Một vùng đất với hơn 7.000 người dân thì có hơn 4.000 người đã chết bởi bom đạn chiến tranh, 1.347 liệt sĩ, gần 400 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 5 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và là xã 3 lần được phong tặng Anh hùng (hai lần là Anh hùng Lực lượng vũ trang, một lần là Anh hùng trong hòa bình).
Khi chưa được đến Bình Dương đã có lúc, một câu hỏi thường vang lên trong tôi: “Nếu đến Bình Dương tôi sẽ bước đi như thế nào? Lương tâm tôi, bàn chân tôi có đủ sạch để đặt lên mảnh đất kỳ vĩ, thiêng liêng, anh hùng và bi thương ấy không?”.
![]() |
Tuyển tập thơ, văn Khát vọng hòa bình. |
Khi đọc hai tập sách: Bình Dương - vùng đất anh hùng và Vườn Mẹ rồi sau này là Xa và Gần, tôi đã đứng một mình trước những cuốn sách đó và cúi đầu trong im lặng để bày tỏ lòng tôn kính, sự biết ơn đối với những người Bình Dương đã từng sống và chiến đấu trên mảnh đất kỳ vĩ này. Và lúc đó, tôi cũng muốn nói với những người đang sống, đang được hưởng hòa bình rằng: “Chúng ta xây dựng tượng đài Bình Dương không chỉ bằng lòng mang ơn, sự kính phục mà bằng cả sự sám hối.
Bởi lúc nào đó, ở đâu đó trong những ngày hòa bình, chúng ta đã phản bội lại nhân dân mình - những người đã hy sinh tất cả cho mảnh đất này bởi chính ý thức và hành động sống ích kỷ và hèn nhát của chúng ta”.
Và lúc này, sau 50 năm chiến tranh đã chấm dứt trên Tổ quốc Việt Nam, một tượng đài về Bình Dương đã được dựng lên bằng ngôn từ mang tên “Khát vọng hòa bình”.
Đây là một tập bút ký và thơ của rất nhiều tác giả, đáng chú ý, có sự tham gia của nhiều nhà văn tên tuổi ở các thế hệ khác nhau và cả những chính khách. Đó là những nhà văn từng chiến đấu trên chính mảnh đất Bình Dương và đã ngã xuống trên mảnh đất này như Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý. Đó là những nhà văn đã tham gia cuộc chiến tranh như một người lính quả cảm và kiêu hãnh, họ là những Nguyên Ngọc, Thanh Thảo, Bùi Minh Quốc, Cao Duy Thảo, Thái Bá Lợi, Thanh Quế, Trung Trung Đỉnh… Đó là những nhà văn đã viết bằng lương tri mình, họ là Ý Nhi, Y Ban, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Tham Thiện Kế, Phan Đức Nhạn, Hồ Sỹ Bình…
Lịch sử của Bình Dương trong cuộc chiến tranh tàn khốc và kỳ vĩ như một huyền thoại này không chỉ được viết bởi chính những con người trực tiếp tham dự và góp một phần làm nên lịch sử ấy mà tiếp tục được viết bởi những nhà văn cầm bút trong những năm tháng hòa bình. Và tôi tin, các nhà văn trong tương lai sẽ vẫn tiếp tục viết về Bình Dương. Bởi bất cứ ai cũng không được phép lãng quên lịch sử đó. Và lịch sử đó không phải là một quá khứ và không chỉ thuộc về quá khứ. Nó luôn là một phần sống của mọi hiện tại. Nó là một di sản tinh thần cho mọi thời đại. Nó cho con người lấy đó là một tấm gương để soi vào khát vọng và ý chí sống của mình, của thời đại mình trong mọi hoàn cảnh.
Đó là lịch sử một vùng đất mang tên Bình Dương của Quảng Nam mà từ xa xưa, những người sống trong những năm tháng chiến tranh đều biết đến bởi sự tàn khốc, bởi sự mất mát, sự hy sinh và ý chí bất diệt vì độc lập, tự do của một dân tộc. Tôi luôn nghĩ rằng: Chúng ta chỉ cần đặt bất kỳ một hạt cát, một nắm đất Bình Dương vào bất kỳ không gian nào thì nơi ấy sẽ biến thành một bảo tàng, bởi mỗi một hạt cát, mỗi một nắm đất ở đây là một hiện vật, là một di tích vô giá đã thấm máu của những người Bình Dương và cả những người con ở những vùng miền khác đã chiến đấu ở Bình Dương.
Đó là một bảo tàng cho khát vọng hòa bình đúng nghĩa nhất trong đời sống của con người đương đại không chỉ của xã Bình Dương, không chỉ của Quảng Nam, không chỉ của dân tộc Việt Nam mà là một bảo tàng của nhân loại. Để chính trong đời sống đương đại, con người cảm nhận được quá khứ vẫn ở bên cạnh họ, đi cùng họ, thức cùng họ, mơ giấc mơ cùng họ với tất cả những ký ức buồn đau, đẹp đẽ và đầy kiêu hãnh của người và đất Bình Dương.
“Khát vọng hòa bình” là cuốn sách mà chúng ta cần phải có, cần phải đọc để nhận thấy cái giá mà chúng ta đã phải trả cho hòa bình lớn lao và đau đớn đến nhường nào. Có lúc nào đó trong cuộc sống đời thường, nếu chúng ta đánh mất hay để trái tim, trí óc lãng quên về vùng đất Bình Dương thì chúng ta là người mang tội. Cuốn sách khơi gợi, mang đến rất nhiều điều và ngày ngày vẫn gửi đi thông điệp lớn lao cho những người đang sống. Tôi tin rằng: Đến một ngày tất cả những ai đến đây sẽ được sống lại trong lịch sử đó và họ sẽ tìm thấy những giá trị cho một thời đại mới và cho cả tương lai của họ. Bình Dương sẽ dạy cho con người biết sống trung thực, không hèn nhát, không dối trá và biết hiến dâng cho những điều đẹp đẽ của con người.
Xin hãy nghe những câu thơ của nhà thơ Ý Nhi:
Dù chỉ một lần bước trên
cát nóng
chỉ một lần hiểu thấu
khúc ca kia
suốt đời tôi chẳng thể bao giờ
đặt bút viết những điều
dối trá.
Xin hãy lắng nghe những câu thơ của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến:
Trước tượng đài mẹ
ai dám sống hèn đi
ai quên mất
máu bao người
đã khuất
ta đối diện ta
đối mặt cùng sự thật
trước ánh sáng mặt trời
và ánh lửa trong tim
Để đất nước bước vào một kỷ nguyên mới, tấm bản đồ hành chính Việt Nam sẽ có những thay đổi để phù hợp, để tạo ra cơ hội cho sự cất cánh của dân tộc. Một số địa danh trong đó có Bình Dương có thể thay đổi. Nhưng trong “tấm bản đồ của lương tri’’ con người, Bình Dương mãi mãi còn đó, mãi mãi tỏa sáng bi thương, kiêu hãnh và kỳ vĩ.