Bảo tồn nghề dệt thổ cẩm ở Thanh Hóa

Dệt thủ công tạo ra những sản phẩm thổ cẩm và việc mặc trang phục dân tộc đã trở thành nét đẹp văn hóa độc đáo, là tập quán truyền thống của người dân tộc Thái, Mường ở Thanh Hóa. Tuy nhiên, hoạt động này đang có nguy cơ thất truyền.
0:00 / 0:00
0:00
Bà Maren Hahnfeld trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm ở thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước.
Bà Maren Hahnfeld trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm ở thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước.

DUY TRÌ NGHỀ DỆT THỔ CẨM

Tỉnh Thanh Hóa có hơn 666 nghìn người Thái và người Mường sinh sống, cư trú chủ yếu ở vùng bán sơn địa và 11 huyện miền núi. Nghề dệt thổ cẩm được trao truyền qua các thế hệ, trong đó giới nữ là chủ thể bảo tồn. Thời gian qua nghề dệt thổ cẩm và thói quen mặc trang phục truyền thống dần không còn phổ biến trong đồng bào dân tộc, vì vậy một số người đã chủ động, nỗ lực giữ gìn, trao truyền nghề.

Biết dệt thổ cẩm từ khi hơn 9 tuổi, hàng chục năm qua, bà Phạm Thị Bảo, sinh năm 1954, trú làng Nhỏi, xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc duy trì nghề dệt, mặc trang phục dân tộc Mường và mạnh dạn mang sản phẩm thổ cẩm đến chợ bán. Được Hội Phụ nữ và Hội Người cao tuổi xã đồng hành, bà Bảo cung ứng sợi cho 40 phụ nữ làm nghề, bao tiêu các sản phẩm thổ cẩm đem đi tiêu thụ. Bà Bảo cho biết, sản phẩm thổ cẩm truyền thống khá đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu mặc trang phục thường ngày và thực hành nghi lễ, tín ngưỡng, các hoạt động sinh hoạt cộng đồng.

Hiện cơ sở của bà sản xuất 44 sản phẩm cung ứng ra thị trường, trong đó có bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Mường huyện Ngọc Lặc đã được công nhận sản phẩm OCOP. Duy trì, phát huy nghề dệt, năng động tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ và quảng bá sản phẩm trên các trang Facebook cá nhân, cơ sở sản xuất, thuê dệt đồ thổ cẩm của bà Bảo không chỉ tạo việc làm, thu nhập khoảng 4 triệu đồng/người/tháng mà còn góp phần giữ gìn, phát huy nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống.

Chị Hà Thị Dung ở xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước là một người trẻ đam mê nghiên cứu, duy trì nghề dệt, phục chế các sản phẩm thổ cẩm cổ truyền. Chị phối hợp, liên kết với hàng chục phụ nữ khu vực Quốc Thành duy trì nghề trồng bông, se, nhuộm sợi bằng các loại thảo mộc; thu mua vải và các sản phẩm khác từ thổ cẩm. Cùng với việc mua sắm thiết bị, doanh nghiệp của chị Dung tổ chức may sản phẩm thổ cẩm tập trung, tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động với mức lương 6 triệu đồng/người/ tháng.

Bên cạnh trang phục truyền thống của đồng bào Thái, Mường, chị còn nghiên cứu, phục chế trang phục của các dân tộc Thổ, Dao; sản xuất các đồ sính lễ đám cưới, đồ vật phục vụ thực hành nghi lễ tín ngưỡng. Chị Dung cho hay, trong cơ chế thị trường, các sản phẩm thổ cẩm Thăng Dung đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt, nhưng chị tin tưởng xu thế tiêu dùng luôn lựa chọn những chất liệu vải thân thiện môi trường, bảo vệ sức khỏe con người; vì vậy chị tăng cường liên kết thực hiện quy trình trồng trọt, chế biến, dệt, may những sản phẩm thổ cẩm truyền thống.

Khôi phục và phát triển vùng nguyên liệu để duy trì nghề thổ cẩm ở Thanh Hóa được chú trọng. Ở khu vực Quốc Thành, huyện Bá Thước, người dân tái trồng cây dâu, nuôi tằm, kéo tơ; trồng cây bông, tách bông, xe thành sợi, nhuộm màu bằng chất chiết xuất từ các loại lá, vỏ cây. Bà Hà Thị Tinh ở thôn Lặn Ngoài cho biết, khăn Mường Khoòng được dệt bằng sợi bông, nhuộm màu bằng nước lá, vỏ cây đã được công nhận sản phẩm OCOP. Dệt, bán sản phẩm thổ cẩm tại điểm du lịch làng nghề đạt thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người/tháng, góp phần nâng cao đời sống, giúp người dân gắn bó với nghề thủ công truyền thống ở xã Lũng Niêm và các xã khu vực Quốc Thành.

TÌM HƯỚNG BẢO TỒN, PHÁT TRIỂN

Ông Phạm Văn Cường, Trưởng phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Ngọc Lặc ghi nhận: Cơ sở sản xuất, thêu dệt đồ thổ cẩm Bảo Hằng thiết thực tham gia bảo tồn, phát huy nghề truyền thống cho nên được tham mưu, đề cử công nhận Nghệ nhân nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống; nhưng cần sự hướng dẫn cụ thể, đồng hành trách nhiệm từ các ngành liên quan.

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đã cụ thể hóa trong nội dung đề án và lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm bảo tồn trang phục, phát triển nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Theo đó, quy hoạch, hỗ trợ thành lập, phát huy làng nghề truyền thống ở thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm với gần 100 hộ gia đình, tạo việc làm cho hơn 200 lao động. Dệt, trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm thổ cẩm tại điểm du lịch cộng đồng. Tổ chức 4 lớp đào tạo nâng cao trình độ cho hơn 100 lượt lao động hành nghề dệt thổ cẩm và khuyến khích liên kết, hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương khai thác, quảng bá nghề dệt thổ cẩm địa phương qua trang phục cùng các tiết mục văn nghệ truyền thống. Từ đó tái hiện và lan tỏa giá trị văn hóa bản địa, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch và văn hóa, điện ảnh tỉnh Thanh Hóa thông tin: Nhiều năm qua, cơ quan chuyên môn luôn hỗ trợ, đồng hành bảo tồn các tiết mục văn nghệ truyền thống, thường xuyên tổ chức thi trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trong tỉnh và tham gia các kỳ liên hoan văn nghệ, những ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Qua đó tôn vinh nét độc đáo, đặc trưng về trang phục dân tộc thiểu số; động viên, khích lệ đồng bào bảo tồn nghề dệt thủ công truyền thống, nhất là dệt, mặc trang phục thổ cẩm.

Bà Maren Hahnfeld, du khách đến từ Vương quốc Anh thích thú, trải nghiệm quy trình se bông, dệt thổ cẩm và bày tỏ sự khâm phục đức tính siêng năng, đôi bàn tay khéo léo, tư duy sáng tạo của những phụ nữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Làm nghề thiết kế thời trang, bà Maren Hahnfeld thông tin xu hướng người tiêu dùng các nước châu Âu rất thích, chọn mua các sản phẩm thổ cẩm sinh động, thêu dệt bằng nguyên liệu thân thiện môi trường.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Hoa, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, cần gắn đặc trưng văn hóa, phát huy bản sắc của mỗi dân tộc với phát triển sản xuất, du lịch; tôn vinh, hỗ trợ nghệ nhân bảo tồn, trao truyền nghề thủ công mỹ nghệ; khôi phục tri thức nghề, tái hiện, chuyển tải qua các loại hình văn nghệ dân gian. Tăng cường thời lượng trong chương trình giáo dục địa phương, đề cao, phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng trong giáo dục các thành viên bảo tồn, duy trì, trao truyền để góp phần bảo tồn và lan tỏa giá trị nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.