Bản quyền: Chuyện chưa bao giờ cũ

NDO -

NDĐT – Trong thời buổi công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay, chuyện vi phạm bản quyền liên quan đến các nội dung số cũng theo đó mà tăng cao. Tuy nhiên, không phải đơn vị sở hữu nội dung số nào cũng quan tâm đến điều này, hoặc có quan tâm nhưng chưa biết làm thế nào đúng cách để bảo vệ “đứa con tinh thần” của mình. Kinh nghiệm từ nước ngoài hay từ các đơn vị đã áp dụng thành công việc bảo vệ sở hữu trí tuệ luôn là điều quý giá đối với các doanh nghiệp còn lại.

Nữ khán giả vi phạm bản quyền phim "Tấm Cám - Chuyện chưa kể" bị ghi biên bản tại rạp.
Nữ khán giả vi phạm bản quyền phim "Tấm Cám - Chuyện chưa kể" bị ghi biên bản tại rạp.

Hiện nay, nạn xâm phạm bản quyền ở Việt Nam xảy ra rất nghiêm trọng, tất cả các phim chiếu rạp đều có nguy cơ bị quay lén và đưa lên internet với chất lượng không tốt. Mới đây nhất, khi phim “Tấm Cám – Chuyện chưa kể” của BHD mới ra rạp, một nữ khán giả trẻ đi xem phim tại quận 7 đã bật chế độ livestream của điện thoại ghi lại toàn bộ nội dung bộ phim đưa lên trang cá nhân của mình. Hai đơn vị sản xuất của “Tấm Cám – Chuyện chưa kể” đã kịp thời liên hệ với rạp mời khán giả nữ đó ra ngoài làm việc, yêu cầu gỡ bỏ đoạn video, đồng thời lập biên bản tại rạp. Đây là một trong những trường hợp vi phạm bản quyền nghiêm trọng bị phát hiện tại Việt Nam.

Cũng như vậy, không khó để tìm được những bộ phim đình đám khác vừa ra rạp, kể cả phim Việt hay phim nước ngoài, dưới hình thức quay lén…. Và trong nhiều năm qua, các nhà sản xuất, phát hành phim đã phải đau đầu và vật lộn tìm cách đối phó với nạn này, bảo vệ đứa con tinh thần mà họ đã dày công đổ mồ hôi tạo nên.

Phim truyền hình cũng không phải ngoại lệ. Bà Phạm Thanh Thủy, đại diện K+ cho biết, nhiều phim truyền hình đã bị ghi lại, thậm chí ghi bằng công nghệ cao cho chất lượng tốt.

Ông Ngô Huy Toàn, Trưởng phòng Thanh tra báo chí và Thông tin trên mạng cho biết: “Ở Việt Nam, bảo vệ bản quyền rất khó vì có yếu tố đặc thù, nhưng đáng mừng là hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ và hoàn toàn tiếp cận với mặt tiến bộ về sở hữu trí tuệ ngày nay”.

Ông Toàn cũng cho biết thêm, sau một thời gian dài loay hoay tìm con đường bảo vệ sản phẩm của mình nhưng không được, nửa đầu năm nay đã có những doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư. Khi đã nắm bản quyền trong tay, việc kinh doanh bản quyền cũng dễ dàng hơn, các doanh nghiệp chủ động bảo vệ hơn và Nhà nước cũng có cơ hội làm tốt việc bảo vệ bản quyền cho các doanh nghiệp hơn.

Bà Phạm Thanh Thủy cho biết, K+ hiện nay là một trong những đơn vị áp dụng công nghệ bảo vệ bản quyền: “Chúng tôi có biện pháp bảo vệ, truy tìm được chính xác người phát tán phim trên mạng. Ngoài ra, chúng tôi cũng sử dụng công cụ pháp lý để bảo vệ sản phẩm của mình”. – bà Thủy nói.

Giống như K+, BHD cũng là đơn vị phải vật lộn tìm mọi cách để giữ an toàn cho sản phẩm của mình mỗi khi trình làng. họ cũng đang phát triển một công cụ cho phép theo dõi khoảng 40 triệu tài khoản Facebook, hàng nghìn website chia sẻ phim, thậm chí biết được website lậu, khi phát hiện dấu hiệu vi phạm lập tức gửi thư cảnh báo. Vi phạm bản quyền tạo ra nhiều hệ lụy, và tạo ra một vòng tròn luẩn quẩn: nhà làm phim Việt Nam nếu không thu được lợi nhuận ở rạp thì không có lãi, từ đó không có vốn tái đầu tư làm tiếp phim, dẫn đến người xem không có sản phẩm, kể cả xem “chùa”, bà Ngô Bích Hạnh, Phó Giám đốc BHD nhấn mạnh. “Sự vi phạm là không có giới hạn, và đây luôn là một cuộc chiến rất khó khăn” – bà Cẩm Tú, đại diện Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ tại Việt Nam nói.

Sử dụng các công cụ về pháp lý vô cùng quan trọng đối với các đơn vị sản xuất nội dung. Ông Ngô Huy Toàn chia sẻ, trước đây từng có một vụ liên quan đến một cá nhân ở vùng nông thôn sử dụng bộ thu tín hiệu K+ và phát lại cho người khác xem. Cơ quan chức năng đã phối hợp với công an địa phương xử lý trường hợp này.

Theo ông Ngô Huy Toàn, việc tuyên truyền phổ biến pháp luật tới người dân phải rộng rãi hơn nữa. Có những trường hợp vi phạm mà không biết mình vi phạm. Ông phân tích: Việc tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Binh Dương TTP như một cú hích có tác động tích cực tới các doanh nghiệp, cá nhân liên quan đến kinh doanh nội dung số, giúp họ có thêm động lực để chấp hành pháp luật Việt Nam và đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế. Ông Huy Toàn nói: “Khi doanh nghiệp nắm giữ bản quyền nhiều lên và nhận thức của từng cá nhân tăng lên, tình trạng vi phạm bản quyền sẽ giảm đáng kể”. Trước mắt, nhiều đơn vị đang tích cực cung cấp các dịch vụ nội dung có bản quyền, như K+ phục vụ các giải bóng đá hàng đầu thế giới, hay phim Việt mới ra rạp, hay BHD cung cấp dịch vụ xem phim theo yêu cầu. Điều này góp phần khuyến khích người dân sử dụng các nội dung có bản quyền, có chất lượng cao, từ đó tự so sánh và hình thành thói quen sử dụng sản phẩm “chính thống”, góp phần giảm nạn “xem chùa” đang nhức nhối hiện nay.