Chuẩn bị lộ trình đào tạo nhân lực cho dự án đường sắt tốc độ cao

Các chuyên gia đầu ngành, các nhà nghiên cứu cho rằng, để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đường sắt tốc độ cao cần một chương trình đào tạo hiện đại, thực tiễn và hội nhập quốc tế. Việc kết hợp giữa giảng dạy lý thuyết, thực hành, hợp tác doanh nghiệp và ứng dụng công nghệ sẽ giúp sinh viên có nền tảng vững chắc, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành đường sắt tốc độ cao tại Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa phối cảnh tàu cao tốc.
Ảnh minh họa phối cảnh tàu cao tốc.

Ngành đường sắt Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ, đặc biệt với dự án đường sắt tốc độ cao bắc-nam và quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị tại các thành phố lớn.

Trong 5 năm-20 năm tới, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này dự kiến tăng cao, với khoảng 26.000-32.000 người lao động cần thiết cho giai đoạn thi công và gần 14.000 người lao động cho giai đoạn vận hành. Ðiều này đòi hỏi đổi mới công tác đào tạo và tiếp cận các công nghệ hiện đại để bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao.

Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam dự kiến cần tới một lượng lớn nhân sự phục vụ công tác xây dựng vận hành và khai thác, quản lý. Ðào tạo nguồn nhân lực là một trong những yếu tố then chốt quyết định sự thành công của dự án trọng điểm quốc gia này.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Ðào tạo, cần có chính sách linh hoạt liên quan đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ cho dự án đường sắt cao tốc trong những năm sắp tới cũng như đào tạo nhân lực phục vụ phát triển hệ thống đường sắt nội thị (metro, tramway) để bảo đảm sự phát triển bền vững ngành giao thông vận tải.

Thực tế, nhiều ngành học liên quan dự án đường sắt những năm gần đây tuyển sinh rất khó, không thu hút được học sinh giỏi, thậm chí có những ngành không có người học như ngành vật liệu, luyện kim…

Ngành xây dựng nói chung và ngành cầu đường nói riêng những năm qua cũng tuyển sinh rất khó khăn. Tuyển sinh không đủ chỉ tiêu thì thiếu nguồn lực để duy trì ngành đào tạo, chưa nói đến sự phát triển của ngành nghề. Ðây là một thách thức lớn đối với đội ngũ nhân lực trong hiện tại. Vì vậy, chúng ta cần nhanh chóng củng cố chất lượng đào tạo các ngành liên quan.

Mặt khác, có chính sách khuyến khích sinh viên giỏi vào học những ngành ưu tiên đào tạo để triển khai dự án. Chính sách hỗ trợ đào tạo sinh viên ngành sư phạm là kinh nghiệm tốt để chúng ta đào tạo nhân lực chất lượng cao những ngành mà đất nước đang cần.

"Về phía các trường đại học có đào tạo các ngành liên quan cần củng cố, nâng cao chất lượng đào tạo, tuyên truyền ngành nghề, cơ hội việc làm để tuyển được nhiều sinh viên giỏi vào học. Bên cạnh đó, tập hợp chuyên gia thành các nhóm nghiên cứu mạnh, đăng ký thực hiện các đề tài nghiên cứu chuyên sâu liên quan lĩnh vực đường sắt tốc độ cao như thiết kế đường, cầu, tự động hóa, động học đầu máy, toa xe…

Những trường đã có kinh nghiệm đào tạo ngành đường sắt thì nhanh chóng liên kết với các trường đại học có chương trình đào tạo chuyên sâu về đường sắt tốc độ cao để gửi sinh viên, giáo viên đến học tập, nghiên cứu. Mở các chương trình liên kết đào tạo đồng cấp bằng chuyên sâu về đường sắt tốc độ cao trình độ đại học và sau đại học.

"Vì đường sắt tốc độ cao liên quan rất nhiều lĩnh vực, cho nên chúng ta cần đào tạo một số tổng công trình sư, những người có khả năng bao quát, nắm rõ chuyên môn, có kinh nghiệm trong thực tiễn sản xuất để chỉ đạo triển khai các tiểu dự án trong dự án tổng thể", ông Ga nhấn mạnh.

Tại hội thảo "Công nghệ xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cho dự án đường sắt tốc độ cao" do Trường đại học Bách Khoa, Ðại học Ðà Nẵng phối hợp Sở Giao thông và vận tải thành phố Ðà Nẵng vừa tổ chức, nhiều ý kiến đề xuất đã được đưa ra bàn thảo. Hội thảo hướng đến mục đích tạo diễn đàn để các chuyên gia, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra giải pháp thực tế.

Các đại biểu tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến cho chương trình đào tạo chuyên ngành xây dựng đường sắt - metro mà Trường đại học Bách khoa đang triển khai. Ðây là bước đi chiến lược nhằm xây dựng chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế, cung cấp nhân lực chất lượng cao cho các dự án đường sắt tốc độ cao và metro trong tương lai.

Theo ông Hoàng Anh Dũng, Phó Trưởng ban Quản lý kết cấu hạ tầng, Tổng công ty Ðường sắt Việt Nam, chương trình đào tạo nguồn nhân lực với ba loại hình đào tạo gồm đào tạo trong nước, đào tạo nước ngoài và kết hợp đào tạo trong nước và nước ngoài với các cấp độ là công nhân, kỹ sư, thạc sĩ và tiến sĩ. Ông Dũng đề xuất bố trí kinh phí từ dự án để đào tạo cho cơ quan quản lý nhà nước, đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên, cấp học bổng cho học viên các chuyên ngành đặc thù, xây dựng phòng thí nghiệm dùng chung để phục vụ đào tạo, nghiên cứu và phát triển.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Hoàng Nam, Phó Trưởng khoa Xây dựng Cầu đường, Trường đại học Bách khoa, Ðại học Ðà Nẵng cho biết: Dự án đường sắt tốc độ cao trục bắc-nam dài 1.500 km sẽ cần hàng trăm kỹ sư thiết kế, để tham gia thiết kế, cũng như cần hàng nghìn kỹ sư và công nhân bậc cao trong quá trình thi công và quản lý vận hành. Ngoài ra, một dự án thành phần là cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt thống nhất khổ 1.000 mm hiện hữu, cũng cần hàng nghìn nhân lực. Các trường đại học cần lập kế hoạch phát triển đào tạo trong giai đoạn 5-10-15 năm tới một cách phù hợp. Các trường đại học cần có chính sách học bổng, khuyến khích sinh viên theo học ngành đường sắt tốc độ cao. Xây dựng lộ trình nghề nghiệp rõ ràng để thu hút nhân tài chất lượng cao vào ngành đường sắt cũng như tăng cường hợp tác với các bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan để sinh viên có cơ hội thực tập và làm việc sau khi tốt nghiệp.

Tổng Giám đốc, Công ty cổ phần Tư vấn và Ðầu tư Invest Global Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, cần thành lập học viện đường sắt tốc độ cao riêng để đào tạo nguồn nhân lực, với chức năng, nhiệm vụ hợp tác, liên kết, phối hợp các công ty đầu tư, quản lý khai thác đường sắt lớn, nhiều kinh nghiệm trên thế giới để lên kế hoạch về nhân sự cụ thể. Học viện là cơ sở tổ chức và quản trị các chương trình đào tạo để phát huy lợi thế sẵn có của các cơ sở đào tạo hiện nay.

Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam, đi qua 20 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài khoảng 1.541 km. Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao bắc-nam, khối nhân lực khai thác vận hành (vận hành chạy tàu và bảo trì hệ thống, từ năm 2035-2036) cần khoảng 13.880 lao động, trong đó khoảng 20% có trình độ đại học trở lên (hơn 2.500 kỹ sư). Khối xây dựng là nhóm có nhu cầu nhân lực lớn nhất, lên tới 220.000-240.000 người. Tại thời kỳ cao điểm, cần tới 18.000-20.000 kỹ sư, với 20-30% trong số đó là kỹ sư chuyên ngành xây dựng đường sắt (hạ tầng, phương tiện đường sắt).