Hiện nay, toàn tỉnh Bình Phước có 41 dân tộc anh em sinh sống; trong đó, dân tộc thiểu số có khoảng 206.000 người, chiếm 19,67% số dân toàn tỉnh (Xtiêng 9,72%, Tày 2,5%, Nùng 2,4%, Khmer 1,94%, Mnông 1,09% còn lại là người Hoa và các dân tộc khác). Đồng bào sinh sống đan xen trên địa bàn 111 xã, phường, thị trấn, chủ yếu tập trung ở địa bàn miền núi, vùng sâu, biên giới, có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng-an ninh và môi trường sinh thái.
Nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, tỉnh Bình Phước triển khai lồng ghép nhiều chương trình một cách hiệu quả. Đó là đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là điện, đường, trường, trạm ở vùng đồng bào dân tộc và miền núi đã đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Cùng với đó, công tác dân tộc và phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh triển khai nghiêm túc, đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả. Các hoạt động phối hợp chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số được tổ chức sâu rộng, thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị. Công tác phối hợp tuyên truyền, vận động đã phát huy hiệu quả; các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững... được người dân, nhất là người có uy tín đồng tình hưởng ứng và tích cực tham gia. Đội ngũ người có uy tín thật sự là cầu nối quan trọng giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, vận động, bảo vệ an ninh trật tự, giữ gìn bản sắc văn hóa, tham gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng chí Đỗ Đại Đồng, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bình Phước cho biết: Năm 2024, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã tập trung nguồn lực để hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đồng thời, phân bổ hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo dân tộc thiểu số. Kết quả, đã hỗ trợ và xây dựng 702 căn nhà, trị giá hơn 52 tỷ đồng; sửa chữa 57 căn, trị giá 1,5 tỷ đồng; hỗ trợ, giúp đỡ sản xuất cho 612 người dân, trị giá gần 5 tỷ đồng, hỗ trợ 1.092 học sinh có hoàn cảnh khó khăn với trị giá hơn 7 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngay từ đầu năm 2025, việc triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, ngành triển khai quyết liệt và dự kiến hơn 600 căn nhà sẽ được hoàn thành trước ngày 30/4 để chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.
Với chủ đề “Mái ấm cho đồng bào tôi”, thời gian qua cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân trên địa bàn huyện biên giới Lộc Ninh đã huy động mọi nguồn lực, chung tay giúp người nghèo có mái ấm để an cư lạc nghiệp. Thăm ngôi nhà mới được sửa chữa của bà Đặng Thị Lan ở ấp Hưng Thủy, xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh, bà Lan không giấu được niềm vui: “Gia đình tôi thuộc diện chính sách, trước đây được xét xây nhà tình nghĩa. Qua thời gian sử dụng nhiều năm, nhà bị xuống cấp nghiêm trọng cho nên tôi làm đơn xin được hỗ trợ sửa chữa nhà. May mắn nhà tôi đã được hỗ trợ trong diện xóa nhà tạm, nhà dột nát đợt này với kinh phí 50 triệu đồng. Nhà nước hỗ trợ tiền, gia đình tôi không có tiền góp thêm nhưng có các con trai là thợ xây nên góp công sửa chữa, vừa tiết kiệm chi phí vừa làm được nhiều hạng mục hơn. Tuổi cao, sức yếu, thường xuyên đau ốm, được Nhà nước hỗ trợ sửa nhà lần này tôi rất vui, biết ơn Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương đã quan tâm đến gia đình chính sách, giúp tôi có được căn nhà vững chắc lúc tuổi già”.
Đến nay, Bình Phước có 97 già làng và 330 người có uy tín trong cộng đồng. Đây là những già làng, người có uy tín luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở địa phương, là cầu nối quan trọng giữa chính quyền với nhân dân, là địa chỉ tin cậy của cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội; có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thời gian qua, thông qua các ý kiến của già làng, người có uy tín, một số khó khăn, bất cập trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được các cấp chính quyền quan tâm giải quyết kịp thời. Một số phong tục tập quán lạc hậu trong sinh hoạt đời sống, tình trạng bán điều non, vay tiền lãi suất cao, cầm cố đất, bán đất, lừa đảo vay vốn ngân hàng để chiếm đoạt quyền sử dụng đất trong vùng dân tộc thiểu số… được các già làng, người có uy tín trong cộng đồng phối hợp với chính quyền các cấp vận động, tuyên truyền và giải quyết tận gốc rễ vấn đề. Nhờ đó, đến nay tình trạng nêu trên không còn nữa.
Mặc dù đã hơn 75 tuổi, nhưng già làng Điểu Cu (thôn Phu Mang 1, xã Long Hà, huyện Phú Riềng) vẫn tận tâm với công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Già làng Điểu Cu chia sẻ: “Những năm qua, tôi đã vận động con cháu, người thân, bà con nói không với tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè, nghiện hút và làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương vận động bà con phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với những hoạt động truyền đạo trái pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; phối hợp với ban thôn vận động người dân, tín đồ, tín hữu chăm lo phát triển sản xuất, kinh doanh, tích cực tham gia xây dựng quy ước, hương ước trong thôn, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn mới, giảm nghèo bền vững”.