Ông Tài (51 tuổi, sống tại Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) kể, ông biết đến Truyện Kiều từ nhỏ, khi gia đình còn sống tại khu Thông Tây Hội, quận Gò Vấp. Trong xóm, các bậc cao niên, giáo viên cũng hay rủ nhau đọc, lẩy và bói Kiều mỗi khi có thời gian nhâm nhi tách trà. Ban đầu ngồi nghe vì tò mò, dần dà, cậu trò Tài ngày ấy thấy Truyện Kiều có nhiều điều thú vị nên nảy ra ý định mua thêm sách để tìm hiểu sâu hơn. Kể từ đó, cha mẹ hay người lớn cho tiền quà vặt, ông chẳng dám xài, cắc củm từng đồng mua Truyện Kiều với nhiều phiên bản khác nhau. Số tiền chắt chiu chẳng được bao nhiêu, ông lân la các cửa hàng sách cũ, vựa ve chai, bỏ công hàng giờ miệt mài chọn lựa những đầu sách, tạp chí, ấn phẩm thú vị. Bộ sưu tập quý giá bắt đầu từ cửa hàng sách cũ sau giờ tan trường của cậu trò say mê tìm tòi. Có lần chịu khó mày mò ở gánh ve chai, ông tìm được cuốn Kiều quý đã cũ mèm, sờn rách.
Lên các bậc học cao hơn, thú vui tao nhã ngày bé tiếp tục phát triển với sự đầu tư, chăm chút ngày càng công phu. Hiểu và cảm nhận rõ cái hay, sự độc đáo của Truyện Kiều, ông Tài dần mở rộng kênh tìm kiếm với mong muốn sưu tập được nhiều ấn phẩm, vật phẩm mang dấu ấn riêng. Sau khi tốt nghiệp đại học và đi làm, phần lớn tiền kiếm được, ông chẳng lo sắm sửa, vui chơi mà chủ yếu tập trung bổ sung, nâng cấp các bộ sưu tập.
Thời ấy, ông quen mặt và lưu số điện thoại hầu hết các chủ cửa hàng sách cũ tại Thành phố Hồ Chí Minh kèm lời dặn quen thuộc “Có gì liên quan Truyện Kiều hay hay, độc đáo thì gọi liền cho con nhé cô, chú”. Tìm ở thành phố chưa đủ, mỗi lần công tác hay có dịp thăm thú đó đây, ông đều tận dụng thời gian đi săn tìm các ấn phẩm cho bộ sưu tập đặc biệt của mình.
Và đọc sách thôi chưa đủ, ông còn tự học chữ Hán để tìm hiểu các ấn phẩm nghiên cứu chuyên sâu, tài liệu cổ vì muốn có góc nhìn toàn diện hơn về Truyện Kiều. Ông Tài cho biết, càng tìm hiểu, ông càng thấy việc mình sưu tầm không đơn thuần là một thú chơi. Nghiên cứu sâu giúp ông bắt đầu sàng lọc, tìm mua và lưu giữ nhiều ấn phẩm, vật phẩm có giá trị thay vì chạy theo số lượng. Bạn bè, người quen biết ông đam mê sưu tầm Truyện Kiều nên đi đâu thấy sách hiếm, vật phẩm độc đáo đều thông tin hoặc mua giúp, xách tay về Việt Nam.
Đến thời điểm hiện tại, ông đang lưu giữ hơn 1.600 ấn bản Truyện Kiều bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau trên thế giới. Trong đó, có nhiều ấn phẩm nổi tiếng như Truyện Kiều bản Nôm năm 1906 của nhà in Liễu Văn Đường (Hà Nội), bản thảo và bản in tác phẩm “Kim Túy tình từ” năm 1917 của tác giả Phạm Kim Chi, “Văn tập Kiều của cô B” in năm 1930… Bên cạnh các ấn bản giá trị nêu trên, bộ sưu tập còn có 480 tạp chí, sách văn học cổ có bài viết về Truyện Kiều cùng các vật phẩm, tranh, ảnh, đồ gốm xoay quanh chủ đề này.
Ông Tài đã biến căn nhà rộng rãi của mình thành kho lưu trữ với la liệt kệ lớn nhỏ khắp nơi. Nhiều sách và vật phẩm là vậy nhưng nhà sưu tầm này ghi nhớ từng cuốn, sắp xếp cẩn thận để không mất mát, hư hỏng. Từ phòng ngủ đến nơi làm việc, toàn bộ không gian được ông ưu tiên lưu trữ sách và các vật phẩm. “Chỉ cần nghe ai đó nói về Truyện Kiều, xác nhận thông tin chính thống và nội dung phù hợp, xa mấy tôi cũng tìm cách liên lạc để hỏi thăm, tìm mua hoặc trao đổi. Nhiều cuốn sách khi mua về đã quá cũ hoặc tài liệu cổ bị mất bìa, mục nát, tôi tìm người uy tín “cứu” sách, khôi phục từ bìa đến trang trong sao cho gia tăng tuổi thọ mà vẫn giữ nguyên giá trị vật phẩm sưu tầm. Nhà tôi chỗ nào cũng xịt mối mọt rất kỹ và sử dụng nhiều biện pháp để bảo quản sách”, ông Tài cho biết thêm.
Hành trình tìm kiếm và lưu giữ các vật phẩm văn hóa có giá trị chưa bao giờ dễ dàng. Với ông Tài, đó là cả chặng đường dài vừa làm vừa học, lặn lội khắp nơi, góp nhặt bao điều ý nghĩa. Ông học từ các chủ cửa hàng sách cũ đến bạn bè cùng giới sưu tầm và cả những người xa lạ. Cách đây 8 năm, đọc thông tin trên mạng thấy một nhà sưu tầm tại Nha Trang đang sở hữu bản Truyện Kiều bằng tiếng Hungary, ông Tài đi các nơi hỏi số điện thoại của bên cần liên lạc rồi mua vé máy bay đến nhà họ trò chuyện, thuyết phục. Cũng năm đó, ông chấp nhận đổi 40 cuốn sách quý có sẵn trong nhà cùng khoản tiền không nhỏ để sưu tập cho bằng được cuốn “Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du” xuất bản năm 1942.
Nhiều người nghĩ rằng, ông Tài sẽ lưu giữ bộ sưu tập trong gia đình, thi thoảng mời bạn bè đến nhà chiêm ngưỡng hoặc tổ chức vài cuộc triển lãm cá nhân quảng bá thông tin. Thế nhưng, ông đã có một quyết định bất ngờ: mở bảo tàng tư nhân ở Hội An (tỉnh Quảng Nam) để giới thiệu các vật phẩm do mình sưu tập.
Tại CSO Gallery, không gian trưng bày do ông Tài đầu tư, Truyện Kiều là nội dung được đầu tư nhiều nhất. Mỗi góc trưng bày đều có câu chuyện đi kèm và người kể chính là nhà sưu tầm Trần Hữu Tài và các nhân viên do đích thân ông đào tạo kỹ càng. Tại nhà riêng ở Quận 7 vẫn có những tranh ảnh, sách và vật phẩm về Truyện Kiều phục vụ bạn bè, người thân. Với kiến thức có được sau thời gian dài nghiên cứu về Truyện Kiều, ông Tài còn nhận lời mời đến nhiều trường đại học, các tổ chức văn hóa trên cả nước để trò chuyện về Kiều. Ông nói: Hành trình lưu trữ và lan tỏa Truyện Kiều sẽ tiếp nối trong giai đoạn tới thông qua các dự án chia sẻ, kết nối hay triển lãm, giáo dục.