt dành cho Việt Nam. Trong những lần trả lời truyền thông, người phụ nữ có nhiều năm gắn bó với quỹ nhân đạo Terre des Hommes khẳng định những câu chuyện về Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn mang đến cho bà những cảm xúc sâu sắc và ấn tượng đặc biệt về đất nước Đông Nam Á này.

Bà chia sẻ: “Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ trong 50 năm qua. Khi tôi lần đầu tới Việt Nam vào năm 1981, mọi thứ còn nhiều khó khăn. Phương tiện giao thông chủ yếu là xe đạp, gần như không có xe ôtô. Nhưng sau những lần quay lại Việt Nam, tôi nhận thấy sự phát triển rõ rệt. Trên đường phố có nhiều xe máy, xe ô-tô hơn. Việt Nam đã xây dựng được một nền kinh tế, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân và giúp nhiều người thoát khỏi cảnh đói nghèo."

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đề cập tới chủ trương tất cả dân tộc đều bình đẳng và phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ nhau như anh em. Đồng bào miền xuôi phải ra sức giúp đỡ đồng bào miền ngược cùng tiến bộ về mọi mặt; đồng thời, chính sách dân tộc phải hướng đến mục đích thực hiện sự bình đẳng giúp nhau giữa các dân tộc để cùng nhau tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Và theo bà Margrit Schlosser, dù các dân tộc ở miền núi ở Việt Nam còn gặp không ít khó khăn, nhưng đây là vấn đề chung mà nhiều quốc gia từng trải qua.

Bà cho biết: “Tôi chắc chắn rằng Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất gặp vấn đề này. Trước đây, Thụy Sĩ cũng rơi vào hoàn cảnh đó. Có lẽ một số người không tin nhưng chúng tôi vẫn còn người nghèo. Mọi vấn đề cần thời gian."

Hoạt động kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm nay có ý nghĩa đặc biệt với nhân dân Việt Nam khi Việt Nam vừa tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh (2/9/1945-2/9/2025).

Chia sẻ với phóng viên, sau khi tới Thành phố Hồ Chí Minh dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, ông Olivier Parriaux - công dân Thụy Sĩ từng "liều mình" treo lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh tháp nhà thờ Đức Bà ở Paris (Pháp) vào ngày 19/1/1969, bày tỏ niềm vui trước những phát triển của Việt Nam thời gian qua.

Ông chia sẻ: “Năm ngoái, tôi có dịp tới Việt Nam và mới đây cũng được mời sang dự sự kiện quan trọng của các bạn. Dù khoảng cách hai chuyến đi không quá cách nhau nhưng tôi nhận thấy Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh chóng. Ai cũng có thể thấy được điều đó, mọi người được hưởng nền giáo dục tốt và có mức sống khá. Tôi thấy điều này rất tích cực, đặc biệt là sau khi tôi tìm hiểu về những gì các bạn đã thay đổi sau quá trình Đổi mới năm 1986."

Nhân dịp này, ông Olivier Parriaux cùng những người bạn đã giới thiệu cuốn sách "Le Viet Cong au sommet de Notre-Dame" (tạm dịch: Cờ Việt Cộng trên đỉnh nhà thờ Đức Bà) phiên bản tiếng Đức.