Biện pháp tối ưu trong giải quyết tranh chấp thương mại

Hòa giải là một biện pháp hữu hiệu để giải quyết các tranh chấp, các mâu thuẫn phát sinh trong đời sống xã hội. Phạm vi hòa giải bao trùm mọi mặt đời sống xã hội như dân sự, lao động, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại và các mâu thuẫn khác trong nội bộ nhân dân.

Ở Việt Nam, các thiết chế về hòa giải đã được hình thành từ rất lâu và chủ yếu bởi hai hình thức: hòa giải tại cơ sở và hòa giải tại Tòa án. Hòa giải tại Tòa án nhân dân là biện pháp do tòa án tổ chức và được thực hiện bởi các Thẩm phán và cán bộ tòa án đối với các vụ kiện dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại mà các bên tranh chấp có khởi kiện ra cơ quan Tài phán công (Tòa án) hoặc Tài phán tư (Trọng tài). Hòa giải tại tòa án hoặc Trọng tài là biện pháp bắt buộc mà Tòa án hay Trọng tài phải tiến hành khi giải quyết các vụ kiện và nó được quy định trong các văn bản pháp luật ngay từ ngày đầu thành lập ngành tòa án nhân dân.

Thực tế cho thấy, hòa giải tại cơ sở bao gồm các tổ hòa giải cơ sở do các cán bộ địa phương, những người có kiến thức hoặc có uy tín tại cụm dân cư thực hiện với sự bảo hộ và tạo điều kiện của UBND các cấp, chuyên hòa giải các mâu thuẫn trong nội bộ dân cư như: mâu thuẫn gia đình; hàng xóm láng giềng; khu dân cư với các quan hệ hôn nhân gia đình, thừa kế, tranh chấp đất đai... Ngoài ra, còn một số hình thức hòa giải do cơ quan phi Chính phủ thực hiện như tổ chức hòa giải lao động, hòa giải cạnh tranh...

Tuy nhiên, các hình thức hòa giải nêu trên là giải pháp khi các mâu thuẫn, tranh chấp nói chung và tranh chấp thương mại nói riêng giữa các bên đã xảy ra và họ khởi kiện ra cơ quan tài phán có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Các thể thức hòa giải cũng được tiến hành theo quy định bắt buộc, thủ tục khá rườm rà và cứng nhắc trong khi thỏa thuận của các bên rất đa dạng, thời gian giải quyết thường kéo dài gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ðáp ứng đòi hỏi này cần có loại hình hòa giải mới được tiến hành bởi các tổ chức có năng lực, chuyên nghiệp, hoạt động theo phương thức dịch vụ, trên nguyên tắc tự nguyện, đồng thời cần có cơ chế bảo hộ Nhà nước để kết quả hòa giải thành, đó là loại hình hòa giải thương mại ngoài tòa án.

Hòa giải thương mại ngoài tòa án do các trung tâm hòa giải thương mại thực hiện là loại hình hòa giải rất hiệu quả tại nhiều nước trên thế giới. Một số quốc gia lựa chọn cùng lúc ba loại hình hòa giải: hòa giải tại Tòa án thương mại quốc tế; Trọng tài thương mại quốc tế và Trung tâm hòa giải thương mại quốc tế, thậm chí các trung tâm hòa giải thương mại được hình thành bên cạnh các tổ chức Tòa án và Trọng tài - như ở Xin-ga-po, Hồng Công (Trung Quốc), Hàn Quốc, Anh, Mỹ... Ngoài việc đáp ứng các đòi hỏi về việc giải quyết tranh chấp đã xảy ra hoặc sẽ xảy ra, hòa giải thương mại ngoài tòa án còn góp phần tích cực trong việc giảm tình trạng quá tải các vụ việc tại các cơ quan Tòa án và Trọng tài, góp phần ổn định trật tự môi trường kinh doanh quốc gia.

Mở đường cho hướng phát triển hòa giải này, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã dành một chương XXXIII từ điều 416 đến 419 quy định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án. Thỏa thuận hòa giải thành ngoài tòa án được công nhận có hiệu lực thi hành như quyết định, bản án của tòa án.

Việc không công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án không ảnh hưởng đến nội dung và giá trị pháp lý của kết quả hòa giải thành ngoài tòa án (khoản 6 Ðiều 419 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015). Ðiều này có nghĩa một thỏa thuận hòa giải thành được coi là thỏa thuận mới, thỏa thuận sửa đổi, bổ sung cho các thỏa thuận trước đây (hợp đồng, phụ lục) và có giá trị ràng buộc đối với các bên. Nội dung thỏa thuận nếu được tòa án công nhận sẽ có giá trị thi hành theo quy định của Luật Thi hành án dân sự, trường hợp nếu không được công nhận các đương sự có quyền khởi kiện tranh chấp ra tòa án, Trọng tài để yêu cầu giải quyết nội dung đã thỏa thuận hòa giải thành theo thủ tục tố tụng tòa án hoặc trọng tài.

Trên cơ sở quy định của luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 22/2017/NÐ-CP ngày 24-2-2017 về Hòa giải thương mại. Theo đó, việc thành lập và hoạt động của các tổ chức hòa giải thương mại được chính thức quy định và hình thành trên thực tế. Nghị định quy định: Hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp theo quy định của nghị định này. Phạm vi giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại bao gồm: Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; tranh chấp giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại; tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng hòa giải thương mại.

Ðặc biệt, các thông tin liên quan việc hòa giải được giữ bí mật trừ khi các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Ðiều này giúp cho các bên tham gia tiến trình hòa giải có thái độ cởi mở, tin tưởng việc đàm phán dễ đi đến thống nhất, hòa giải thành công mà không phải lo nghĩ những phương án, giải pháp mà mình đưa ra trong các phiên hòa giải sẽ bị bên kia lợi dụng làm chứng cứ chống lại mình trong các vụ kiện sau này.

Kết quả hòa giải thành trước hết phụ thuộc vào chất lượng của đơn vị cung cấp dịch vụ hòa giải, vào đạo đức của hòa giải viên và nhất là sự ủng hộ của tòa án đối với việc công nhận kết quả hòa giải thành. Hòa giải viên cần có trình độ chuyên môn cần thiết về pháp luật, có hiểu biết về tập quán kinh doanh, thương mại của vụ việc và kinh nghiệm, nhất là phải có kỹ năng hòa giải, thái độ đề cao và tôn trọng tinh thần tự nguyện thỏa thuận của các đương sự. Rõ ràng, thiết chế hòa giải thương mại ngoài tòa án thông qua các tổ chức hòa giải và hòa giải viên sẽ đóng góp tích cực cho việc giải quyết các tranh chấp đã hoặc sẽ phát sinh trong xã hội, tạo động lực phát triển, thúc đẩy đầu tư và lành mạnh hóa môi trường kinh doanh.

NGUYỄN ĐÌNH TIẾN

(Tòa Kinh tế, TAND thành phố Hà Nội)