Bình Định phát triển công nghiệp hiện đại, thân thiện môi trường

Tỉnh Bình Định xác định công nghiệp là ngành kinh tế trụ cột, đóng vai trò then chốt trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp-đô thị-dịch vụ của khu vực miền trung, tỉnh đang nỗ lực khơi thông các nguồn lực phát triển công nghiệp theo hướng nhanh, bền vững và hiện đại.
0:00 / 0:00
0:00
Khu A Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định.
Khu A Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định.

Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nhiều năm qua tỉnh Bình Định đã tập trung làm tốt công tác quy hoạch gắn với đầu tư hạ tầng, mở rộng cơ sở vật chất và ban hành các cơ chế, chính sách để thúc đẩy kinh tế công nghiệp phát triển. Năm 2024 chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh tăng 10% so với cùng kỳ, vượt kế hoạch đề ra (từ 7-7,7%), mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2020-2024 và đạt hai con số lần đầu tiên kể từ năm 2010. Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp trong GRDP của tỉnh đạt 12,07%, vượt kế hoạch đề ra (từ 9,2-9,7%).

Định hướng của Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cho phép Bình Định mở ra một khung chính sách quan trọng, tạo nền tảng để địa phương tái định hình vai trò và hướng đi của ngành công nghiệp trong giai đoạn mới hiện nay. Theo Sở Công thương tỉnh Bình Định, với mục tiêu đến năm 2025 công nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực, đóng góp khoảng 30% GRDP toàn tỉnh, Bình Định cũng đặt mục tiêu xây dựng một số ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, hàm lượng khoa học-công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, dù có những bước phát triển tích cực, trong những năm qua ngành công nghiệp của tỉnh vẫn gặp nhiều thách thức. Các khu công nghiệp như Long Mỹ, Becamex VSIP, Khu kinh tế Nhơn Hội đã thu hút đầu tư và tạo đà tăng trưởng; nhưng những tồn tại như hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, thiếu liên kết chuỗi giá trị công nghiệp phụ trợ và những rào cản trong tiếp cận vốn, công nghệ vẫn là các yếu tố kìm hãm sự phát triển nhanh chóng của ngành.

Trước những điểm nghẽn này, tỉnh Bình Định đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt. Một trong những giải pháp quan trọng là hoàn thiện hạ tầng và mở rộng không gian công nghiệp. Tỉnh đang tập trung rà soát và điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo sự đồng bộ và hiện đại. Đồng thời, việc tăng cường đầu tư vào hạ tầng giao thông kết nối như các tuyến đường ven biển, tuyến cao tốc Bắc-Nam và các tuyến logistics nối cảng biển với khu công nghiệp sẽ tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững cho ngành công nghiệp tỉnh.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng công nghiệp nhanh và bền vững, tỉnh cũng xác định chiến lược thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án công nghiệp chế biến sâu, công nghệ cao và công nghiệp sạch. Các nhà đầu tư chiến lược sẽ được hưởng chính sách ưu đãi cạnh tranh, bên cạnh đó thủ tục hành chính sẽ được cải cách nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Tỉnh cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường quảng bá tiềm năng công nghiệp đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh. Những năm gần đây, tỉnh Bình Định tập trung phối hợp chặt chẽ với các cơ sở giáo dục và đào tạo tại địa phương và khu vực để đào tạo lực lượng lao động chất lượng, đáp ứng yêu cầu của các ngành công nghiệp trọng điểm như cơ khí chế tạo, tự động hóa, công nghệ vật liệu, điện tử và logistics. Đồng thời chú trọng hỗ trợ chuyển đổi số và áp dụng các công nghệ mới giúp doanh nghiệp hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đặc biệt, phát triển công nghiệp phụ trợ và tăng cường liên kết vùng là yếu tố chiến lược để xây dựng một nền công nghiệp bền vững. Các ngành phụ trợ như cơ khí chính xác, linh kiện điện tử, bao bì và hóa chất công nghiệp đang được địa phương chú trọng phát triển để hỗ trợ các ngành chủ lực như may mặc, gỗ và chế biến nông sản. Bên cạnh đó, thúc đẩy liên kết với các địa phương trong khu vực miền trung nhằm tạo ra chuỗi sản xuất-tiêu thụ quy mô lớn, tối ưu hóa nguồn lực và tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp trong toàn quốc.

Với những giải pháp cụ thể, đồng bộ và quyết tâm cao, Bình Định đang nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức để phát triển ngành công nghiệp bền vững; hy vọng năm 2025 tỉnh sẽ trở thành một cực tăng trưởng mới của khu vực miền trung, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của cả nước.