Bước đi mới của một nền hành chính vì dân

Ngày 1/7/2025 trở thành một dấu mốc lịch sử trong tiến trình tổ chức lại các đơn vị hành chính ở nước ta, khi các địa phương trong cả nước chính thức đi vào vận hành mô hình chính quyền 2 cấp.  

Quang cảnh tại kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng khóa 10, nhiệm kỳ 2021-2026.
Quang cảnh tại kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng khóa 10, nhiệm kỳ 2021-2026.

Đây không đơn thuần là thay đổi về địa giới mà còn thể hiện rõ một tinh thần cải cách được chuẩn bị kỹ lưỡng: Tinh gọn bộ máy để phục vụ tốt hơn, vận hành thống nhất để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị và điều hành.Yêu cầu cốt lõi, nền tảng được đặt ra là hiệu quả của bộ máy mới phải thật sự đem lại nhiều lợi ích hơn cho người dân. Mỗi cán bộ trong bộ máy phải chuyển từ tư duy hành chính sang tư duy phục vụ, chuyển từ làm hết trách nhiệm sang làm đến nơi đến chốn, làm cho dân tin, dân thuận, dân ủng hộ.

Ngay trong sáng 1/7, các địa phương trên cả nước đã tổ chức những hoạt động đầu tiên để vận hành hệ thống chính quyền mới. Có thể nhận thấy, Đà Nẵng và Khánh Hòa là hai địa phương tại khu vực miền trung để lại dấu ấn rõ rệt với quy mô sáp nhập lớn và sự chủ động trong hành động. Những thông điệp được phát đi chạm đúng những mối bận tâm thực tế nhất của người dân trong một giai đoạn chuyển đổi hành chính quy mô lớn.

Tại Đà Nẵng, kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân thành phố khóa 10, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra với không khí làm việc khẩn trương, thẳng thắn và có chiều sâu. Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Nguyễn Đức Dũng chỉ rõ những thách thức không nhỏ mà bộ máy chính quyền mới sẽ phải đối mặt, từ địa bàn mở rộng đến dân số gia tăng, từ đặc điểm vùng miền đa dạng đến yêu cầu về tổ chức lại bộ máy. Tất cả đều khiến bài toán quản trị và điều hành trở nên phức tạp hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý không nằm ở việc liệt kê những khó khăn mà ở cách chính quyền thành phố xác lập định hướng hành động. Không chọn cách “vá víu cơ học”, Đà Nẵng nhấn mạnh một tư duy xuyên suốt: Không phải sáp nhập để gộp lại cho gọn mà là hợp nhất để vận hành hiệu quả hơn, phục vụ người dân tốt hơn. Tư tưởng ấy có thể thấy được bắt đầu từ những điều cụ thể: Kiện toàn tổ chức, phân công nhiệm vụ rõ ràng; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao kỷ luật công vụ; tăng cường giám sát, đồng thời rà soát lại toàn bộ hệ thống nghị quyết trước sáp nhập để bảo đảm sự đồng bộ, phù hợp thực tiễn.

Không khí quyết tâm mà Đà Nẵng khởi tạo ngay từ đầu là để tạo lập một nền tảng pháp lý và tổ chức rõ ràng cho quá trình vận hành lâu dài, cho thấy sự chuẩn bị không chỉ nằm trên bàn giấy. Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng cũng nêu bật một thông điệp sâu sắc, là “chính quyền mới phải vận hành bằng năng lực hành động chứ không được phép sa vào lối mòn trì trệ, thói quen xin-cho hay tư duy hành chính cũ kỹ”.

Trong khi đó, tại Khánh Hòa, địa phương mới hình thành trên cơ sở hợp nhất với tỉnh Ninh Thuận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Quốc Nam ngay từ sáng 1/7 đã gửi thư kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp và cộng đồng nhà đầu tư cùng chung tay xây dựng một tỉnh Khánh Hòa phát triển, bứt phá trong giai đoạn mới.

Lá thư không chỉ là một hình thức truyền thông, lời hiệu triệu biểu cảm mà là bản cam kết chính trị rõ ràng: Quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp sẽ được bảo đảm; những điều chưa quen thuộc, những khó khăn trong tổ chức, vận hành, chính sách sẽ được chính quyền mới đối thoại, lắng nghe và giải quyết công khai, minh bạch. Một chính quyền mới khởi đầu bằng thái độ cầu thị, lấy sự đồng hành với người dân làm trụ cột thì ít nhất đã tránh được nguy cơ hình thức hóa cải cách ngay từ bước đầu.

Nhìn từ hai địa phương này, thấy một điểm chung nổi bật, đó là sự dám đối diện với thực tế. Không tô hồng hiện trạng, tránh né khó khăn, không nói chung chung về cải cách mà bắt tay ngay vào việc, từ những điều cụ thể. Những khác biệt về quy mô, điều kiện hay truyền thống hành chính không thể xóa bỏ, nhưng có sự gặp nhau trong tư tưởng hành động lấy người dân làm trung tâm, lấy hiệu quả phục vụ làm thước đo.

Những gì diễn ra ở Đà Nẵng và Khánh Hòa có thể xem là một phép thử đầu tiên để kiểm nghiệm tính đúng đắn, kịp thời và khả thi của các nghị quyết lớn do Quốc hội ban hành về tổ chức lại đơn vị hành chính. Nhưng ở chiều sâu hơn, đó còn là khẳng định bộ máy chỉ có thể phát huy hiệu quả nếu được vận hành bằng con người có trách nhiệm, có năng lực; được dẫn dắt bằng thể chế phù hợp và một phương thức lãnh đạo quyết đoán, minh bạch, không lùi bước trước va vấp ban đầu.

Một nền hành chính sau sáp nhập chỉ thật sự có ý nghĩa khi người dân cảm thấy rõ hơn sự phục vụ, doanh nghiệp thấy môi trường đầu tư thuận lợi hơn, cán bộ, công chức có điều kiện phát huy năng lực và được ghi nhận công bằng. Đó không chỉ là thước đo cải cách mà còn là tiêu chí đánh giá lòng tin xã hội đối với chính quyền.

Có thể bạn quan tâm

back to top