Phim Nhà nước đặt hàng:

Bao giờ thành phim phòng vé?

Nhằm tháo gỡ những nút thắt khiến các bộ phim do Nhà nước đặt hàng chưa thể ra rạp bán vé, Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đang hoàn thiện Nghị định quy định về phát hành, phổ biến phim phục vụ nhiệm vụ chính trị.

"Hồng Hà nữ sĩ", phim Nhà nước đặt hàng, chỉ được chiếu trong một số sự kiện, chưa được đến với đông đảo công chúng.
"Hồng Hà nữ sĩ", phim Nhà nước đặt hàng, chỉ được chiếu trong một số sự kiện, chưa được đến với đông đảo công chúng.

Nghị định được kỳ vọng sẽ bổ sung đầy đủ quy định pháp lý trong khâu phổ biến, phát hành phim sử dụng ngân sách nhà nước, phù hợp giai đoạn phát triển mới của công nghiệp văn hóa ở nước ta.

Gian nan đường ra rạp

Nhìn lại những năm qua, nhiều bộ phim như Bình minh đỏ, Phơi sáng, Hồng Hà nữ sĩ, Bà già đi bụi… dù được giới chuyên môn ghi nhận cũng như tạo hiệu ứng tốt nhưng vẫn chỉ được trình chiếu trong các dịp kỷ niệm, liên hoan, hoặc đưa về địa phương chiếu miễn phí, phục vụ nhiệm vụ chính trị, trong khi mục tiêu ra rạp cạnh tranh thì chưa thể. Bởi đây là những bộ phim được sản xuất từ nguồn ngân sách nhà nước thông qua cơ chế đặt hàng.

Sau hiện tượng phòng vé chưa có tiền lệ của phim do Nhà nước đặt hàng (phim Đào, Phở và Piano), phía đại diện Cục Điện ảnh phải mất đến cả nửa năm để tìm giải pháp nộp doanh thu về cho nhà nước, cũng do vướng cơ chế, quy định hành chính.

Đặt hàng sản xuất tác phẩm điện ảnh sử dụng ngân sách nhà nước là hoạt động thường xuyên, quan trọng trong lĩnh vực điện ảnh nhiều năm qua. Quy định chính sách nhà nước về phát triển điện ảnh tại Luật Điện ảnh năm 2022 nêu rõ, Nhà nước đầu tư, hỗ trợ sản xuất phim thực hiện theo kế hoạch phục vụ nhiệm vụ chính trị về đề tài lịch sử, cách mạng, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc, trẻ em, vùng cao, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam… Bên cạnh đó, quy định về “Sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước” chỉ rõ, việc sản xuất phim để phục vụ nhiệm vụ chính trị được thực hiện bằng hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu.

Theo các quy định hiện hành, 100% doanh thu từ các phim này vẫn phải nộp thuế và nộp vào ngân sách nhà nước. Trong khi đó, nếu muốn phát hành phim rộng rãi tại các hệ thống rạp chiếu trên toàn quốc, các cơ quan liên quan cần phải đưa ra được quy định cụ thể về tỷ lệ phần trăm doanh thu cho bên phát hành phim do Nhà nước đặt hàng, như bao nhiêu phần trăm doanh thu chia sẻ cho bên vận hành rạp chiếu, cho đơn vị sản xuất khi đưa phim ra bán vé… Đây được xem như là nút thắt trong việc đưa các bộ phim thuộc dòng này trở thành phim phòng vé đúng nghĩa, thay vì chỉ bảo đảm đủ tối thiểu một số suất chiếu phục vụ công chúng miễn phí rồi lưu kho.

Bao giờ được tháo gỡ?

Thực tế, nút thắt đã được cơ quan chức năng nhận thấy từ lâu, nhưng phải đến khi xảy ra hiện tượng phòng vé với bộ phim Đào, phở và piano, lời giải cho bài toán phim Nhà nước ra rạp mới càng trở nên cấp thiết. Nhà quản lý, chuyên gia và người làm nghề đều chung quan điểm cần sớm có quy định pháp luật nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở điện ảnh phát hành, phổ biến phim do Nhà nước đặt hàng.

Cục Điện ảnh là đơn vị được phân công tham mưu xây dựng và đang hoàn thiện Nghị định quy định về phát hành, phổ biến phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, dự kiến sẽ được ban hành trong năm 2025.

Theo Dự thảo Nghị định, phim phục vụ nhiệm vụ chính trị là phim nhằm mục đích tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp phần nâng cao nhận thức xã hội, bồi dưỡng tư tưởng, đạo đức, lối sống, lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và phục vụ các mục tiêu chính trị, xã hội. Nguyên tắc phát hành, phổ biến phim phục vụ nhiệm vụ chính trị cần phù hợp định hướng chính trị, tư tưởng, bảo đảm chất lượng nghệ thuật và phân loại nội dung theo pháp luật; bảo đảm sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước, tránh lãng phí.

Đáng chú ý, Dự thảo cũng nêu rõ việc khai thác nguồn lực tài chính từ phim phục vụ nhiệm vụ chính trị phải tuân theo cơ chế thị trường, hiệu quả, công khai, minh bạch; lựa chọn hình thức phát hành, phổ biến phù hợp với tính chất, đối tượng phục vụ của từng loại phim.

Căn cứ trên nguồn lực sản xuất, phim phục vụ nhiệm vụ chính trị dự kiến sẽ được phân loại như sau: Phim sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước; phim sử dụng một phần ngân sách nhà nước và phim không sử dụng ngân sách nhà nước. Trong đó, phim không sử dụng ngân sách nhà nước là phim được tổ chức, cá nhân trong nước hoặc nước ngoài đầu tư sản xuất bằng nguồn vốn ngoài ngân sách, nội dung đáp ứng tiêu chí phục vụ nhiệm vụ chính trị.

Riêng đối với phim phục vụ nhiệm vụ chính trị có sử dụng ngân sách nhà nước (toàn bộ hoặc một phần), Dự thảo cũng quy định hình thức, cách thức thực hiện, phương án phát hành, phổ biến. Theo đó, đại diện chủ sở hữu phim có sử dụng ngân sách nhà nước được tự chủ, tự quyết định lựa chọn hình thức, phương án, giá trị và đối tác trong phát hành, phổ biến phim theo hình thức phát hành, phổ biến phục vụ nhiệm vụ chính trị, không thu tiền; hoặc phát hành, phổ biến thương mại. Trường hợp theo phương thức thương mại, tiền bản quyền và phương thức thanh toán theo thỏa thuận giữa đại diện chủ sở hữu phim và tổ chức, cá nhân khai thác trên cơ sở cơ chế thị trường, căn cứ vào doanh thu bán vé, lợi nhuận. Cơ sở điện ảnh sản xuất, phát hành, phổ biến phim có trách nhiệm nộp số tiền bản quyền về ngân sách nhà nước sau khi trừ các khoản chi hợp lệ theo pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Trường hợp phim sử dụng ngân sách nhà nước mang lại lợi nhuận, các tác giả, chức danh sáng tạo và cá nhân thực hiện công việc mang tính sáng tạo trong phim được hưởng khoản tiền bản quyền khuyến khích với tổng mức không vượt quá 10% lợi nhuận thu được.

Dự kiến, Dự thảo Nghị định sẽ được triển khai xin ý kiến rộng rãi trong thời gian tới, với kỳ vọng mở rộng đường cho phim Nhà nước đặt hàng ra rạp.

back to top