Bình Phước đóng góp làm nên đại thắng

Nằm ở cửa ngõ miền Đông Nam Bộ, Bình Phước là vùng đất ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Bình Phước là căn cứ địa vững chắc của cách mạng, góp sức, góp của cho Đại thắng mùa xuân năm 1975.
0:00 / 0:00
0:00
Bà Đỗ Thị Nghĩa kể lại những kỷ niệm không thể nào quên.
Bà Đỗ Thị Nghĩa kể lại những kỷ niệm không thể nào quên.

Với khí chất của người dân miền Đông “gian lao mà anh dũng”, trong suốt chiều dài lịch sử, quân và dân tỉnh Bình Phước luôn tỏ rõ chí khí kiên trung, quật cường, sẵn sàng hy sinh cả của cải và tính mạng vì sự nghiệp cách mạng giành độc lập, thống nhất đất nước. Đồng chí Mạc Đình Huấn, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận tỉnh ủy, cho biết: “Trong những chiến thắng ở Bình Phước, chiến dịch Phước Long-Đồng Xoài năm 1965 đã đi vào lịch sử, làm thất bại chiến lược Chiến tranh đặc biệt, buộc đế quốc Mỹ phải bị động chuyển sang chiến lược Chiến tranh cục bộ, ồ ạt đưa quân vào tham chiến tại miền nam. Thắng lợi của chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972 đã giải phóng hoàn toàn các huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập và nhiều mảng ấp chiến lược, mở rộng vùng căn cứ nối liền biên giới Campuchia, hình thành hậu phương trực tiếp cho chiến trường B2. Lộc Ninh trở thành thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam. Sân bay quân sự Lộc Ninh cũng chính là nơi vinh dự đón hàng trăm người con ưu tú, trung kiên của cả nước từ các nhà tù Mỹ-ngụy trở về”.

Những ngày đầu tháng 4 lịch sử, trong căn nhà nhỏ tại xã Lộc Tấn của bà Đỗ Thị Nghĩa - Trưởng ban Vận động nữ kháng chiến huyện Lộc Ninh, không khí như sống lại một thời bom đạn. Các thành viên từng cùng nhau băng rừng, lội suối dưới làn mưa bom bão đạn của quân thù rộn ràng kể lại những kỷ niệm chở người, cứu thương, dẫn đường cho bộ đội. Cựu nữ du kích Đỗ Thị Nghĩa (hay còn gọi là Tư Nghĩa) chia sẻ: “Khi nhận được lệnh của Trung ương Cục về quyết tâm giải phóng Lộc Ninh, để biến nơi đây thành bàn đạp, căn cứ cách mạng, chúng tôi được điều động từ Bình Long về. Người tải thương, tải đạn, tải lương thực; người được phân công tải vũ khí… tất cả tập trung cho chiến đấu. Lúc đó, để giải phóng từng vùng, từng mảng, chúng tôi mừng lắm! Trên vai mỗi người vác 50 kg, đi ngày đi đêm mà không mệt”.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, xã Lộc Tấn, nay thuộc huyện Lộc Ninh - là địa bàn có lợi thế về địa hình, chính trị, quân sự, kinh tế-xã hội và dân cư; bảo đảm an toàn cho các hoạt động lãnh đạo cách mạng của Đảng, đồng thời trở thành ngôi nhà chung của cán bộ, bộ đội chủ lực và du kích địa phương lưu trú, sống, chiến đấu vì độc lập dân tộc. Bà Nguyễn Thị Lan, thành viên Ban Vận động Nữ kháng chiến Lộc Ninh kể: “Bấy giờ, tôi được biên chế vào đơn vị bộ đội chủ lực. Thời điểm chuẩn bị giải phóng Lộc Ninh, tôi đóng quân ở khu vực Cầu Trắng. Chiến sự rất ác liệt. Quân đội tiến vào được cũng nhờ sự hỗ trợ tích cực của địa phương, đặc biệt là du kích dẫn đường. Với tinh thần vì hòa bình, độc lập và sức mạnh đoàn kết của quân-dân, chúng tôi quyết tâm chiến đấu giải phóng Lộc Ninh, rồi tiến về giải phóng Sài Gòn”.

Hàng vạn người con của Bình Phước cùng bao người con từ khắp mọi miền đất nước đã chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc, vì Bình Phước và vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất này. Biên niên sử hào hùng của Đảng bộ tỉnh được viết nên bằng biết bao mồ hôi, nước mắt và cả dòng máu đỏ của lớp lớp cán bộ, đảng viên trung kiên qua các thời kỳ.

Đồng chí Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho biết: “Chiến tranh đã lùi xa nhưng vết thương chiến tranh vẫn còn đó, dai dẳng và âm ỉ, đòi hỏi sự chung tay, đoàn kết và quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị. Dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết, phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng, đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Tính đến năm 2024, quy mô nền kinh tế của tỉnh đạt hơn 115 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 92 lần so với thời điểm tái lập tỉnh năm 1997. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 9,4%, cao hơn mặt bằng chung của cả nước. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến nay đạt gần 5 tỷ USD. Tỷ lệ đô thị hóa đạt hơn 41%, và thu nhập bình quân đạt hơn 108 triệu đồng/ người/năm”.

Với những đóng góp to lớn trong suốt quá trình kháng chiến, kiến thiết và dựng xây quê hương, đất nước, tỉnh đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý. Nhân dịp 50 năm Ngày giải phóng tỉnh (23/3/1975-23/3/2025), Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Phước vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất.